Có hơn 30 năm làm việc trong ngành y, khi còn công tác, chị Trần Thị Minh Phượng thường xuyên tham gia các chương trình từ thiện, khám bệnh, phát thuốc, tặng quà khắp đất nước. Trong những chuyến đi đó, được chiêm ngưỡng cảnh đẹp ở các vùng miền, đồng thời chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả của đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo... mang đến cho chị nhiều cảm xúc.
Năm 2019, khi nghỉ hưu, với sở thích đi du lịch, thích ngắm cảnh đẹp, thích đến những vùng đất xa xôi, tìm hiểu văn hoá, phong tục đời sống các dân tộc khác nhau và được sự ủng hộ của gia đình, chị bén duyên với nhiếp ảnh. Với chiếc máy ảnh Nikon D90 được Khoa Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Xanh Pôn tặng, năm 2011, chị bắt đầu học chụp ảnh, mong muốn ghi lại thật nhiều khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ.
“Nhiếp ảnh mang đến cho tôi nhiều điều ý nghĩa và thú vị. Nhờ nhiếp ảnh, tôi đã có nhiều cơ hội đi đến những vùng sâu, vùng xa, đến những nơi có phong cảnh đẹp vào những thời khắc đẹp nhất, được gặp gỡ và tiếp cận cuộc sống lao động của bà con dân tộc với vẻ đẹp bình dị, độc đáo tại các vùng miền khác nhau, chứng kiến các chiến sĩ, sĩ quan, các lực lượng vũ trang quân đội, công an ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương biên giới, hải phận, hải đảo Tổ quốc thân yêu. Với đam mê và chiếc máy ảnh trong tay, những khoảnh khắc đẹp và đặc sắc của cuộc sống mà tôi ghi lại qua những cú bấm máy cùng cảm xúc và rung động của tâm hồn, được lưu giữ và chia sẻ với gia đình, bạn bè và cộng đồng như món quà nho nhỏ tặng cuộc đời”, Trần Thị Minh Phượng chia sẻ.
Thái độ sống tích cực, lạc quan, nhiệt thành, thời gian nghỉ hưu của chị thật vui vẻ. Hết rong ruổi vào Nam ra Bắc, đến Trường Sa xa xôi, lên nóc nhà Ðông Dương, tới Tràm chim Ðồng Tháp, đồi chè Long Cốc, làng hương Quảng Phú Cầu, chợ nón Làng Chuông, đua thuyền trên sông Thu Bồn, nghề làm tương Hưng Yên... chị quầy quả trở về chụp Hà Nội những thời điểm đẹp trong năm, nghỉ ngơi lại sức và tiếp tục chuẩn bị cho chuyến đi mới cùng chiếc máy ảnh.
Khi hỏi về chủ đề yêu thích, chị cho biết: “Ban đầu, tôi rất thích chụp phong cảnh, sau dần tôi cũng đam mê và học hỏi thêm về các thể loại khác: chân dung, đời thường, báo chí, đường phố...”. Ði nhiều, tác phẩm của chị theo đó cũng đa dạng đề tài và địa điểm, nội dung phong phú, thể hiện góc nhìn nhân văn, nữ tính, lạc quan về cuộc sống.
Tác giả Trần Thị Minh Phượng. |
Trần Thị Minh Phượng sinh năm 1964, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trước khi đến với nhiếp ảnh, chị là nhân viên Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, Thạc sĩ Quản lý Bệnh viện, Phó phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế Hà Nội, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Ba Ðình.
Năm 2022, chị có nhiều tác phẩm triển lãm tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật (ANT) khu vực Hà Nội; “Sóng của cát”, triển lãm Cuộc thi ANT Việt Nam. Ðặc biệt, tại Cuộc thi ảnh Nữ giới Phật giáo đồng hành cùng Dân tộc, tác phẩm “Gieo mầm yêu thương” giải Nhất, “Non thiêng Yên Tử”, triển lãm.
Cuộc thi ANT quốc tế lần thứ 2 tại TP Hồ Chí Minh năm 2022 (HOPA-2), chị có 7 tác phẩm triển lãm (“Bình minh Phong Nậm”, “Kéo lưới rùng”, “Chợ cá trên bờ biển”, “Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn Lâm Bình”, “Vũ điệu đánh cá trên hồ Inle”, “Bàn tay người thợ gốm”, “Phút thư giãn của người nông dân”) ở nhiều hạng mục. Năm 2023, tại Cuộc thi ANT Hà Nội, chị tiếp tục có nhiều tác phẩm triển lãm.
Tác phẩm “Nép vào lòng mẹ”, giải Khuyến khích và “Tranh cầu”, triển lãm Cuộc thi ảnh các câu lạc bộ Hà Nội. Gần đây nhất, Bộ ảnh “Viettel Post trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0”, giải Nhì Cuộc thi Công nghệ từ trái tim năm 2024...
Tràng An mùa lễ hội.
Trên đường tu học.
Trước giờ vu quy.
Thác Bảy Tầng, Mộc Châu.
Nép vào lòng mẹ.
Vĩnh Xuân giới thiệu