(CMO) “Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, huyện Thới Bình vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 1 tỷ đồng, đạt 106,4% kế hoạch. Con số này thể hiện sự quan tâm đi vào chiều sâu. Cũng nhờ đó, đã thực hiện được nhiều chương trình, giúp các hộ gia đình chính sách, người có công có điều kiện vươn lên, sống an vui, ổn định”, ông Nguyễn Hoàng Bé, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Bình, cho biết.
Chi trả kịp thời chế độ, chính sách
Toàn huyện có hơn 3.200 đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên của Nhà nước với số tiền hơn 26 tỷ đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Bé, địa phương luôn kịp thời thực hiện đúng chế độ. Huyện cũng rất quan tâm đổi mới công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, nêu cao tinh thần phục vụ người có công với cách mạng; kịp thời giải quyết các vấn đề tồn đọng trong việc thực hiện chế độ chính sách, chế độ đối với người có công, nhất là thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp ưu đãi người có công. Đặc biệt, 33 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng chăm lo đến suốt đời.
Thể hiện trách nhiệm và đạo lý, tuổi trẻ huyện Thới Bình thường xuyên thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình chính sách, người có công. |
Ngoài ra, các hội, đoàn thể cũng tích cực chăm lo người có công. Anh Dương Tuấn Anh, Phó bí thư Huyện đoàn Thới Bình, cho biết, tuổi trẻ thể hiện trách nhiệm của mình đối với những người có công với đất nước bằng rất nhiều hoạt động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực, như: thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ các gia đình chính sách xây và sửa chữa nhà ở, tổ chức khám, cấp phát thuốc... Các trường học cũng tham gia tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa bằng việc quét dọn, chỉnh trang các đài liệt sĩ, nhà ghi danh, nghĩa trang liệt sĩ, thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ông Trần Tấn Đức, thương binh 2/4, ngụ Khóm 1, thị trấn Thới Bình, chia sẻ, chiến tranh đã lùi xa nhưng những “vết sẹo thời gian” vẫn in hằn, tuy vậy, mọi nỗi đau đều được xoa dịu bởi sự quan tâm của toàn xã hội.
“Việc thực hiện chính sách không dễ. Và họ, những người làm công tác này, ngoài trách nhiệm, còn tận tâm, nhiệt tình chăm lo, giải quyết nhanh chóng, chính xác, có tình, có lý, tôi rất hài lòng. Tôi mừng vì nhờ đó mà bản thân các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ luôn sống gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào cách mạng của địa phương. Họ còn tình nguyện đóng góp vào các nguồn quỹ”, ông Đức phấn khởi.
Tháng tri ân
Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu tháng 7, nhiều hoạt động thiết thực hướng về ngày Thương binh - Liệt sĩ đã được triển khai. Đặc biệt, hoạt động kỷ niệm 70 năm năm nay, bên cạnh các hoạt động thường niên, huyện còn tổ chức lễ kỷ niệm với sự góp mặt của 160 đại biểu và công nhận các danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”.
Riêng với tuổi trẻ huyện Thới Bình, “Tháng 7 tri ân” với những hoạt động thiết thực, nhất là việc tổ chức lễ thắp nến tri ân thay cho lòng biết ơn sâu sắc dành cho những người đã không tiếc máu xương, tuổi thanh xuân của mình vì Tổ quốc.
“Không chỉ là những việc làm tri ân trong những ngày tháng 7 mà xuyên suốt trong năm”, ông Nguyễn Hoàng Bé khẳng định. Ông cho rằng, trong thời kỳ đổi mới, công tác người có công có vai trò, vị trí quan trọng và là nhiệm vụ hết sức thiêng liêng. Phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ kinh phí giúp các đối tượng chính sách tu sửa, nâng cấp nhà ở; đẩy mạnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và xã hội hoá chăm sóc người có công nhằm huy động thêm nguồn lực cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách và người có công. Đảm bảo 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng nơi cư trú./.
Băng Thanh