(CMO) Tỷ lệ điện chia hơi cao nhất huyện, lộ nông thôn xuống cấp, trường cần thêm nhiều nguồn vốn đầu tư để đạt chuẩn, nước sạch vẫn chưa tới hết các khu vực sinh sống của bà con vùng quê, đó là những khó khăn của xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi. Dù hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhưng với địa phương này, hành trình về đích vẫn còn quá xa xôi.
Chia tách từ xã Tân Trung năm 2006, xuất phát điểm thấp (chỉ 3/19 tiêu chí), hạ tầng yếu kém nên sức vươn lên của Trần Phán cũng chậm hơn so với nhiều địa phương khác. Phó chủ tịch UBND xã Trần Phán Trần Thanh Liêm nhìn nhận: “Bước đầu gặp rất nhiều trở ngại, đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí. Song, về điều kiện kinh tế của bà con, về nguồn lực, vật lực vẫn còn hết sức khó khăn”.
Bức bách lộ nông thôn
Như nhiều xã khó khăn khác, Trần Phán hiện nay đau đầu nhất vẫn là câu chuyện lộ nông thôn. Ðây là 1 trong 6 tiêu chí chưa thể đạt của xã đến thời điểm này. Theo báo cáo của địa phương, xã đã xây dựng được tổng số 40 km lộ, còn gần 30 km nữa mới có thể hoàn thiện các tuyến chính.
Con số báo cáo thì như thế, nhưng trên thực tế, trong số 40 km đó, nhiều tuyến đã được xây dựng từ năm 2009 về trước nay xuống cấp, cần đầu tư sửa chữa. Tuy vậy, mỗi năm địa phương chỉ được bổ sung ngân sách từ 1-1,3 tỷ đồng. “Với nguồn ngân sách này, xã chỉ có thể xây dựng khoảng 3 km nên hết sức khó khăn. Như năm 2020, với nguồn vốn đầu tư công, toàn xã chỉ xây dựng mới được gần 2,1 km. Trong khi hệ thống giao thông cần phải đầu tư rất lớn, lộ trình để đạt tiêu chí này còn rất xa”, ông Trần Thanh Liêm trần tình.
Nguồn vốn phân bổ “nhỏ giọt”, huy động trong dân càng khó khăn khi phần đông đời sống bà con nơi đây chỉ ở mức trung bình. Ðặc biệt, có 3 ấp đặc biệt khó khăn như Tân Hoà, Bào Giá và Ngã Bát, nhiều hộ nghèo, thu nhập bấp bênh, phải đi các tỉnh làm thuê.
Trưởng ban Mặt trận ấp Bào Giá Trần Minh Tiếp bày tỏ: “Ấp này đủ thứ khó khăn. Toàn ấp hiện tại chỉ mới xây được khoảng 5 km lộ. Hiện còn 4 tuyến chưa được xây dựng như tuyến Kênh Cũ, lung Bật Cật, Kênh Mới, kênh Cột Cờ cần đầu tư thêm khoảng 10 km nữa. Năm rồi ấp thoát được 11 hộ nghèo, nhưng nhìn chung đời sống còn khó khăn, bền vững hay không cũng chưa biết được. Thanh niên ấp này hầu như đi làm mướn tứ xứ, vì không có đất canh tác, ở nhà không biết làm gì”.
Cần đầu tư điện, nước
Xã Trần Phán hiện tỷ lệ hộ sử dụng điện chia hơi cao nhất huyện, gần 500 hộ chưa có điện kế chính, chiếm gần 20%. “Dân có nhu cầu nhưng chưa được đầu tư lưới điện. Tiếp xúc cử tri nhiều lần dân kiến nghị, chính quyền địa phương cũng tiếp thu ý kiến rồi kiến nghị lên cấp trên nhưng nhận được ý kiến trả lời là chưa có nguồn vốn”, ông Liêm phân trần.
Ông Tiếp kể: “Năm rồi, ấp có một trường hợp điện giật chết do chia hơi. Chồng đi làm mướn, vợ ở nhà sửa điện. Một đường kênh mà nhiều hộ kéo dây từ cột điện chính, rồi cúp nhầm cầu dao của hộ khác nên chết thương tâm”.
Ðiện chia hơi kéo gần mặt đất tại ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán rất nguy hiểm. |
Nước sạch cũng là vấn đề nan giải nơi đây. Mỗi mùa khô về, hàng trăm hộ dân ở nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn lại vất vả đi tìm nguồn nước sạch để sinh hoạt cho gia đình. Ông Liêm trầm ngâm: “Khoảng từ tháng 2-3 trở đi, một số hộ phải đi đổi nước, xin nước, nhất là tuyến Tân Hoà, Ngã Bát. Nhưng muốn khai thác nước sạch ở đây rất khó, độ sâu từ 250-300 m mới có mạch nước ngầm. Vì vậy, để có giếng khoan sử dụng được nước phải mất từ 15-20 triệu đồng. Hộ khó khăn sẽ không kham nổi”.
“Ðã qua, nhờ chương trình, dự án của Tổ chức Care Việt Nam hỗ trợ 2 cây nước ở ấp Tân Hoà, phục vụ được mấy chục hộ cũng đỡ. Hiện tại, còn giếng nước ở ấp Bà Ðập đến nay chưa đấu nối mạng, nếu được sẽ phục vụ người dân 2-3 ấp nữa”, ông Liêm nói thêm.
Người dân ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi trữ nước sinh hoạt để sử dụng. |
Chợ xã đã hình thành khá lâu (năm 2003) đến nay xuống cấp, gần 300 tiểu thương tận dụng nhà ở của mình để buôn bán. Riêng tiêu chí trường học đến nay chỉ có 2/4 điểm trường đạt chuẩn, cần nguồn vốn rất lớn để nâng cấp, mở rộng mới đủ điều kiện đạt tiêu chí này. Trung tâm văn hoá phục vụ cộng đồng đến nay vẫn chưa có quỹ đất xây dựng, xã cũng ra sức kêu gọi bà con hiến đất nhưng chưa khả quan.
Ông Liêm bộc bạch: “Ðịa phương rất đau đầu trong việc thực hiện các tiêu chí cần nguồn vốn. Hiện các tiêu chí dễ, cần nội lực thì vận động bà con thực hiện trước như: trồng hàng rào cây xanh, làm sạch vườn, sạch ngõ và nâng chất các tiêu chí này để đạt cao hơn”./.
Hồng Nhung