Vấn nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn tiếp tục âm thầm diễn ra, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật cần phải mạnh tay và quyết liệt hơn nữa.
Chị Nguyễn Ngọc Bích, chủ Cửa hàng bách hoá Ngô Quyền (Khóm 5, Phường 1, TP Cà Mau), chia sẻ: “Cửa hàng của tôi nhập hàng từ công ty, có hoá đơn, chứng từ đầy đủ thì đương nhiên giá bán sẽ nhỉnh hơn. Trong khi thực trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng tràn lan trên thị trường, giá rẻ nhưng người tiêu dùng lại khó phân biệt thật giả khiến tình hình buôn bán ngày càng khó khăn, không công bằng cho những cửa hàng, doanh nghiệp bán hàng chân chính. Tôi mong muốn ngành chức năng cần siết chặt vấn đề hoá đơn hàng hoá, kiểm soát, ngăn chặn hàng không rõ nguồn gốc để doanh nghiệp an tâm kinh doanh”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, năm qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường kiểm tra, phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các điểm tập kết, bến bãi, các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn. Ðồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMÐT) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, lực lượng QLTT đã kiểm tra 882 vụ, phát hiện vi phạm hành chính 489 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt trên 5,54 tỷ đồng.
Chủ các cửa hàng bán lẻ thực hiện ký cam kết không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Năm nay, công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều điểm sáng tích cực, triệt phá được nhiều vụ việc vi phạm mang tính chất điển hình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh TMÐT lên ngôi, việc ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng lại là cuộc chiến cam go và phức tạp không kém. Ông Trần Hữu Nghị, Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: “Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ việc nhưng các đối tượng vẫn tuồn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái ra thị trường, lên mạng xã hội để tiêu thụ. Các đối tượng đã bán trên nhiều nền tảng như các sàn TMÐT, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok... bán hàng theo hình thức livestream hoặc đăng bán. Ðáng chú ý, một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi và kiểm tra của lực lượng chức năng”.
Theo ông Nghị, hoạt động TMÐT mới phát triển bùng nổ mấy năm qua. Do đó, về cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, cũng như các trang thiết bị cho lực lượng chức năng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Các đối tượng lợi dụng TMÐT để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bằng các thủ đoạn rất tinh vi. Ðặc biệt, các đối tượng buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thường lợi dụng người dân ở khu vực biên giới để mang vác hàng hoá, tiếp tay cho đối tượng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.
Lực lượng QLTT kiểm tra các loại hàng hoá tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Phường 1, TP Cà Mau.
Dự báo trong những tháng cuối năm 2024, với nhu cầu mua sắm hàng hoá tiêu dùng cho dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tăng cao thì tình trạng trà trộn hàng giả, hàng nhái vào thị trường Tết sẽ còn phức tạp, khó lường hơn. Theo đó, Tổng cục QLTT đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-TCQLTT ngày 22/1/2024 về việc triển khai thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trọng tâm kế hoạch là đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương, cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán như: thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại. Ðặc biệt, kiểm soát hàng hoá kinh doanh trên môi trường online như sàn TMÐT, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hoá, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm.
Thực hiện theo nội dung chỉ đạo của Tổng cục QLTT và Quyết định số 51/QÐ-CQLTT của Cục QLTT tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; trong đợt cao điểm cuối năm, các đội QLTT sẽ quản lý chặt địa bàn, nắm sát các đối tượng và tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết. Ðồng thời, Cục QLTT đang trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm 2024, kế hoạch sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất.
“Cục QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng như: công an, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành, thường xuyên rà soát, kiểm tra ở khâu lưu thông, nhất là hàng hoá vận chuyển từ biên giới, cảng hàng không quốc tế vào nội địa, các điểm kinh doanh; các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hoá, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất”, ông Trần Hữu Nghị thông tin./.
Hữu Nghĩa