(Thương gửi mái Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường)
Giữa Sài Gòn đất chật, người đông, đám trẻ chúng tôi kết nối với nhau bằng cái mác “cựu học sinh Trường Chuyên Phan Ngọc Hiển”. Do đặc thù của lực lượng vũ trang, chúng tôi phải sống tập thể; từ đó, “trường cũ” đã trở thành chất keo đặc biệt gắn kết chúng tôi trong những ngày tháng sống xa nhà, để có thể nương tựa nhau, giúp đỡ nhau trong những tháng ngày học tập tại một thành phố lớn. Mà người ta thường bảo, thành phố càng rộng, lòng người càng cô đơn. Có lẽ ai trong chúng tôi cũng thấu hiểu điều này.
Bất kỳ ai lần đầu tiên đặt chân đến môi trường mới đều không thể tránh khỏi cảm giác lạc lõng, bỡ ngỡ khi phải chia tay những gì thân thuộc để làm quen với những thứ mới lạ, thậm chí khắc nghiệt hơn. Vì thế, nhóm chúng tôi đã hoàn thành khá trọn vẹn nhiệm vụ của mình - là dõi theo, là tiếp bước, là động viên cho thế hệ đi sau, cứ thế, chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, luôn ở vị trí dẫn đầu tại Trường Ðại học Cảnh sát Nhân dân. Từ đó, nhiều người nói rằng họ ngưỡng mộ tình cảm của chúng tôi.
Cả nhóm có trên chục đứa, nhiều khoá học khác nhau. Gọi là trường cũ, nhưng trường cũ của một số người không còn ở chỗ cũ. Trường cũ của Trọng Nhân, Mai Trúc là ngôi trường chuyên có bề dày thành tích trong ngành giáo dục tỉnh nhà, với cổng trường nhỏ nhất đất nước Việt Nam, nay đã trở thành trường tiểu học. Trường cũ của đàn em khoá sau, vẫn là ngôi trường chuyên mang tên người thầy Phan Ngọc Hiển, nhưng khang trang hơn, rộng lớn hơn, trang thiết bị hiện đại hơn và nằm ở vị trí khác hơn.
Một góc sân Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển. Ảnh: NHÂN KIỆT |
Câu chuyện gắn kết chúng tôi có lẽ không phải là vị trí địa lý của trường, mà là thầy cô, bạn bè và thanh xuân tươi đẹp được lớn dần dưới mái trường chuyên. Còn nhớ mỗi khi có một thành viên mới nhập học, chúng tôi đều có những cuộc hẹn ngay giữa sân trường. Và có những khi, chúng tôi gặp nhau chỉ để nói, để kể cho nhau nghe về ngôi trường kỷ niệm, để trông thấy lại ngôi trường cũ qua hình ảnh người thầy, người bạn. Chúng tôi nói hoài không hết chuyện, những câu chuyện kéo dài, tưởng chừng như cũ rích nhưng lúc nào cũng vẫn cứ mới và hấp dẫn.
Trường cũ, nhưng với chúng tôi, ký ức vẫn như mới vừa hôm qua. Là cái cổng trường nhỏ nhất nước, buổi sáng đến lớp hay giờ tan trường, mọi thứ luôn có trật tự bởi… mỗi lần vào chỉ vừa hai chiếc xe đạp. Là cái phòng học nhỏ nằm dưới chân cầu thang, buổi sáng là phòng học chính của lớp này, buổi chiều là phòng học bồi dưỡng của lớp kia.
Là những buổi ngồi thẩn thơ thầm thương trộm nhớ, hí hoáy khắc tên người ta lên cái bàn cũ kỹ, có phần xiêu vẹo.
Là buổi chiều cái bụng đói meo, nghe cô giảng mà mắt thì hướng nhìn phượng rơi ngoài ô cửa sổ, chờ nghe tiếng chuông nhà thờ báo hiệu còn 15 phút nữa là tới giờ tan học.
Là những ngày cuối cấp, ước mơ vào ngành công an như được chắp cánh chỉ vì câu nói: Thầy tin em làm được!
Mỗi người trong chúng tôi đều có một miền ký ức đặc biệt trong tâm khảm, đều có những kỷ niệm đẹp của riêng mình về ngôi trường với bề dày thành tích đáng tự hào mang tên “Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển”. Chúng tôi không còn tuổi 17 tinh khôi năm ấy, như hàng phượng trong sân trường cũng đã già theo năm tháng, những thân cây vỏ đã dày, xù xì dấu vết thời gian. Nhưng mỗi góc sân trường đều hiện ra những tháng năm niên thiếu đẹp đẽ, dù cho giờ đây chỉ còn là hoài niệm.
Thời gian trôi để lại trên dòng chảy của nó những ký ức. Hành trình một mái trường trên chặng đường đi tới luôn để lại trong tâm khảm mỗi người những dấu ấn không thể nào quên. Dù thời gian có trôi, dù cho trường cũ đã không còn ở chỗ cũ, nhưng kỷ niệm về trường vẫn khắc mãi trong trái tim của cô cậu học trò cũ như một cách tri ân./.
The Zoo