(CMO) Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Bác sĩ Trần Thị Châm, Trưởng Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Hiện có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và chia làm 3 nhóm bệnh chính: nhóm bệnh bụi phổi, nhóm bệnh nhiễm độc và nhóm bệnh khác”.
Tại tỉnh Cà Mau chưa có con số thống kê hoàn chỉnh về bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít người lao động đã, đang mắc bệnh nghề nghiệp và gia tăng theo từng năm.
Cả chủ và người lao động còn thờ ơ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh nghề nghiệp, nhưng chủ yếu được phân làm 2 nguyên nhân chính. Về khách quan bao gồm các yếu tố trong quá trình sản xuất như vật lý, hoá học, sinh học tác động trực tiếp đến người lao động; do trong tổ chức lao động còn nhiều bất cập như người lao động làm việc quá lâu, không được nghỉ ngơi hợp lý, chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức trong lao động cũng dẫn đến bệnh nghề nghiệp; cuối cùng điều kiện vệ sinh và an toàn xung quanh người lao động.
Người lao động làm việc trong môi trường khói bụi, độc hại dễ dẫn đến bệnh bụi phổi. |
Bên cạnh đó, bản thân người lao động trong quá trình sản xuất còn chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính mình. Phía đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động thiếu quan tâm, lỏng lẻo trong chăm sóc sức khoẻ người lao động, chưa thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hộ lao động.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Dù không gây tổn hại trước mắt, hoặc biểu hiện nhiều ra bên ngoài nhưng bệnh để lại hậu quả nghiêm trọng “tàn phá” sức khoẻ, thể chất, tinh thần người lao động.
Anh Trần Thanh Nhàn, công nhân xây dựng, cho biết: “Bản thân thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, nhựa đường nên đường hô hấp có vấn đề. Biểu hiện là gần 1 năm nay tôi thường khó thở, ho dồn dập kéo dài kèm tức ngực, lo lắng nên tôi tự mua thuốc uống nhưng đến nay không khỏi”.
Có thể thấy, khi tiếp xúc với các chất độc hại như nhựa đường, những công nhân như anh Nhàn chỉ bảo hộ sơ sài, qua loa bằng khẩu trang nhằm tránh mùi hôi xộc thẳng vào mũi mà quên rằng phải bảo vệ cơ thể như thế nào cho đúng quy chuẩn.
Bác sĩ Trần Thị Châm cho biết thêm: “Bệnh nghề nghiệp rất dễ bắt gặp ở bất cứ ngành nghề nào, chúng ta có thể phòng tránh, hạn chế bệnh bằng nhiều cách. Trước tiên phải tăng cường công tác truyền thông, huấn luyện phòng bệnh nghề nghiệp, các doanh nghiệp, công ty cần quan tâm chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt nên tuân thủ các quy chuẩn việc bảo hộ lao động, quan trắc môi trường lao động định kỳ 6 tháng 1 lần đối với nơi có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh”.
Riêng cá nhân người lao động có thể chủ động bảo vệ sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp bằng cách bảo hộ đầy đủ, nghiêm ngặt khi lao động; chủ động khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng 1 lần. Khi có biểu hiện nhiễm bệnh nên đến cơ sở y tế khám, tránh tự chữa trị tại nhà vì sẽ gây tác dụng phụ về sau.
Bệnh nghề nghiệp được ví như căn bệnh của thời đại. Các ngành chức năng cần quan tâm phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn; có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị vi phạm để đảm bảo quyền lợi chính đáng, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động./.
Ngô Nhi