ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 07:00:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trải nghiệm làm nông dân

Báo Cà Mau (CMO) Cuối tuần, hoặc có thời gian rỗi là chị Trần Phương Lan (ngụ Phường 5, TP. Cà Mau) đưa các con xuống chơi nhà anh Tư Nhiệm (Bùi Văn Nhiệm, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).

Chị Lan tấm tắc: “Gia đình anh Tư hiền hoà, mến khách. Nói sang là đi du lịch, chớ giống như về thăm nhà người thân ở quê thôi”. Còn cô con gái lớp 12 của chị (Trần Gia Hảo) thì khoái rủ rê thêm nhóm bạn “gốc thành thị” về đây chơi để được trải nghiệm “làm nông dân”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và hơn hết là hiểu được giá trị của sức lao động.

Thế là tôi xin theo một chuyến. Xe chạm ngõ, đã thấy ngôi nhà nhỏ hiển hiện với “hoa vàng trước ngõ”, “có dây leo kín rào”.  

Đúng như lời nhận xét của chị Lan, anh Tư Nhiệm “mở cửa” đón khách đã hơn 2 năm. Khách đoàn của các công ty lữ hành cũng có, khách lẻ thập phương, khách phượt, khách địa phương nhẩm tính 1 năm cũng vài trăm lượt. Có đoàn khách cả chục người, xuống tham quan rồi lưu trú lại 2-3 ngày. Cũng có nhiều khách ở xa tít ngoài Bắc, về đây chơi mấy bận rồi hẹn năm sau lại về. Thế nhưng, gia đình anh vẫn giữ cái chất nông dân từ trong nhà ra tới ngoài vườn, không “thương mại hoá” bất cứ thứ gì. 

Hoà mình vào thiên nhiên, thu hoạch những sản vật đồng quê.
Hoàng Huy và Gia Hảo thích thú được làm nông dân.

Đưa nón lá, dép Lào cho các vị khách nhí đang háo hức đi thăm thú, anh Tư tâm đắc: “Cốt nông dân sao cứ vậy. Bạn bè về đây chơi thích sống như nông dân. Ăn, ở, ngủ, nghỉ cũng như nông dân. Tôi chưa dám nghĩ nhiều đến làm giàu từ du lịch. Chỉ đơn giản là khách đến chơi nhà thì nồng nhiệt tiếp đón. Khách vui, mình vui. Bữa nào không có khách vợ chồng tôi lại mang dao, cuốc ra vườn từ sáng tới tối. Mùa nào trồng thứ ấy”. 

Chiếc xuồng len lỏi dưới giàn bầu sai trái. Mấy đứa nhỏ mải miết “tự sướng” đến nổi mấy trái bầu đụng đầu lụp cụp vẫn toe toét cười. Anh Tư “thuyết minh”, toàn khu có 5 ha. Trong đó có 2,5 ha đất vườn anh trồng đủ loại cây ăn trái, rau củ quả để phục vụ kinh tế gia đình, vừa để khách thoả sức tham quan, trải nghiệm. Anh trồng theo mùa. Thay đổi giống cây trồng sao cho phù hợp để cho hiệu quả tốt nhất. Chẳng hạn bán hết đợt bầu, anh chuyển sang trồng mướp, khổ qua. Khách đến đợt này chụp hình với bầu, thì lần sau ghé đã có cảnh mới để chụp ảnh. Kể cả món ăn chiêu đãi cũng theo mùa. Khách sẽ thích thú vì sự đổi mới. Quan sát thấy trên liếp anh còn trồng đủ thứ giống đu đủ, có loại đu đủ dây lủng lẳng lạ mắt, rồi còn đậu bắp, dưa gang, rau cải,... 

2,5 ha còn lại là đất rừng. Anh Tư Nhiệm đưa chúng tôi đi vào sâu bên trong. Chiếc xuồng áp sát mé kênh, anh Tư ra hiệu bạn ngồi trước dỡ lọp cá. Kéo lên tới mặt nước, anh chàng Huy cận reo vui: “Có cá anh ơi. Lóc, rô, trê đủ thứ. Thích quá!”. Được anh Tư hướng dẫn mở lọp, đổ cá ra, Huy hứng khởi: “Hồi đó giờ toàn biết ăn không à. Bữa nay được tự tay bắt cá kiểu này, mới thấy người dân mình kiếm cá bán đâu có dễ”. Xuồng tiếp tục ghé bụi năn bộp dỡ trúm lươn. Bận này, Huy lắc đầu. Cô con gái chị Lan nhăn mặt, nhưng làm gan dỡ thử. Trút trúm, con lươn rớt ra, cô nàng thích thú. 

Lần này tới bận đi lấy bẫy chuột. Cả Trần Hoàng Huy và Trần Gia Hảo đều ngán ngại. Anh Tư Nhiệm cười: “Để anh!”. Có đến cả chục cái bẫy chuột, nhưng chỉ trúng được vài cái. Anh Tư phân trần, chuột rừng khôn lắm nên khó bắt. Nhưng được cái thịt thơm, béo và rất ngon. Chuột nướng, chiên sả ớt, khìa, kho rim,... món nào cũng hấp dẫn. 

Anh Tư đẩy xuồng sâu trong rừng, chỉ tay vào đám sậy rậm rạp: “Đó là kèo ong. Nhiều đoàn khách đến đây thích được trải nghiệm “ăn ong”. Mật ong mùa này là ngon nhất. Nhưng khó lấy, nên bán không được nhiều”. Anh Tư trần tình, toàn diện tích rừng 2,5 ha anh gác mấy chục kèo ong, nhưng để lấy được mật cung ứng cho khách vất vả vô cùng. Có khi đi cả buổi lấy được 1-2 kèo mà còn bị ong “tặng” vài vết đốt. Nên khi khách đến muốn cùng đi phải dặn trước để anh chuẩn bị đồ bảo hộ, thăm dò đường để lấy kèo sao cho vừa dễ, vừa nhanh.

Theo anh Tư, mật ong anh vẫn lấy theo cách truyền thống là đốt khói vì anh kiểm soát được độ an toàn cho rừng không bén lửa. Còn một số nơi hiện nay do mùa nắng nóng, nguy cơ cháy cao, nên người ăn ong tự “thương mại hoá” ăn ong bằng cách dùng bình xịt côn trùng. Điều này nguy hại vô cùng, bởi lẽ, cách này sẽ tận diệt ong, mật ong cũng không thể đảm bảo chất lượng. “Con ong cho mật. Mật ong cho thu nhập gia đình. Dẫu gì tôi cũng bảo vệ con ong”, anh Tư quả quyết. 

Dạo một vòng quanh vườn thì trời đứng nắng. Mồ hôi nhễ nhại, nhưng ai cũng rạng rỡ, háo hức với chiến lợi phẩm. Các bạn nhỏ xắn tay vào bếp. Chị Tư hướng dẫn làm cá, lặt rau. Còn chị Lan thì thảnh thơi đu đưa trên chiếc võng ngoài hàng xoài. Gia Hảo hăm hở: “Tụi con sẽ chiêu đãi mẹ đại tiệc cá đồng, rau rừng”.

Xiên cá bằng tre nướng trên lửa than hồng, mùi thơm nức mũi của cá trê, cá lóc xứ rừng khiến ai nấy cồn cào vì muốn thưởng thức ngay. Lươn được làm sạch, nấu mẻ, ăn với chuối ghém, rau muống đồng. Còn cá rô đem kho tộ, để thêm chút tiêu, ăn với mớ rau rừng của cá nướng là hết sẩy. Lũ chuột được anh Tư làm sạch, ướp sả ớt, thả vô chảo dầu nóng đã ngả vàng óng ánh nhìn phát thèm. Loay hoay chẳng thấy Huy cận đâu, hoá ra anh chàng đang ngồi gốc xoài câu cá. Nháy mắt, Huy cười: “Thích thiệt, ở đây không khói bụi, không ồn ào, ăn uống cũng khỏi lo thực phẩm bẩn”. 

Đó cũng là lý do chị Lan thích đưa các con về đây chơi. Mỗi chuyến đi còn cho tụi nhỏ sự trải nghiệm, tự đút rút bài học cuộc sống. 

Chị Lan chia sẻ, làm du lịch kiểu vầy lại thích. Dân dã, gần gũi, mà nghỉ dưỡng cũng hay. Tâm lý người đi du lịch thích sự trải nghiệm nét văn hoá và cuộc sống vùng miền. Nếu thích náo nhiệt, sang trọng, dịch vụ tiện nghi thì các tỉnh trên có rất nhiều khu, điểm, du khách dễ lựa chọn. Chị cho rằng, khách trở lại thăm gia đình anh Tư không chỉ vì muốn trải nghiệm mà còn vì thương cái chất hào sảng, hiếu khách. Loại “đặc sản” du lịch không phải nơi nào cũng có được và không thể trả bằng tiền.

Lần gần đây nhất tôi về thăm nhà anh Tư Nhiệm cùng với đoàn khách người Hà Nội. Một vị khách tuổi ngoài 60 có vẻ như khó tính vẫn tỏ ra hài lòng với cách phục vụ chân tình của gia đình anh Tư. Cô có lời khen: “Nông dân làm du lịch phải vầy. Phải đậm chất nông dân. Người đi du lịch cũng phải làm nông dân. Ăn, uống, ngủ, nghỉ cũng theo nông dân”. Cô còn chia sẻ, đất rừng U Minh chỉ từng được nghe qua lời kể, qua sách, báo, còn tấm lòng người dân thì nghe nhiều qua câu hát “Người Cà Mau dễ thương vô cùng!”, nay mới được “mục sở thị”. Sau một ngày làm nông dân mới cảm nhận sâu sắc cái chân tình của vùng đất xa xôi cực Nam Tổ quốc. Đi chuyến này về cô lại cho ra đời một tác phẩm báo chí mang hơi thở của đất, của người Cà Mau. 

Anh Tư Nhiệm bộc bạch, khách du lịch thương nên có lời khen. Anh cũng mừng. Nhưng mỗi ngày phải suy nghĩ làm sao để có thêm trải nghiệm mới cho khách. Anh mong đợi từ các chuyên gia du lịch, nông nghiệp đưa đến hỗ trợ các nhà nông tạo ra sản phẩm dịch vụ cầu thị, đáp ứng nhu cầu của người dân thành thị muốn tận hưởng, khám phá phong cách sống miệt vườn.

Hiện nay, các công ty du lịch đã mở các tour, tuyến du lịch đến với các hộ dân làm du lịch sinh thái cộng đồng. Tuy nhiên, để có một tour du lịch thực sự chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu du khách, nhất là khách quốc tế, công tác quản lý Nhà nước đối với du lịch cộng đồng cần được quan tâm kịp thời, cần đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, đặc biệt là những giải pháp về quản lý điểm đến, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch; Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Đừng để người dân làm du lịch “một mình”!./.

Băng Thanh

Du lịch nhà dân Tư Nhiệm (Bùi Văn Nhiệm), toạ lạc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cách trung tâm TP. Cà Mau khoảng 20 km, nằm trên tuyến đường về Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cống T19 rẽ phải khoảng 1 km).

 

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.