(CMO) Đến Cà Mau, du khách thường chọn 3 điểm đến cho hành trình thú vị là Năm Căn - Mũi Cà Mau, U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc và U Minh - Sông Trẹm. Những cung đường du lịch này dài từ 50 đến hơn 100 km, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có được một trạm, điểm dừng chân đạt tiêu chuẩn. Đây là “điểm yếu” của du lịch Cà Mau trong việc xúc tiến du lịch tỉnh nhà.
Bởi lẽ, không du khách nào muốn ghé điểm dừng chân “bất đắc dĩ” trong tình trạng nhà vệ sinh nhếch nhác, thái độ phục vụ không chuyên nghiệp, không thể mua được một chai nước suối, hay không có gì để lưu lại một tấm ảnh kỷ niệm cho chuyến đi.
![]() |
![]() |
![]() |
Cà Mau đang hình thành và phát triển nhiều mô hình du lịch mới: du lịch xuyên rừng, tham quan bãi bồi,... nhưng chưa có trạm, điểm dừng chân trên các cung đường. |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, dọc tuyến Quốc lộ 1 đã hình thành trạm dừng chân, điểm du lịch sinh thái (thuộc địa bàn huyện Cái Nước). Tuy nhiên, những điểm này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu vệ sinh của khách, nghỉ ngơi, thư giãn sau một chặng đường dài, hoặc mua một vài sản phẩm lưu niệm, chứ chưa thể cho du khách trải nghiệm văn hoá của một điểm đến, sản phẩm trưng bày cũng chưa đa dạng, đặc sắc như một trạm thông tin du lịch với đầy đủ chức năng dịch vụ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của khách du lịch, đặc biệt khách nước ngoài.
Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT&DL Cà Mau Trần Xuân Trường cho biết, những trạm, điểm dừng chân hình thành hầu hết là tự phát. Đến nay, việc xây dựng trạm, điểm dừng chân du lịch đạt chuẩn đã được khảo sát, lập kế hoạch cụ thể, hướng đến kêu gọi đầu tư và sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.
Tại Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Cà Mau" vừa qua, ông Nguyễn Văn Thước, Uỷ viên Ban Thường vụ Liên hiệp Các hội KH&KT tỉnh cho rằng, việc xây dựng các trạm, điểm dừng chân cần ngành du lịch chủ trì, tổ chức xây dựng, quản lý điều hành, quảng bá sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch Cà Mau. Các trạm dừng chân này phải bảo đảm các tiêu chí: Hệ thống vệ sinh đạt chuẩn, có hệ thống cung cấp xăng dầu, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, gian hàng bán các sản phẩm địa phương và các bản đồ, bảng thông tin giới thiệu về du lịch Cà Mau.
Theo ông Thước, Cà Mau trong tầm mắt du khách rất khác nhiều tỉnh, thành trong nước với những tiềm năng độc đáo của rừng và biển, do đó, các trạm dừng chân không nên cứng nhắc là phải tích hợp đầy đủ các dịch vụ trên, hoặc cũng không cần đòi hỏi một quy mô quá lớn nhưng là địa chỉ tin cậy thu hút khách ghé thăm. Có thể xây dựng một trạm, điểm dừng chân chỉ cần một vài dịch vụ như trưng bày các sản phẩm địa phương, giới thiệu về tiềm năng du lịch hay chỉ là một làng nghề, một nhà dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để du khách tận mắt thấy, tự tay làm, thưởng thức món ngon đặc sản địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thước nhấn mạnh, tổ chức được trạm, điểm dừng chân đạt chuẩn không chỉ gây ấn tượng tốt đối với du khách, xây dựng hình ảnh đẹp du lịch Cà Mau mà ngay cả người dân cũng được hưởng lợi, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm và không lo cảnh “được mùa mất giá”. Chẳng hạn, Cua Năm Căn đã thành thương hiệu, song, không phải du khách nào cũng có thể mua đúng con cua Năm Căn, đúng giá và sợi dây trói “vừa đủ trói” . Mọi lo ngại này có thể giải quyết ngay khi ở trạm, điểm dừng chân du lịch có bán loại cua này (có thể liên kết Hợp tác xã Cua Năm Căn cung ứng sản phẩm). “Có thể giá đắt hơn thị trường một chút, nhưng đảm bảo chất lượng, đóng gói tốt, ắt hẳn du khách sẽ rất hài lòng”, ông Thước khẳng định.
Hay đối với sản phẩm bồn bồn được trưng bày tại các trạm, điểm dừng chân sẽ khơi sự tò mò trong du khách về cách làm, cách trồng... Khi đó, nhân viên nơi đây sẽ là “đại sứ du lịch” giới thiệu rõ về cây bồn bồn và các món ăn có thể chế biến về nó. Hoặc nếu du khách có nhu cầu đến xem tận nơi, trạm sẽ trở thành đơn vị vận chuyển, kết nối đưa khách đến các hộ dân để họ được trải nghiệm, cảm nhận và có thể mua về các sản phẩm chất lượng mà không lo về giá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, người dân có thể bán sản phẩm tại nhà như: tôm khô, khô bổi, mắm, cua, tôm, bồn bồn... không lo bị ép giá, mất giá, phục vụ chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, trong số 1 triệu lượt khách đến tham quan Cà Mau trong 9 tháng đầu năm 2018, chỉ cần 30% lượng khách tiêu thụ sản phẩm địa phương, chỉ với 1 kg tôm khô/người thì đã là tín hiệu đáng mừng.
“Cà Mau đã có rất nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng được công nhận thương hiệu, bên cạnh đó có rất nhiều món ngon mà không phải nơi nào cũng có được, kèm theo đó là nét văn hoá đậm nét Nam Bộ, dân dã... Việc xây dựng được trạm, điểm dừng chân du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, khoa học sẽ là điểm nhấn phát triển của du lịch Cà Mau”, ông Nguyễn Văn Thước kỳ vọng.
Thiết nghĩ, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, việc xây dựng các trạm, điểm dừng chân đạt tiêu chuẩn là việc cấp thiết và sẽ tạo đà để du lịch Cà Mau khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam, vươn xa quốc tế. Song, “cơ hội vàng” này đến nay vẫn chỉ là “tiềm năng và cơ hội”, còn là kế hoạch... Hy vọng rằng, ý tưởng sớm được hiện thực hoá với sự tính toán kỹ lưỡng, có cơ chế, chính sách phù hợp, sự quản lý chặt chẽ của ngành du lịch và sự chung tay của doanh nghiệp./.
Băng Thanh