Năm qua, huyện U Minh có nhiều nỗ lực và đạt hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững. Nếu đầu năm 2023, số hộ nghèo của huyện là 1.999 hộ, chiếm 7,64% thì đến cuối năm, số hộ nghèo giảm còn 1.238 hộ, chiếm 4,69%. Ðây là tỷ lệ giảm ấn tượng của U Minh - một huyện vốn có điều kiện khó khăn (toàn huyện có 7 xã và 1 thị trấn thì hết 3 xã An toàn khu, 3 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển).
Tạo điều kiện thoát nghèo
Ngồi trong căn nhà mới khang trang vừa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, chị Ngô Tiểu Thư, Ấp 5, xã Khánh Lâm, phấn khởi: “Vợ chồng làm vất vả nhưng vì không có đất sản xuất nên rất khó dành dụm đủ tiền để tự cất nhà. Giờ có nhà rồi, hạnh phúc lắm, cũng đã thoát được nghèo. Chồng làm nghề biển, mình ở nhà làm thêm, phụ nuôi con, tích góp dần để tiếp tục phát triển kinh tế. Cũng nhờ Nhà nước quan tâm mà gia đình thoát khỏi được cảnh túng thiếu như trước đây”.
Trên địa bàn xã Khánh Lâm năm vừa qua đã có nhiều hộ thoát nghèo nhờ phấn đấu vươn lên, cùng với đó, sự hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, tham gia vào các dự án giảm nghèo (như hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững). Từ đó, những hộ nghèo nắm bắt được cơ hội phát triển kinh tế.
Bà Danh Xuân, hộ vừa thoát nghèo, Ấp 14, xã Khánh Lâm, cho biết: “Gia đình được tham gia mô hình hỗ trợ nuôi gà, bước đầu thấy rất hiệu quả. Ðàn gà hiện còn 195 con, đang phát triển tốt, hy vọng Tết này có thể xuất bán”. Cũng theo bà Xuân, nhờ tham gia hội phụ nữ, có mô hình hùn vốn của hội giúp đỡ mà bà cất được nhà.
Nhờ được hỗ trợ vốn huy động của Hội Phụ nữ ấp và hỗ trợ mô hình nuôi gà, hộ bà Danh Xuân, Ấp 14, Khánh Lâm đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
“Gia đình chỉ có một phần diện tích đất ở, nên sau khi cất được nhà thì cải tạo diện tích còn lại để nuôi gà, không thể phát triển các mô hình trồng trọt khác. Tuy nhiên, nhờ chịu khó làm lụng cũng như được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, về áp dụng mà giờ cuộc sống đã ổn định hơn”, bà Xuân bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Ấp 5, xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Ðặc điểm hộ nghèo của địa phương là không có tư liệu sản xuất, có nhiều người phụ thuộc nên những chương trình như đào tạo lao động, dạy nghề là hết sức cần thiết. Bởi, đa số lao động diện này không có trình độ chuyên môn qua đào tạo nên khi đi xin việc ở các công ty, doanh nghiệp rất khó khăn. Trong khi đó, chọn họ tham gia các mô hình sản xuất cũng không hiệu quả do họ không đất sản xuất, tập huấn xong không thể áp dụng”. Do đó, theo chị Huệ, địa phương đã có sự phân nhóm để chọn đối tượng tham gia các chương trình, dự án giảm nghèo phù hợp, qua đó giúp công tác giảm nghèo của địa phương chuyển biến tích cực.
Phát huy hiệu quả các chương trình, dự án
Qua 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện U Minh đã giải ngân hơn 31 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng các xã với 33 công trình, có trên 7.500 người thụ hưởng. Lộ giao thông thuận lợi giúp người dân phát triển kinh tế, học sinh đến trường thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển sản xuất theo các loại hình nông, lâm, ngư nghiệp đã giúp người ngheo có “cần câu” để vươn lên trong cuộc sống.
Thực tế, khi người nghèo biết tận dụng điều kiện sẵn có của địa phương vẫn có thể chọn cho mình một hình thức lao động phù hợp để cải thiện kinh tế. Chị Danh Bé Vân, Ấp 15, xã Khánh Lâm, cho biết: “Vợ chồng cùng làm nghề bán thịt heo, sắm 2 xe máy chở thịt bán khắp xóm, ấp. Ðiều kiện giao thông thuận lợi, có thể bán ở các ấp khác, xã khác nên thu nhập cũng ổn định, mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng”.
Theo ông Tô Văn Dự, Trưởng Ấp 15, xã Khánh Lâm, trong công tác giảm nghèo, không chỉ đòi hỏi các mô hình khi triển khai cần phù hợp với điều kiện địa phương, đối tượng tham gia, mà không thể tràn lan. Ví như người không đất sản xuất lại chọn tham gia mô hình trồng màu, như vậy không chỉ không hiệu quả mà còn làm lãng phí nguồn lực đầu tư”. Ðặc biệt, theo ông Dân, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức tự thoát nghèo cho người dân là rất quan trọng. Người nghèo phải có ý thức tự vươn lên, hạn chế tình trạng sau khi tham gia mô hình sản xuất, được hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ phân bón, thức ăn thì triển khai áp dụng. Còn sau khi hết được hỗ trợ thì không tiếp tục phát triển mô hình.
Không đất sản xuất, chị Huỳnh Xuân Huỳnh, Ấp 15, xã Khánh Lâm học nghề đan len. Mỗi chiếc cặp đan bằng tay chị bán được 400 ngàn đồng.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện U Minh cũng đã tạo điều kiện cho 2.045 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Bên cạnh đó, thông qua các nguồn huy động vốn từ nội lực của các hội, đoàn thể đã giúp hơn 300 hội viên trên địa bàn huyện thoát nghèo.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: “Ðiểm nổi bật của huyện trong công tác giảm nghèo là hiện nay có 4 ấp không còn hộ nghèo (Ấp 6 và Ấp 11, xã Khánh An; Ấp 7, xã Khánh Hội và Ấp 12, xã Khánh Thuận); đáng chú ý, Khánh Thuận là xã đặc biệt khó khăn. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã thực hiện tốt các mô hình, dự án sinh kế, tạo việc làm cho bà con. Ðịa phương phải theo sát, kiểm tra, khuyến khích người dân tiếp tục sản xuất, tái đàn các mô hình chăn nuôi, nhân rộng mô hình. UBND huyện cũng chỉ đạo mỗi xã cần có mô hình về vốn vay của Ngân hàng Chính sách. Huyện cũng đang xây dựng kế hoạch giảm nghèo của huyện đến năm 2030, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn ngang bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ chung của các huyện, thành phố trong tỉnh”.
Chính quyền huyện U Minh đặt ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong thời gian tới. Trong đó, theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện từng dự án, mô hình, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; tạo cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc có điều kiện phát triển, đa dạng hoá sinh sinh kế, tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn. Tăng cường khả năng tiếp cận khoa học - kỹ thuật, dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cho người nghèo, người cận nghèo./.
Ðặng Duẩn