Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa tiếng trống tựu trường sẽ vang lên, bên cạnh không khí tất bật chuẩn bị khai giảng, ngành giáo dục huyện U Minh còn đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất... Bài toán này tuy cũ nhưng năm nào cũng tồn đọng trước thềm năm học mới.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện U Minh, năm học 2024-2025, trên địa bàn huyện còn thiếu đến 119 giáo viên. Theo đó, những trường thiếu chủ yếu tập trung ở các địa bàn đi lại khó khăn, ông Huỳnh Việt Bắc, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện U Minh, cho biết: “Ðể đảm bảo phục vụ tốt cho năm học 2024-2025 và giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, Phòng GD&ÐT đã có phương án sắp xếp, tham mưu cho UBND huyện về việc điều giáo viên những trường thừa sang trường thiếu. Ðặc biệt, ở khối tiểu học, THCS, trước mắt đề xuất hợp đồng để đảm bảo giảng dạy đúng thời gian và môn học theo quy định. Cụ thể, cấp tiểu học tuyển hợp đồng khoảng 5 giáo viên, còn THCS khoảng 14 giáo viên”.
Tại Trường Mầm non Hoạ Mi (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) những ngày này, bên cạnh không khí khẩn trương của các cô giáo tất bật lau dọn lớp học, chuẩn bị đồ dùng dạy học, điều trăn trở nhất chính là cơ sở vật chất tại trường khá xuống cấp, cũ kỹ.
Các cô giáo tại Trường Mầm non Hoạ Mi tất bật chuẩn bị cho năm học mới.
Năm học mới này trường tuyển sinh 7 lớp, với 185 học sinh, nhà trường đã bố trí 2 giáo viên phụ trách trông nom 35 cháu/lớp học. Tuy nhiên, từ khi trường chuyển từ mẫu giáo lên mầm non phải tăng lên 1 lớp nhóm. Số lượng phòng học không đủ phải tận dụng phòng của giáo viên, trong đó nhiều phòng vách tường bong tróc, ẩm ướt.
“Số lượng biên chế giáo viên vẫn đảm bảo, tuy nhiên, cơ sở vật chất xuống cấp, đồ dùng học tập tối thiểu cho các lớp lại không đủ. Hằng năm, nhà trường phải vận động xã hội hoá để đảm bảo đồ dùng giảng dạy cho năm học”, cô Dương Bích Tuyền, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin.
Không khá hơn, dù được đầu tư xây mới, khang trang và được bàn giao vào tháng 7 năm nay, nhưng trong tổng số 20 phòng học của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Ấp 11, xã Khánh Tiến) đã có quá nửa phòng chưa có bàn ghế, bảng viết. Ðể chuẩn bị cho khai giảng năm học mới, nhà trường chỉ còn cách tận dụng lại trang thiết bị cũ, tuy nhiên số lượng chỉ đáp ứng được vài phòng học.
Được xây mới khang trang, tuy nhiên, vấn đề thiếu trang thiết bị phục vụ dạy và học là nỗi trăn trở đối với các thầy cô tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản trong năm học mới này.
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản phải sử dụng lại bàn học cũ, kích thước không đều, chưa có bảng đen và ghế ngồi.
Thầy Lâm Quốc Thịnh, Phó hiệu trưởng nhà trường, trăn trở: “Việc không đủ bàn ghế, tận dụng bàn ghế cũ tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em vì kích thước bàn dành cho các khối lớp không đồng đều. Giải pháp hiện tại là, với các môn chuyên nhà trường sẽ sắp xếp các em học cùng các môn chung trong 1 phòng, khi nào đủ bàn ghế sẽ tách ra học riêng. Hiện tại, khuôn viên trường còn chưa xây dựng một số hạng mục phụ như hàng rào phụ xung quanh trường, nhà xe cho giáo viên và học sinh... để đảm bảo được trường đạt chuẩn quốc gia. Chúng tôi mong muốn được sớm đầu tư, bổ sung mới để nhà trường đảm bảo hoạt động trong thời gian tới”.
Về khó khăn cơ sở vật chất phục vụ năm học mới tại 2 trường trên, ông Huỳnh Việt Bắc, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện U Minh, cho biết: “Các trường này chỉ hoàn thành gói xây dựng cơ bản phòng học và các phòng chức năng. Các gói này không có trang thiết bị bên trong. Ngoài Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường Tiểu học và THCS Ðỗ Thừa Tự (xã Khánh Thuận) cũng rơi vào trường hợp đã xây dựng xong nhưng bên trong chưa có gì. Năm nay do không có nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ nên huyện tự cân đối, sửa chữa với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Vì nguồn kinh phí hạn chế nên rất nhiều trường, do xây dựng đã lâu, đến khi công nhận đạt chuẩn lại thì không đạt tiêu chí về cơ sở vật chất".
Trường Mầm non Hoạ Mi trưng dụng lại phòng giáo viên để mở lớp nhóm, các phòng này vách tường đã bong tróc, xuống cấp.
Không khí khai giảng đang cận kề, dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục, đội ngũ thầy, cô giáo tại địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động, nỗ lực tháo gỡ những trở ngại để sẵn sàng cho một năm học với nhiều kỳ vọng và niềm tin./.
Hữu Nghĩa