(CMO) Như Báo Cà Mau đã có thông tin phản ánh về những dư luận không hay xảy ra tại trường tiểu học Phan Ngọc Hiển, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi. Đến ngày 11/10/2019, Thường trực HĐND huyện Đầm Dơi đã có chuyến khảo sát tình hình thực hiện mô hình bán trú tại ngôi trường này. Sau đó, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đầm Dơi Bùi Công Danh đã ký báo cáo số 47/BC-HĐND ngày 28/10/2019 về kết quả của chuyến khảo sát. Báo Cà Mau tiếp tục thông tin những vấn đề đã được đoàn khảo sát của cơ quan dân cử nêu ra.
Theo đó, trường tiểu học Phan Ngọc Hiển có 1.112 học sinh. Tổng số học sinh bán trú là 510 em với 15 lớp. Trường có nhà ăn bán trú với diện tích 144 mét vuông, được trang bị mái vòm che, quạt để phục vụ học sinh bán trú dùng bữa. Nhà trường bố trí cho học sinh ăn trưa, ăn nhẹ buổi xế chiều và nghỉ trưa tại lớp học. Tuy nhiên, nhà trường chưa có bếp nấu thức ăn cho học sinh bán trú. Do đó, nhà trường và phụ huynh thống nhất đặt suất ăn từ cơ sở nấu ăn bên ngoài. Cơ sở này nằm đối diện với trường, do bà Nguyễn Thị Ánh thực hiện (bà Ánh là vợ của giáo viên Trần Minh Tiên, giáo viên trường tiểu học Phan Ngọc Hiển, người bị tập thể phụ huynh của trường này gởi đơn yêu cầu vì thiếu chuẩn mực trong hành xử-PV).
Về việc thu chi bán trú, nhà trường tổ chức thu 1.700.000 đồng/học sinh khi phụ huynh đăng ký cho con đi học bán trú, và đóng 1 lần trong suốt quá trình học sinh theo học bán trú tại trường. Ngoài ra, mỗi học sinh đóng 40.000 đồng/ngày/em để chi trả cho các hoạt động sinh hoạt, ăn uống của học sinh, trong đó tiền ăn là 29.000 đồng/ngày/em.
Đoàn giám sát đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế mà trường tiểu học Phan Ngọc Hiển đang tồn tại. Đó là hệ thống xử lý nước thải của cơ sở nấu ăn của bà Nguyễn Thị Ánh chưa đảm bảo theo quy định. Cơ sở nấu ăn chưa có hợp đồng cung cấp lương thực, thực phẩm. Thức ăn nhẹ sau buổi ăn của học sinh như sinh tố, yaourt không đảm bảo chất dinh dưỡng. Danh mục thuốc trang bị cho y tế học đường của trường không phù hợp với quy định, một số loại thuốc đã không còn cho phép sử dụng trong y tế học đường, một số loại thuốc đã hết hạn sử dụng.
Đoàn khảo sát đề nghị UBND huyện Đầm Dơi chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra việc thực hiện các khoản thu chi của nhà trường nói chung, các khoản thu chi của khối bán trú nói riêng trong năm học 2018-2019 và 2019-2020. Đồng thời, tiến hành kiểm tra nguồn thu xã hội hoá của nhà trường. Đối với phòng GD-ĐT huyện Đầm Dơi, chỉ đạo trường tiểu học Phan Ngọc Hiển tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với thầy Trần Minh Tiên theo ý kiến của Chủ tịch UBND huyện tại Báo cáo số 1042/BC-UBND ngày 24/9/2019 về kết quả giải quyết đơn yêu cầu của tập thể phụ huynh trường tiểu học Phan Ngọc Hiển.
Đáng lưu ý là trường tiểu học Phan Ngọc Hiển bị đoàn khảo sát đề nghị khắc phục nhiều nội dung liên quan đến hoạt động bán trú và công tác quản lý.
Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Ngọc Hiển cân đối lại chất lượng bữa ăn cho các em học sinh và chế độ cho đội ngũ thực hiện công tác bán trú. Xem xét giảm mức chi cho đội ngũ thực hiện công tác bán trú để tăng số lượng và chất lượng bữa ăn. Việc lên thực đơn hàng cho học sinh ăn hàng ngày phải có số lượng cụ thể từng món ăn và đảm bảo chất lượng. Công khai thực đơn và khẩu phần ăn mỗi ngày thông qua nhiều cách, trong đó có cả việc đăng tải trên các mạng xã hội như zalo, facebook…đến phụ huynh có con em học bán trú. Đồng thời phải công khai bảng thực đơn tại cơ sở nấu ăn ở nơi dễ dàng giám sát. Mỗi ngày khi đến giờ ăn của học sinh, đề nghị nhà trường mở cổng trường để phụ huynh có thể theo dõi, giám sát bữa ăn khi có nhu cầu. Việc tổ chức bếp ăn phục vụ cho học sinh bán trú số thu gần 04 tỷ đồng/năm, do đó trường cần tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch đối với việc thực hiện bếp ăn cho học sinh bán trú của trường.
Đoàn khảo sát yêu cầu nhà trường tăng cường thực hiện việc phát huy tính dân chủ trong tập thể giáo viên của trường, tránh gây mất đoàn kết nội bộ, làm mất uy tín nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường đề nghị cơ sở nấu ăn của bà Nguyễn Thị Ánh thực hiện nghiêm túc những ý kiến của các đoàn kiểm tra trước đây, nhất là khắc phục ngay hệ thống xử lý nước thải, tránh xả thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Thức ăn phải được hợp đồng mua bán rõ ràng, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nền để thức ăn học sinh cần được bê tông hoá để hạn chế việc ảnh hưởng của mùi hôi từ bên dưới nền nhà bốc lên, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.
Những vấn đề mà đoàn khảo sát đặt ra, khi đối chiếu với nguồn tin và dư luận mà phóng viên Báo Cà Mau nắm được có nhiều điểm tương đồng. Vấn đề đặt ra là một số tồn tại của cơ sở nấu ăn bà Ánh đã được nêu ra từ các đoàn kiểm tra trước đó, song qua một thời gian, tới nay vẫn chưa khắc phục. Điều này cho thấy quá trình giám sát, đôn đốc và quản lý bếp ăn bán trú của nhà trường chưa thật sự chặt chẽ. Những lùm xùm quanh giáo viên Trần Minh Tiên cho đến nay cũng chưa có động thái xử lý, phải để đoàn khảo sát kiến nghị xử lý cũng là điều đáng tiếc. Trong đó, nội dung phát huy quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị cũng được đoàn khảo sát lưu ý. Mong rằng các kiến nghị, yêu cầu của đoàn khảo sát của HĐND huyện sẽ sớm được triển khai. Đặc biệt, chất lượng và quá trình giám sát bữa ăn bán trú của học sinh nhanh chóng được cải thiện, để phụ huynh được củng cố niềm tin và các em học sinh có được môi trường giáo dục tốt nhất.
Phạm Quốc Rin