Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.
Đó là kết quả đến từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh, sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng của người dân cùng chung tay CCHC.
Cụ thể kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2024, có 6/8 lĩnh vực thuộc tiêu chí chấm điểm của Chỉ số CCHC năm 2024 tăng chỉ số và tăng vị trí xếp hạng so với năm 2023. Xét theo tiêu chí, tiêu chí thành phần, có 21 tiêu chí, 51 tiêu chí thành phần đạt điểm tối đa; 15 tiêu chí, 11 tiêu chí thành phần chưa đạt điểm tối đa.
Theo kết quả phân tích, trong 6 lĩnh vực tăng chỉ số và tăng vị trí xếp hạng, “Cải cách thể chế” và “Cải cách tổ chức bộ máy” là 2 lĩnh vực có vị trí xếp hạng được cải thiện nhiều nhất ("Cải cách thể chế" xếp thứ 30/63, tăng 21 bậc; "Cải cách tổ chức bộ máy" xếp thứ 35/63, tăng 26 bậc so với năm 2023).
Biểu đồ xếp hạng các chỉ số thành phần CCHC của tỉnh Cà Mau năm 2023, 2024.
Ðể đạt được kết quả này, ông Phạm Chí Hải, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Trong năm 2024, tỉnh đã thực hiện đầy đủ các hoạt động về theo dõi thi hành pháp luật; công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, định kỳ hằng năm đúng thời gian quy định; cập nhật kịp thời, đầy đủ văn bản thuộc trách nhiệm của tỉnh trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật; thực hiện đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và phòng chuyên môn cấp huyện; ban hành đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và phòng chuyên môn cấp huyện; thực hiện đúng quy định về quản lý biên chế; thực hiện tốt các quy định về phân cấp quản lý...”.
Bên cạnh kết quả nổi bật đó, tỉnh có 4 lĩnh vực tăng chỉ số và tăng vị trí xếp hạng, gồm: “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC”, “Cải cách thủ tục hành chính”, “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”, “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, công tác kiểm tra CCHC được thực hiện thường xuyên, quyết liệt; thực hiện đối thoại với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện đúng quy định về kiểm soát quy định thủ tục hành chính (TTHC); cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được thực hiện hiệu quả; kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đạt cao; phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước được thực hiện tốt; mức độ thu hút đầu tư của tỉnh tăng so với năm 2023...
“Cải cách TTHC” là 1 trong 04 lĩnh vực tăng chỉ số và tăng vị trí xếp hạng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giải quyết TTHC.
Ðặc biệt, trong năm 2024, nhiều giải pháp, sáng kiến mới trong CCHC đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực như: triển khai tiếp nhận và xử lý hồ sơ về trích lục bản đồ địa chính thửa đất, trích đo địa chính thửa đất trên Hệ thống Một cửa điện tử; thí điểm tiếp nhận hồ sơ về trích lục bản đồ địa chính thửa đất, trích đo địa chính thửa đất tại một số bộ phận một cửa trên địa bàn tỉnh; ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, đối với tiêu chí về “Sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC”, Cà Mau tiếp tục đạt điểm tuyệt đối (2/2 điểm).
Tuy nhiên, vẫn còn 2 lĩnh vực vừa giảm chỉ số vừa giảm vị trí xếp hạng. Trong đó, "Cải cách chế độ công vụ" giảm 5 bậc, nguyên nhân là do còn 2 đơn vị bố trí công chức và 15 đơn vị bố trí viên chức chưa đúng Ðề án vị trí việc làm được phê duyệt; 16 công chức cấp xã chưa đạt chuẩn theo quy định; trong năm có cán bộ bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024 đạt 98,58%.
Song, lĩnh vực giảm sâu nhất về giá trị chỉ số và vị trí xếp hạng của tỉnh trong năm 2024 là "Cải cách tài chính công", giảm 13 bậc. Phân tích nguyên nhân, ông Phạm Chí Hải chỉ ra rằng, đó là do tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt 93,71%; kết quả thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách đạt 95,70%; vẫn còn trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chưa đúng quy định về sử dụng các nguồn tài chính và phân phối kết quả tài chính được phát hiện...
Ông Phạm Chí Hải nhấn mạnh: “Có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan trong kết quả thực hiện Chỉ số CCHC này. Một số đơn vị chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện CCHC; một số tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng do đặc điểm về vị trí địa lý, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giảm lợi nhuận hoặc bị lỗ... nên vẫn chưa có nhiều cải thiện như: số lượng doanh nghiệp thành lập mới, việc thực hiện thu ngân sách hằng năm của tỉnh...; từng lúc thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở trong triển khai thực hiện các giải pháp".
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với những giải pháp cải thiện Chỉ số CCHC trong thời gian tới, tin rằng Cà Mau sẽ khắc phục được những hạn chế, tiếp tục bứt phá trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cả nước./.
Hồng Nhung