Căn bệnh vô cảm, thờ ơ trước đồng chí, đồng đội và quần chúng Nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên từ lâu được Ðảng ta nhận diện, chỉ rõ là rào cản trong tiến trình phát triển đất nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, là cơ hội để các phần tử phản động, thù địch ra sức chống phá.
- Không thể thờ ơ với bệnh nghề nghiệp
- An toàn phương tiện qua sông: Chủ phà tuân thủ, khách lại thờ ơ
- Không giúp người gặp nạn - Vô cảm hay thiếu kiến thức luật pháp?
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, của Tổng bí thư Tô Lâm, thời điểm này hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang ráo riết thực hiện công tác tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Ðây là cơ hội tinh gọn tổ chức bộ máy, sàng lọc cán bộ, chọn giữ những người thật sự có đức, có tài để phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân.
Căn bệnh của sự trì trệ
Vô cảm, thờ ơ từ lâu được xác định là căn bệnh của sự trì trệ, kìm hãm sự phát triển của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Về sâu xa, sự vô cảm, thờ ơ của một bộ phận cán bộ, đảng viên là vấn nạn, đã và đang ảnh hưởng đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hệ quả của bệnh vô cảm là gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại; an phận, tự đứng ngoài cuộc trước những vấn đề thực tại của bản thân ngay trong cơ quan, đơn vị, địa phương đang công tác.
Tác hại của căn bệnh thờ ơ, vô cảm rất nguy hiểm, nó tàn phá lương tâm, lương tri, phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, làm mất lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Hậu quả to lớn của căn bệnh vô cảm là gây mất đoàn kết, mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương. Chính thái độ này dẫn đến thói ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, kèn cựa địa vị, quan liêu, bao biện, phô trương, lãng phí, tư lợi, tham ô, hủ hoá, không quan tâm đến công việc được giao, thậm chí né tránh nhiệm vụ, né tránh trách nhiệm, hoang mang dao động trước những khó khăn, thách thức.
Một hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác của bệnh thờ ơ, vô cảm là cơ hội tuyệt vời để các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá Ðảng, Nhà nước, chế độ ta. Chúng ra sức xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước; chúng xuyên tạc, phủ nhận chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; chúng lấy dẫn chứng từ một vụ việc cụ thể của cán bộ, đảng viên vô cảm, vi phạm pháp luật để đồng hoá với tất cả cán bộ, đảng viên; chúng phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt thông tin, gây áp lực lên khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ðại hội XIII của Ðảng đã đánh giá: “Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên thực sự là một căn bệnh rất nguy hại, có biểu hiện đa dạng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, như: suy nghĩ hẹp hòi, thái độ dửng dưng, làm ngơ, không quan tâm đến những sự kiện, sự việc diễn ra của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị, cũng như trước khó khăn, bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân”.
Bệnh thờ ơ, vô cảm của cán bộ, đảng viên được biểu hiện qua 3 mối quan hệ, đó là vô cảm đối với bản thân, đối với đồng chí, đồng nghiệp và đối với Nhân dân. Ðối với bản thân, bệnh vô cảm biểu hiện qua việc không tự phê bình. Vì vậy, họ không thấy điểm mạnh để phát huy; không thấy hạn chế để tự uốn nắn, khắc khục; tự thoả mãn, an phận. Không phấn đấu học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; không trau dồi, rèn luyện đạo đức, tác phong.
Ðối với đồng chí, đồng nghiệp, bệnh vô cảm biểu hiện bằng việc không thực hiện nguyên tắc phê bình trong Ðảng; không đóng góp ý kiến xây dựng đồng chí, xây dựng tập thể, hoặc đóng góp lấy lệ, phê bình hình thức, ngại va chạm. Không giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp để cùng tiến bộ; hoạt động độc lập, thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các bộ phận liên quan trong cùng cơ quan, đơn vị, địa phương, vì vậy hiệu quả công tác không cao.
Ðối với người dân, bệnh vô cảm của cán bộ, đảng viên là không nghe dân nói; không nói cho dân hiểu; không làm cho dân tin. Thấy việc cần phải làm, trách nhiệm phải làm nhưng không làm; hoặc đặt ra những đòi hỏi vô lý, thiếu căn cứ, cố tình kéo dài thời gian, gây nhũng nhiễu để vụ lợi, khiến cho người dân, doanh nghiệp bức xúc, bất bình trước thái độ làm việc của họ.
Tổng bí thư Tô Lâm vừa qua đã chỉ đạo: “Phải có liều thuốc đủ mạnh để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc, tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp; có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm...”.
Cần những giải pháp quyết liệt
Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII của Ðảng đã nhận diện 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có bệnh thờ ơ, vô cảm: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân”. Ðể trị tận gốc căn bệnh thờ ơ, vô cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, phải thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả sau:
Thứ nhất, cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phải tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là tư tưởng lấy dân làm gốc. Tinh thần trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân, chia sẻ với dân, giúp đỡ dân... làm điểm mấu chốt để khắc phục bệnh thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ðẩy mạnh hoạt động về cơ sở, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh có nhiều việc làm ý nghĩa, nhân văn. (Trong ảnh: Ban Phụ nữ Công an tỉnh phối hợp với Hội LHPN TP Cà Mau trao quà cho học sinh nghèo trên địa bàn xã An Xuyên, TP Cà Mau).
Thứ hai, quan tâm xây dựng nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XIII. Ðó là, “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”; “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền”.
Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp uỷ đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền. Không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nhưng cũng không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.
Thứ tư, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nắm chắc lịch sử chính trị và chú trọng vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.
Thứ năm, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Ðảng. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, việc tự diễn biến, tự chuyển hoá, việc chấp hành kỷ luật của cán bộ, đảng viên.
Thứ sáu, thực hiện quyết liệt chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, gắn với công tác tinh giản biên chế. Quyết tâm đưa ra khỏi hệ thống chính trị những cán bộ, đảng viên hạn chế về năng lực, đạo đức, tác phong. Theo chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm: “Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan Nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém”.
Thứ bảy, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Quy định 144-QÐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới./.
Ðỗ Chí Công