ĐT: (0290) 383 1066 - 383 3905
Thứ sáu, 29-9-23 03:55:20

Từ vụ lùm xùm tại Hội Kim Hoàn chờ phương án thấu tình đạt lý

Báo Cà Mau (CMO) Tháng 1/2023, Phóng viên Báo Cà Mau nhận được phản ánh của nhiều cá nhân ở Hội Mỹ nghệ Kim Hoàn Cà Mau (Hội Kim Hoàn) liên quan đến những cách giải quyết trong hoạt động, điều hành công tác Hội của cá nhân ông Nguyễn Phước Khánh, Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2018-2023.

Ông Nguyễn Phước Khánh được chỉ định giữ chức Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim Hoàn tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2018-2023 tại Đại hội vào cuối tháng 5 năm 2018. Kỳ đại hội này, BCH Hội Kim Hoàn Cà Mau có 23 vị, Ban Thường vụ Hội 7 vị (trong đó có 1 Chủ tịch và 4 Phó chủ tịch).

Hội viên Hội Kim Hoàn Cà Mau mong mỏi có một trụ sở Đền thờ Tổ khang trang và rộng hơn.

Đây là Hội nghề nghiệp của những người làm nghề Mỹ nghệ Kim Hoàn tự nguyện thành lập từ năm 1992 (Minh Hải) và tái lập sau khi chia tách tỉnh vào năm 1997 (Cà Mau), nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt đông kinh doanh có hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và điều lệ Hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Quyết định số số 990/QĐ-UBND, ngày 20/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau). Cũng theo Quyết định số 990, Hội Kim Hoàn Cà Mau chịu sự quản lý nhà nước của Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, sự quản lý về lĩnh vực hoạt động của Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Cà Mau, Sở Công Thương và các cơ quan liên quan theo quy định pháp luật.

Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, công khai, minh bạch, bình đẳng và tự đảm bảo kinh phí hoạt động; hoạt động Hội không vì mục đích vụ lợi cá nhân. “Hiện Hội có khoảng 300 hội viên là người hành nghề, chủ các tiệm vàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Phước Khánh thông tin với phóng viên.

Theo thông tin các bên cung cấp và phóng viên có được khi xác minh, vụ việc lùm xùm gây mất đoàn kết trong Hội viên và BCH, các vị lãnh đạo Hội chỉ bắt đầu xảy ra khi Hội quyết định thay đổi địa điểm xây dựng Đền thờ Tổ ở vị trí mới. Nhà tổ hiện hữu ở đường Quang Trung, thuộc Khóm 5, phường 5, Tp. Cà Mau có diện tích nhỏ hẹp, khó khăn trong các hoạt động thờ tự Tổ nghiệp, hoạt động họp mặt hội viên và cả hoạt động khác liên quan đến công tác ngoại giao,…

Do vậy khoảng tháng 6/2022, BCH Hội tiến hành họp và đồng ý dùng quỹ Hội mua mảnh đất khác có diện tích rộng, thuận tiện cho xây dựng nhà thờ và nơi hội họp. “Mảnh đất mới ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, ven quốc lộ 1”, ông Lâm Gia Lạc, Phó chủ tịch Hội Kim Hoàn Cà Mau (2018-2023) thông tin.

Trong công tác Hội, nhất là quản lý chi tiêu tài chính, các hội viên đều mong muốn thấu tình, đạt lý và công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Khánh: Sau khi giao nhiệm vụ một số thành viên BCH và hội viên đại diện Hội tiến hành giao dịch mua bán thì trục trặc về thủ tục giấy tờ. “Tôi nhiều lần đôn đốc báo cáo tiến độ thực hiện nhưng một số thành viên được giao nhiệm vụ không báo cáo rõ. Do vậy, tôi xét thấy không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định điều lệ Hội nên đã ra quyết định miễn nhiệm chức danh 1 Phó chủ tịch Hội”, ông Khánh cho biết.

Khi quyết định miễn nhiệm chức vụ 1 Phó chủ tịch Hội (không thông qua ý kiến tập thể) của ông Nguyễn Phước Khánh vô hình chung làm dấy lên sự bất mãn và nảy sinh nhiều vấn đề trong nội bộ BCH Hội. “Tôi cũng thấy quyết định như vậy là chưa đúng lắm!”, ông Khánh nói.

Để thuận lợi trong hoạt động, điều hành ông Khánh đã tranh thủ nhận và quản lý con dấu của Hội (khoảng tháng 9/2022 đến nay); tự bổ nhiệm, phân công một số chức danh mới cho thành viên Hội như kế toán để thuận lợi trong công tác điều hành và quản lý, chi tiêu tài chính Hội. Một bộ phận hội viên và thành viên BCH khác lại tranh thủ giữ nhiều văn bản, giấy tờ liên quan đến pháp lý của tổ chức Hội.

Thậm chí, trong nội bộ Hội đã phân chia rõ rệt thông qua việc tổ chức các cuộc họp BCH, như cuộc họp BCH mở rộng khẩn (ngày 13/12/2022 có 26 người tham dự, cuộc họp này ông Khánh có dự nhưng không dự hết thời gian mà bỏ ra về); cuộc họp BCH vào ngày 26/12/2022 (có 26 người tham dự và có 25 người đồng ý ký tên vào biên bản, ông Khánh vắng mặt). Nội dung các cuộc họp nhằm thảo luận đi đến phủ nhận các quyết định liên quan việc ông Nguyễn Phước Khánh miễn nhiệm một số chức danh trong Hội, khai trừ nhiều hội viên, miễn nhiệm nhiều Ủy viên BCH… và lấy ý kiến biểu quyết về tín nhiệm với cá nhân Chủ tịch Hội (ông Khánh ); thảo luận đồng ý để ông Huỳnh Cẩm Thống, Phó chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2018-2023 giữ chức Chủ tịch Hội thay ông Khánh (yêu cầu ông Khánh từ chức Chủ tịch) để điều hành công tác Hội tiến tới Đại hội nhiệm kỳ mới…

Nếp tôn sư nghề nghiệp đã trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống trải qua hơn 30 năm của Hội Kim Hoàn Cà Mau.

Việc này ông Khánh và một số hội viên khác không đồng thuận nên đến nay vẫn chưa giao lại con dấu Hội và nhiều vấn đề khác liên quan đến quản lý tài chính Hội. “Chúng tôi mong ông Khánh sớm bàn giao con dấu của Hội, kể cả các vấn đề khác liên quan tài chính của Hội để sớm ổn định tổ chức, tiến tối Đại hội nhiệm kỳ mới vào đầu năm nay”, ông Huỳnh Cẩm Thống bày tỏ.

Tại Công văn số 103/SNV-TCCB ngày 13/1/2023 của Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau về việc trả lời một số nội dung liên quan đến phản ánh của Hội Kim Hoàn Cà Mau nhấn mạnh: Hội Mỹ nghệ Kim Hoàn là tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tuân thủ pháp luật và Điều lệ Hội; việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại và xử lý kỷ luật trong nội bộ do Hội quyết định theo quy định của Điều lệ Hội và pháp luật (Điều 3, Điều 24, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ; Điều 5 Thông tư 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45 và Điều 5, Điều 7, Điều lệ Hội theo Quyết định số 990 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ngày 20/6/2018).

Cũng tại Công văn này, Sở Nội vụ nhấn mạnh: “Ban Chấp hành Hội hoạt động theo Quy chế do Ban Chấp hành Hội ban hành; Ban Chấp hành có nhiệm vụ bầu, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: Nếu tổ chức họp bất thường thì phải có yêu cầu của Ban Thường vụ Hội hoặc có trên 1/2 tổng số Ủy viên Ban Chấp hành yêu cầu (thể hiện bằng văn bản triệu tập của Ban Thường vụ hoặc văn bản đề nghị có yêu cầu của trên 1/2 Ủy viên Ban chấp hành). Các cuộc họp Ban Chấp hành chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số Ủy viên Ban Chấp hành tham dự họp. Các nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành được thông qua khi có ít nhất 2/3 số Ủy viên Ban chấp hành có mặt tán thành.

Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2018-2023 có 23 ủy viên, như vậy, Ban Chấp hành Hội Mỹ nghệ Kim Hoàn tỉnh Cà Mau chỉ họp khi được Ban Thường vụ Hội triệu tập, hoặc có yêu cầu của trên 1/2 Ủy viên Ban Chấp hành (12/23 ủy viên), chỉ được tiến hành khi có ít nhất 16/23 ủy viên. Nội dung nghị quyết, quyết định chỉ được thông qua khi có ít nhất 11/16 ủy viên tán thành. Các trường hợp triệu tập họp hoặc tiến hành họp, biểu quyết không đảm bảo các quy định trên đều không hợp lệ”.

Do đó, Ban chấp hành, Ban Thường vụ Hội cần xem xét lại thành phần tổ chức và tham dự 2 cuộc họp BCH ngày 13 và ngày 26/12/2022 như đã nói. Nếu đảm bảo các yếu tố quy định như văn bản phúc đáp của Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau thì hợp thức, hợp lý. Sở Nội vụ cũng yêu cầu Ban Chấp hành Hội rà soát lại các hồ sơ liên quan, nhất là việc triệu tập và tổ chức cuộc họp Ban Chấp hành, bầu lại Chủ tịch Hội, việc yêu cầu trả con dấu của Hội... để giải quyết đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.

Như vậy, vấn đề mâu thuẫn nội bộ của Hội Mỹ nghệ Kim Hoàn Cà Mau như đã nói chỉ được giải quyết ổn thỏa khi các bên cùng hướng đến mục tiêu chung của tổ chức Hội. Không vì một lý do không chính đáng hoặc cách điều hành, xử lý chưa thấu tình đúng lý mà xóa tan bao kỳ vọng và quá trình dày công gầy dựng của các thế hệ tiền bối trong suốt hơn 30 năm qua./.

Phong Phú

 

 

 

 

Việc ý nghĩa giúp người

Bước vào mùa mưa bão, tuyến Quốc lộ 1 đi ngang qua địa bàn huyện Cái Nước bị hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ gà gây mất an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Trước tình trạng này, nhiều hộ dân sinh sống trên tuyến có việc làm ý nghĩa như: cảnh báo ổ gà, giúp người tham gia giao thông phát hiện sớm, né tránh kịp thời; sẵn sàng cứu người bị nạn khi không may xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Hỗ trợ doanh nghiệp đa kênh hiệu quả

Hiện nay, có rất nhiều kênh hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trực tiếp cũng như trực tuyến, từ đó tạo sự hài lòng của DN đối với các đơn vị sở, ngành, chính quyền các cấp trong tỉnh.

Thăm hỏi gia đình nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Sáng 14/9, Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau đến viếng, thăm hỏi và hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông đường thuỷ xảy ra tại ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

Xe buýt chật vật để duy trì

Vận tải hành khách bằng xe buýt đang chật vật duy trì hoạt động, các doanh nghiệp đang gồng mình giữ tần suất khai thác tuyến.

Trả giá vì “mua giấy phép lái xe giả”

Vừa qua, Toà án Nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với Mai Duy T (SN 1972, cư trú huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Xác minh một bé gái nghi bị bạo hành

Ngày 9/9, đại diện lãnh đạo UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cho biết, ngành chức năng địa phương đang tích cực vào cuộc xác minh vụ việc một bé gái 16 tuổi nghi bị bạo hành theo trình báo của người thân.

Truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Sáng ngày 8/9, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 9: “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn I, từ năm 2021-2025.

Hình phạt thích đáng cho nhóm người hành hạ dã man bạn tàu

(CMO) Chiều 7/9, Toà án Nhân dân huyện Trần Văn Thời kết thúc phiên toà xét xử hình sự sơ thẩm đối với Nguyễn Công Toàn, Đoàn Văn Tạc, Nguyễn Văn Tị, Nguyễn Văn Của và Sử Chí Tâm về tội “Hành hạ người khác” và “Cố ý gây thương tích”.

Xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa

(CMO) Thành phố Cà Mau là địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn, với hơn 1.040 doanh nghiệp, hơn 25 ngàn lao động, trong đó có nhiều loại hình doanh nghiệp như: doanh nghiệp nhân doanh chiếm 97,80%; doanh nghiệp FDI chiếm 0,28%; doanh nghiệp dưới 10 lao động chiếm 66,85%. Số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở là 59.

Ðiểm tựa cho người nghèo

(CMO) Trợ giúp pháp lý (TGPL) là chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm được quyền lợi con người. Từ lâu, công tác TGPL đã trở thành điểm tựa về mặt pháp lý cho những người yếu thế, giúp họ đòi lại được công bằng trước pháp luật, đặc biệt là người nghèo.