Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Cà Mau đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và giảng dạy tại các đơn vị trường học, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.
Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Cà Mau đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và giảng dạy tại các đơn vị trường học, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.
Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các trường học, ngành giáo dục và đào tạo Cà Mau khuyến khích các trường xã hội hoá việc đầu tư mua máy vi tính, các thiết bị CNTT phục vụ giảng dạy và học tập. Hiện toàn tỉnh có 566 đơn vị trường học sử dụng CNTT, trong đó bậc mầm non 130, tiểu học 276, trung học 149, còn lại là các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Thới Bình A trong giờ thực hành tin học. |
Trường Tiểu học thị trấn Thới Bình A được trang bị và đưa vào hoạt động 1 phòng máy từ tháng 2/2012. Năm đầu, máy tính chỉ dùng để bồi dưỡng cho học sinh khối 5. Năm học 2014-2015, trường mở rộng thêm cho học sinh khối 4. Thiếu máy, nhà trường phải chia nhóm để các em thực hành và chọn học sinh có năng khiếu dự thi tin học các cấp. Từ năm học 2011-2012 đến nay, trường có 25 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện trở lên, trong đó có 1 em đoạt giải trong cuộc thi tin học trẻ không chuyên vòng quốc gia.
Bà Tạ Thị Huế, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, phường 4, cho biết, trường được trang bị từ nguồn ngân sách Nhà nước 1 phòng máy vi tính gồm có 21 máy và bàn ghế. Phòng máy được kết nối internet đầy đủ và có tai nghe, bảng phấn, máy chiếu phục vụ tốt cho việc giảng dạy, học tập và làm việc trên máy vi tính.
Phòng máy của trường được sử dụng chính thức từ học kỳ II năm học 2013-2014. Nhà trường phân công 2 giáo viên có trình độ kỹ thuật, thành thạo về máy tính và 1 nhân viên văn phòng quản lý phòng máy vi tính. Nhờ có phòng máy này, giáo viên có điều kiện thuận lợi hơn trong việc rèn luyện kỹ năng sử dụng vi tính, vận dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy.
Ngoài việc tổ chức tập huấn và rèn luyện kỹ năng ứng dụng CNTT vào việc đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên, trường còn hướng dẫn học sinh ôn luyện và tổ chức cho học sinh thi Olympic tiếng Anh và giải Toán trên internet tại phòng máy. Ngoài ra, Trường THCS Phan Bội Châu kết hợp với Viễn thông Cà Mau thực hiện chương trình quản lý nhà trường qua hệ thống VnEdu đạt hiệu quả tốt. Giáo viên cập nhật và thông tin khi cần thiết với phụ huynh học sinh qua hệ thống sổ liên lạc điện tử.
Từ việc ứng dụng CNTT, nhiều trường học có những sáng tạo mới nhằm phục vụ dạy và học. Năm học 2013-2014, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã xét khen thưởng cho các sản phẩm tham gia dự thi ứng dụng CNTT trong trường học. Số lượng sản phẩm dự thi là 143, (gồm phần mềm giáo dục và bài giảng điện tử).
Ông Lâm Hoàng Nên, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin - Thiết bị thư viện, Sở Giáo dục và Ðào tạo Cà Mau, cho biết, để việc ứng dụng CNTT trong các cơ sở trường học ngày càng đáp ứng yêu cầu giảng dạy, sở chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức tin học thường xuyên cho 500 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các cơ sở giáo dục trong tỉnh, đặc biệt là phương pháp soạn giảng bằng các công cụ trình chiếu, phần mềm hỗ trợ thiết kế bài giảng điện tử e-Learning.
Ông Nên cho biết thêm, ngành sẽ tăng cường đầu tư các thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy ở các trường như phòng học thông minh, bảng tương tác thông minh, máy tính xách tay, máy chiếu, đặc biệt ưu tiên đầu tư trang bị cho bậc mầm non và tiểu học. Ðồng thời, tiếp tục chỉ đạo các phòng giáo dục, trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên củng cố và mở rộng việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học tin học trong các nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng rộng rãi và có hiệu quả các phần mềm hỗ trợ dạy học và quản lý. Ðặc biệt, triển khai đồng bộ việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý các hoạt động toàn ngành, trước hết là triển khai việc trao đổi thông tin 2 chiều, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục toàn diện./.
Bài và ảnh: Lê Nguyễn