ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 01:27:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - New Zealand lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Báo Cà Mau Báo Cà Mau trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - New Zealand lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Ngài Christopher Luxon - Thủ tướng New Zealand từ ngày 25-28/2/2025.

Chiều 26/2, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon thăm chính thức Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 25 - 28 tháng 02 năm 2025. Trong chuyến thăm chính thức, Ngài Christopher Luxon đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chào Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn.    

2. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975 và quan hệ Đối tác Chiến lược từ năm 2020, Việt Nam và New Zealand đã chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực ổn định và thịnh vượng. Mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ, với sự gắn bó và hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand không ngừng được củng cố, cả trên bình diện song phương và trong khuôn khổ tiểu vùng, khu vực và đa phương.   

3. Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp, chia sẻ những lợi ích chung và sự tin cậy lẫn nhau, hai Thủ tướng đã nhất trí chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong năm tới, hai bên sẽ xây dựng Chương trình Hành động chung nhằm đề ra các sáng kiến cụ thể trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, tập trung tăng cường năm trụ cột hợp tác chính, gồm: (i) hợp tác chính trị; (ii) quốc phòng, an ninh, hợp tác biển; (iii) kinh tế, thương mại và đầu tư; (iv) ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ; (v) giáo dục và giao lưu nhân dân.   

4. Hai Thủ tướng cũng đã điểm lại những thành tựu quan trọng đã đạt được trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược hiện tại, trên tất cả các trụ cột bao gồm hợp tác chính trị, quốc phòng - an ninh, thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế và hợp tác đa phương. Hai bên nhất trí mục tiêu của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là nhằm củng cố khuôn khổ cho hợp tác sẵn có giữa Việt Nam và New Zealand, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong nước và trên toàn cầu.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Christopher Luxon duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

I. Tăng cường quan hệ chính trị 

5. Kể từ năm 2020, quan hệ Đối tác Chiến lược đã tạo điều kiện để hai bên tăng cường hợp tác chính trị thông qua trao đổi cấp cao thường xuyên trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là các cuộc gặp thường xuyên giữa Thủ tướng hai nước. Việt Nam và New Zealand nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi giữa Lãnh đạo Cấp cao, cấp Bộ trưởng và quan chức cao cấp tại các diễn đàn song phương, khu vực và đa phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hai bên sẽ gia tăng hợp tác trong các vấn đề đa phương, tiểu vùng và khu vực thông qua cả kênh chính phủ và quốc hội.

6. Hai bên tái khẳng định cam kết đối với vai trò trung tâm của ASEAN và tái khẳng định vai trò nòng cốt của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình - một cấu trúc mở, minh bạch, toàn diện và dựa trên luật lệ, được xây dựng dựa trên các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, bảo vệ chủ quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia.

7. Hai bên tái khẳng định cam kết củng cố quan hệ ASEAN - New Zealand nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại giữa ASEAN và New Zealand. Hai bên mong muốn đánh dấu cột mốc quan trọng này tại Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm quan hệ ASEAN - New Zealand và các sự kiện liên quan vào tháng 10 năm 2025. New Zealand hoan nghênh Việt Nam trên cương vị nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - New Zealand. Việt Nam hoan nghênh ý định của New Zealand về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với ASEAN vào năm 2025.

8. Hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand và tăng cường hợp tác ngoại giao kênh 2 thông qua thúc đẩy trao đổi thường xuyên về các vấn đề chiến lược giữa các viện nghiên cứu hai nước.

Sau Lễ đón, hai Thủ tướng di chuyển tới Trụ sở Chính phủ để tiến hành hội đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

II. Làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng, an ninh và hợp tác biển   

9. Trong những năm gần đây, hai bên đã thắt chặt hợp tác quốc phòng thông qua các chuyến thăm quốc phòng cấp cao, đối thoại chiến lược, giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trao đổi thông tin, hợp tác hải quân và tăng cường hợp tác tại Diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Trên cơ sở Kế hoạch hợp tác quốc phòng đã được hai bên thống nhất gần đây, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại thông qua các cơ chế hiện có, đồng thời nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng, phù hợp với quan hệ Việt Nam - New Zealand cũng như năng lực, nhu cầu và lợi ích của mỗi nước.    

10. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin và gia tăng hợp tác trong các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, chính phủ điện tử, đóng góp chung cho Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, khoa học và kỹ thuật, chống khủng bố, buôn bán ma túy, rửa tiền và buôn người. Hai bên nhất trí xem xét khả năng đàm phán và ký kết các hiệp định song phương trong lĩnh vực này phù hợp với thực tiễn của mỗi bên.

11. Hai bên hoan nghênh việc tổ chức Đối thoại biển lần thứ nhất, đánh dấu sự khởi đầu cho đối thoại thường xuyên về cách tiếp cận giải quyết các thách thức hàng hải và tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác hàng hải dân sự thông qua chia sẻ tri thức, nâng cao năng lực và đào tạo. Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thực hiện các chương trình hợp tác hàng hải khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

III. Thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn

12. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trọng tâm chính trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới. Tại hội đàm, hai Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác thương mại là yếu tố then chốt trong quan hệ hai nước, vì lợi ích trực tiếp của nhân dân và doanh nghiệp hai nước. Hai bên đã nhất trí mục tiêu thương mại hai chiều đạt 3 tỷ đô la Mỹ vào năm 2026. Để đạt được mục tiêu đó, hai bên nhất trí phối hợp trong xây dựng các quy chuẩn và kỹ thuật để tạo điều kiện cho thương mại, trao đổi thông tin, thúc đẩy tiếp cận thị trường và hợp tác giữa cơ quan hải quan cũng như các cơ quan liên quan khác của hai nước.   

13. Hai bên tái khẳng định cam kết về việc tăng cường hội nhập kinh tế khu vực; nhất trí ủng hộ vững chắc đối với hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, rộng mở, minh bạch và toàn diện, bao gồm việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hai bên tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA).

IV. Thúc đẩy hợp tác về biến đổi khí hậu, khoa học, và công nghệ  

14. New Zealand khẳng định tiếp tục mở rộng hợp tác thông qua viện trợ phát triển chính thức song phương và khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực là thế mạnh của New Zealand và ưu tiên của Việt Nam như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới, biến đổi khí hậu và tự cường kinh tế, quản lý nước bền vững, nông nghiệp và quản lý rủi ro thiên tai.

15. Hai bên ghi nhận nhu cầu cấp thiết trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính theo kết luận mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu cũng như tầm quan trọng của việc thích ứng với tác động của khí hậu và tái khẳng định cam kết với những mục tiêu của Hiệp định Paris. Hai bên cam kết ủng hộ các sáng kiến hiện có mà hai bên đều là thành viên, bao gồm Liên minh Nghiên cứu Toàn cầu về Khí nhà kính Nông nghiệp. Hai bên có chung mục tiêu giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho các tác động trong tương lai, thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải khí nhà kính bằng không một cách công bằng, toàn diện, hiệu quả, dựa trên thực tiễn, tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân, tiếp cận các công nghệ hiện đại và chia sẻ tri thức. Để đạt được mục tiêu này, hai bên đã ký Bản thỏa thuận về Hợp tác biến đổi khí hậu nhằm tăng cường hợp tác về thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có hợp tác về thị trường carbon.

16. Hai bên cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác về nông nghiệp nhằm hỗ trợ Việt Nam trở thành nước sản xuất nông nghiệp hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; được thực hiện thông qua nghiên cứu chung, hợp tác và hành động về biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu, hỗ trợ kỹ thuật để đạt chứng nhận cho phòng thí nghiệm kiểm dịch thực vật, nhân giống cây trồng và thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

V. Củng cố hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân

17. Giao lưu nhân dân, đặc biệt thông qua hợp tác giáo dục và đào tạo, là một lĩnh vực chủ chốt của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới giữa hai nước. Những năm trở lại đây, số lượng du học sinh Việt Nam tại New Zealand, du học sinh New Zealand tại Việt Nam; các chương trình liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học của hai nước; hợp tác đào tạo tiếng Anh chuyên môn cũng như nghề nghiệp; học bổng New Zealand dành cho cán bộ và sinh viên Việt Nam, học bổng dành cho sinh viên New Zealand, trao đổi đoàn giữa giáo viên, sinh viên, học giả hai nước, ngày càng gia tăng. New Zealand cam kết tăng cường hỗ trợ đào tạo cho quan chức trung ương và địa phương Việt Nam, bao gồm đào tạo tiếng Anh.

18. Lãnh đạo hai nước đánh giá cao việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục New Zealand được ký vào tháng 11 năm 2022. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Luxon, Chính phủ New Zealand đã công bố tăng số lượng học bổng, khẳng định tiếp tục triển khai chương trình ELTO và hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh. Hai bên cũng khuyến khích và ủng hộ các cơ sở giáo dục đại học của hai nước triển khai các chương trình liên kết đào tạo.

19. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác văn hoá, thể thao, du lịch, bao gồm trao đổi đoàn, tham gia các sự kiện văn hoá, thể thao, hội chợ du lịch quốc tế. Hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường các chuyến bay giữa hai nước.    

VI. Củng cố hợp tác khu vực, tiểu vùng và đa phương

20. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy sự phát triển ở tiểu vùng Mekong. Hai bên nhắc lại cam kết về việc thúc đẩy hơn nữa sự phát triển hòa bình, thịnh vượng, toàn diện và bền vững tại tiểu vùng Mekong thông qua Ủy ban Sông Mekong (MRC), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Những người bạn của Mekong (FOM) cũng như các cơ chế và sáng kiến liên quan khác về Mekong.

21. Hai bên tái khẳng định cam kết với chủ nghĩa đa phương và hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ như được nêu tại Hiến chương Liên hợp quốc và Luật quốc tế, coi đây là nền tảng quan trọng để củng cố hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Đặc biệt, hai bên nhấn mạnh nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tái khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đóng vai trò như "Hiến pháp của các đại dương". Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng hoặc suy giảm lòng tin, cũng như giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.  

22. Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc phát huy và hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ như được nêu tại Hiến chương Liên hợp quốc và Luật quốc tế, dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia, như được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc./.

 

Theo baochinhphu.vn

3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm

Chiều 16/4, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm".

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ Năm, năm 2024 - 2025

Ngày 01 tháng 4 năm 2025, Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ Năm có Công văn số 671/MTTW-BTC về việc tham gia hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ Năm, năm 2024 - 2025 (viết tắt là Giải Báo chí).

Thủ tướng: Chúng ta đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang trước mối đe dọa lớn nhất với hành tinh

Chiều 16/4, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm".

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, nhìn về tương lai, Việt Nam đang nhanh chóng thúc đẩy các đột phá chiến lược, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển vừa nhanh, vừa xanh, bao trùm và bền vững.

Chuyển 100% biên chế cấp huyện để bố trí ở cấp xã, có thể tăng cường cán bộ cấp tỉnh về xã

Chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.

Tỉnh Cà Mau sẽ có 39 xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính

Để hoàn thiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chiều nay (16/4), Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại chủ trì Hội nghị Tỉnh uỷ cho ý kiến về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 - 2030

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 - 2030" (Đề án).

Triển khai thực hiện ngay Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII

Ngày 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (Nghị quyết) theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến toàn quốc (hơn 21.000 điểm cầu, hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Việt Nam và Ethiopia ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng

Chiều 15/4, sau khi tiến hành hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali đã chứng kiến đại diện các bộ ngành, cơ quan của hai nước ký kết, trao nhiều văn kiện hợp tác quan trọng.