ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 17:47:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trốn nhà theo 962

Báo Cà Mau (CMO) Rạch Gốc - Tân Ân là mảnh đất ươm mầm, cưu mang và khơi dòng truyền thống cách mạng của tỉnh Cà Mau. Ở vùng đất xa xôi này, một điều mà lớp lớp, người người tự hào, coi đó là tài sản quý báu, vinh quang: “Xứ sở này không ai phản cách mạng, mà chỉ có một lựa chọn duy nhất là đi theo cách mạng”. Ở nơi biển rừng gặp nhau, những con người mộc mạc, chân lấm bùn phù sa đã cùng nhau góp nên những huyền thoại sẽ còn được nhớ mãi, kể mãi về những ngày quê hương đánh giặc.

Nói về tình yêu với Rạch Gốc - Tân Ân, chúng tôi không thể không nhắc tới Ðại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Ðoàn 962. Xin nói rõ, ông Bảy không phải quê ở Cà Mau, ông sinh năm 1937, quê quán Mỹ Ðức, Châu Phú, An Giang. Hãy nghe Nhà văn Trịnh Bửu Hoài, đồng hương của ông, nhận xét: “Cà Mau là quãng đời mà ông Bảy dành suốt cuộc đời thanh niên để vào sanh, ra tử, là nơi ông cống hiến, sẵn sàng đổ máu xương để cùng đồng đội bảo vệ an toàn miền Nam ruột thịt”. Ðây là lời đề từ cho quyển trường ca mà ông Bảy dành cả đời để viết - Trường ca “Bến cảng giữa rừng”.

May mắn, chúng tôi được cùng với ông Bảy nhiều lần trở về quê hương Rạch Gốc - Tân Ân. Ðó là những chuyến về nguồn đầy ắp tình cảm ruột thịt của đồng chí, đồng bào. Ông Bảy có cái rất lạ, mà không thể không nhắc tới, đó là khi được về Cà Mau, ông cảm thấy mình khoẻ hơn, vui hơn. Dù chặng đường từ Cần Thơ về Cà Mau với lão ông ở tuổi ngoài 80 không còn dễ dàng, thuận tiện. Ấy vậy mà hầu như sự kiện nào liên quan đến đường Hồ Chí Minh trên biển, đến Ðoàn 962, đến đám cúng cơm của bậc tiền nhân, từng lãnh đạo mình là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa thì hầu như ông đều có mặt. Ông cháu nhiều dịp ngồi với nhau, ăn dĩa cơm tạm, chờ giờ xuất phát từ TP Cà Mau đi Ngọc Hiển. Mỗi khi nhắc về Ngọc Hiển, về Ðoàn 962, ông Bảy cười, nụ cười hạnh phúc viên mãn của người con đi xa sắp được về nhà.

Năm 2021 là kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Tức là 59 năm, ngày thành lập Ðoàn 962, bến cảng được ông Bảy trân trọng gọi là “bến cảng giữa rừng - bến cảng giữa lòng dân”. Cây đước, cây mắm, con ba khía, nước mặn xứ Rạch Gốc - Tân Ân đã viết nên bao nhiêu huyền thoại trong thời đại Hồ Chí Minh, làm sao có thể kể hết. Trong đó, chuyện kể về người con ưu tú, anh hùng của xứ sở Bông Văn Dĩa với tư cách một trong những người khai phá, mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, đã đi vào bất tử. Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa không chỉ đi mở đường, mà còn cùng với đồng chí, đồng đội của mình trở về trong chuyến tàu lịch sử. Ðó là một đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu cùng 11 thuỷ thủ đã rời bến Ðồ Sơn (Hải Phòng); ngày 16/10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn. Khởi đầu cho những trang sử vàng trên con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Kể về Ðoàn 962, Ðại tá Khưu Ngọc Bảy hay khoe: “Bộ đội 962 nhiều người quê Ngọc Hiển lắm. Cái này cũng có lý do. Phải nói là tình cảm của bà con dành cho bộ đội 962 lớn lắm, tin cậy lắm, thế nên con cái lớn là gởi vào đơn vị”. Còn ông Nguyễn Công Trực (Tư Trực), cán bộ lão thành cách mạng xã Tân Ân, thì cười vui: “Thanh niên xứ rừng hồi đó gặp bộ đội 962 thì mê lắm. Mê nhất là súng”.

Tìm gặp ông Dương Thanh Hải, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Ngọc Hiển, cựu chiến binh Ðoàn 962 anh hùng, kể về những kỷ niệm đơn vị mà bồi hồi. Ông Hải làm bộ đội 962 hồn nhiên như cái tuổi 17 của mình vì... mê súng. Năm 1969, ông Hải bỏ nhà, rủ thêm người bạn tên Nguyễn Hùng Anh, gói khăn tắm, quẩy bộ đồ lên đường theo cách mạng.

Ông Hải kể: “Ba má tôi mất sớm, tôi ở với người anh ruột. Có mấy lần ra xóm, gặp bộ đội 962, thấy mê quá nên trốn nhà theo luôn. Sau đó, ông anh tôi ổng giận lắm, sau gặp lại, anh biểu phải mày nói tao cho đi, mắc gì phải trốn”. Ở Rạch Gốc - Tân Ân, chuyện này không lạ.

Theo Ðại tá Khưu Ngọc Bảy, nhiều gia đình có con trai mới “nổi giò” là tìm gặp cán bộ để gửi gắm con em mình theo cách mạng. Tình cảm ấy, niềm tin ấy đã trở thành một truyền thống đẹp của đất và người nơi đây trong bom đạn chiến tranh.

Vào đơn vị, ông Hải tham gia nhiều trận đánh tàu giặc, sau đó về kho tiếp nhận và bàn giao hàng hoá vũ khí. Ông Hải mô tả, nhà kho được bố trí giữa ruột rừng đước, khoét rừng mà dựng, nguỵ trang rất kín kẽ. Nhưng thành trì bảo vệ an toàn nhất chính là tấm lòng của bà con đối với Ðoàn 962. Có những người bắt cua, sò, vọp, biết chỗ đơn vị đứng chân, nhưng tuyệt nhiên không một thông tin nào rò rỉ ra ngoài. Ðể bảo vệ bí mật, khi tàu cập bến, việc vận chuyển hàng hoá về kho bãi phải diễn ra ngay trong đêm. Phương tiện là xuồng ba lá, ghe đi biển của người dân.

Ông Hải nhắc nhớ về mái nhà Ðoàn 962 với tình cảm thiêng liêng. Ðó là nơi là tình đồng chí, đồng đội và tình người đầy ăm ắp. Ðiều ông mang theo cho đến suốt cuộc đời chính là sự cưu mang, chỉ dạy và mực thước của những người bộ đội 962.

Ông Dương Thanh Hải, người trốn nhà để làm bộ đội 962 với quân phục và những kỷ vật, ký ức thiêng liêng về đơn vị.

Nhắc về thủ trưởng cũ - Ðại tá Khưu Ngọc Bảy, ông Hải trìu mến: “Thời chiến cũng như thời bình, nơi đâu có ông Bảy là nơi đó chuẩn chỉnh, khí thế và thắm thiết tình nghĩa”. Có lẽ vì vậy mà dù sao này, hoàn cảnh cuộc sống riêng mỗi người khác nhau, nhưng khi tề tựu, trang trọng mặc lên mình bộ quân phục truyền thống, ai ai cũng tự hào, cũng trở lại với nhiệt huyết của mái nhà chung Ðoàn 962.

Trong bồi hồi, ông Hải nói: “Thiệt, phải hồi xưa còn ba mẹ tôi, chắc chắn là tôi được ba mẹ gởi đi bộ đội 962 một cách đàng hoàng rồi, đâu có cần trốn. Nhưng phải nói thế này, có cho tôi làm lại ngàn triệu lần, tôi cũng theo bộ đội 962 thôi”.

Những dấu ấn của Ðoàn 962 tại vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân thật sự đậm sâu, được trao truyền cho hậu thế. Vàm Lũng, Hốc Năng, Kiến Vàng... đi đâu mà không nhớ, không thương. Ở đó có những người đi mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, có những chuyến hàng chở về đầy hy vọng cho mục tiêu hoà bình, thống nhất đất nước. Ở đó có bến cảng giữa rừng đước, rừng mắm - bến cảng giữa lòng dân muôn người sắt son như một./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.