(CMO) Thời gian qua, xã Định Bình (TP Cà Mau) đã xây dựng, triển khai các chương trình phối hợp với các mô hình, hoạt động truyền thông toàn diện các nội dung về dân số và phát triển. Mục tiêu của các hoạt động này nhằm thay đổi nhận thức, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và tâm lý ưa thích con trai, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bà Nguyễn Hồng Lĩnh, Cán bộ chuyên trách Dân số xã Định Bình, cho biết, nhiều năm nay, tỷ lệ giới tính khi sinh trên địa bàn xã luôn được duy trì khoảng 103 nam/100 nữ.
Mặc dù không nằm trong những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng Đảng ủy, UBND xã đã quan tâm chỉ đạo, và Trạm y tế đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua hoạt động của các CLB như: CLB mất cân bằng giới tính khi sinh; CLB trước sinh, sơ sinh; CLB vị thành niên, thanh niên; CLB không sinh con thứ 3; CLB Người cao tuổi; CLB hoạt động tăng cường các biện pháp tránh thai...
“Trong các buổi sinh hoạt CLB, nội dung về giới và giới tính khi sinh luôn được lồng ghép với các hoạt động khác, tạo diễn đàn để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, chăm sóc ông bà, cha mẹ, cách làm hay trong phát triển kinh tế...”, bà Lĩnh cho biết thêm.
Con gái đầu lòng năm nay gần 3 tuổi, vợ chồng chị Trần Như Ý (30 tuổi, ấp Bình Thành) đang dự tính sinh thêm con thứ hai.
“Vợ chồng tôi cũng không đặt nặng vấn đề giới tính của con. Nếu sinh đứa con thứ hai mà là con trai thì càng tốt vì vẹn tròn “đủ nếp đủ tẻ”, nhưng nếu là con gái thì gia đình vẫn yêu thương con. Bởi con nào cũng là con của mình, miễn sao con được sinh ra mạnh khỏe, lành lặn là được”, chị Ý chia sẻ.
Chị Lê Thị Linh Phương (bìa trái), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Thành (xã Định Bình, TP Cà Mau), tuyên truyền đến chị Trần Như Ý (30 tuổi) về các chính sách dân số và phát triển. |
Chị Lê Thị Linh Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Thành, thành viên CLB mất cân bằng giới tính khi sinh, cho biết: “Sau khi tham gia các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền, tôi nhận thấy những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Từ đó, trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, chúng tôi luôn lồng ghép tuyên truyền, giúp chị em hội viên phụ nữ, các bạn thanh niên hiểu về những nội dung này”.
“Cũng nhờ phương thức “mưa dầm thấm sâu” mà dần dà người dân hiểu nhiều hơn về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, theo đó sự bất bình đẳng giữa nam và nữ cũng dần được rút ngắn”, chị Phương khẳng định.
Theo ông Trang Chiến, Bí thư Chi bộ ấp Bình Thành, Thành viên CLB mất cân bằng giới tính khi sinh, cho biết, thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, thông qua các cuộc họp dân của ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, cộng tác viên đã lồng ghép tuyên truyền công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, giúp bà con hiểu được chính sách về công tác dân số.
“Chúng tôi cũng nêu gương điển hình những gia đình sinh con một bề kinh tế phát triển và hạnh phúc để tuyên truyền cho người dân. Nhờ đó, hầu hết bà con nhận thức được lợi ích của việc sinh ít con, không sinh con thứ ba để nuôi dạy con tốt, và đặc biệt là giảm mạnh tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ảnh hưởng đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”, ông Chiến cho biết thêm.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Định Bình có 32 trẻ được sinh ra, trong đó có 18 nam/14 nữ.
Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. |
Theo bà Nguyễn Ngọc Ngân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Định Bình, Hội phối hợp với Trạm y tế tích cực tuyên truyền về tình trạng và các hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt là lồng ghép triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, vấn đề thực hiện bình đẳng giới vào trong nhiệm vụ công tác Hội.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống Cộng tác viên dân số cơ sở, ngành y tế cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế siêu âm của các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi.
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát thì cần mạnh tay trong xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Đồng thời, cần có nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho cán bộ Dân số - Kế hoạch hoá gia đình xã/phường, cộng tác viên ấp/khóm để trang bị kiến thức cần thiết về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn người dân thưc hiện đúng các quy định của Đảng và Nhà nước về nghiêm cấm lựa chon giới tính khi sinh cũng như từng bước nâng cao chất lượng dân số./.
Ngày 28/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/11/2020) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế, thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Nghị định này đã nâng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; lựa chọn giới tính thai nhi; cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại từ 1-3 tháng đối với các chỉ định, hướng dẫn sử dụng hoặc cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn (trừ trường hợp được pháp luật cho phép) hoặc loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính...
Thanh Phương - Phương Du