(CMO) Sau thời gian ảnh hưởng dài của đại dịch Covid-19, ngành giáo dục phải áp dụng các phương pháp giảng dạy nhằm thích ứng linh hoạt. Mới đây, ngoài duy trì dạy và học trực tuyến cho học sinh (thuộc diện F0, F1) thì nhiều trường ở TP Cà Mau đã chính thức ứng dụng công nghệ truyền hình trực tiếp trên lớp thay cho giảng dạy trực tuyến.
Cô Nguyễn Thị Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu, cho biết: “Với tính năng ưu việt của thiết bị thu hình và truyền trực tiếp đến các thiết bị điện tử thông minh: smartphone, máy tính bảng, laptop..., học sinh bị nhiễm Covid-19 hoặc đối tượng F1 sẽ được tham gia lớp học như các bạn đang học trực tiếp trên lớp, cùng giờ, cùng thời khoá biểu. Phương pháp này sẽ giảm tải việc phải mở thêm lớp trực tuyến trái giờ của giáo viên như trước nay”.
Cùng quan điểm về tính năng ứng dụng truyền hình trực tiếp trên lớp học đến với học sinh, thầy Tạ Ðức Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, thông tin: “Chúng tôi đã lắp đặt thiết bị đảm bảo bước đầu cho khối học vào giờ sáng, giờ chiều và cách bố trí lớp học cùng thời khoá biểu cho học sinh không trực tiếp đến lớp cũng linh hoạt. Qua đó, có thể cùng một giờ học, tiết học, một lớp học có thể có 50, 70 hoặc 100 học sinh”.
Giờ học trên lớp của học sinh lớp 8, Trường THCS Võ Thị Sáu (vào chiều 7/3) được truyền hình trực tiếp đáp ứng việc học tập của các em phải cách ly y tế. |
Tuy nhiên, vấn đề ứng dụng phương pháp và nền tảng kỹ thuật mới này cũng khiến Ban giám hiệu và nhiều giáo viên lo lắng về khả năng tương tác trong giờ học của học sinh.
Cô Ninh Thị Thái Bình, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho hay: “Việc ứng dụng thiết bị truyền hình trong thời điểm hiện tại và thời gian ngắn (khi còn dịch bệnh nhiều) là hợp lý. Song, chúng tôi vẫn lo lắng về sự tương tác, tiếp thu và kiểm tra kiến thức của học sinh. Bởi, với thiết bị này, mỗi giáo viên có thể giảng dạy trực tiếp trên bục giảng với cả trăm học sinh khác”.
Ông Lê Cương, Giám đốc Công ty Tin học Lê Cương, thông tin: “Với phương pháp và thiết bị kỹ thuật học trực tiếp trên lớp như nhiều trường ở TP Cà Mau ứng dụng, học sinh và phụ huynh có thể học trực tiếp qua thiết bị hay xem lại bài giảng qua mã Code hoặc đường link. Chúng tôi đang cố gắng nâng cấp, tích hợp với các phần mềm khác để học sinh có thể tương tác với giáo viên khi học trực tiếp thông qua thiết bị truyền hình trên lớp”.
Chia sẻ về ứng dụng công nghệ, thiết bị này, nhiều giáo viên bày tỏ sự lạc quan, nhất là việc giảm tải thời gian làm việc của giáo viên. Bởi như trước nay, khi có học sinh mắc Covid-19 hoặc cách ly theo dõi sức khoẻ thì ngoài giờ lên lớp giáo viên phải tiếp tục tổ chức lớp học trực tuyến ngay sau đó, nay thì không còn phải tốn thời gian nữa.
“Không dừng lại, với phần ứng dụng thiết bị và công nghệ mới này, Ban giám hiệu hoặc các tổ bộ môn còn có thể tham gia dự giờ, đánh giá giáo viên qua các tiết giảng trực tiếp”, thầy Nguyễn Kim Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu, thông tin.
Việc truyền hình trực tiếp lớp học đang là phương pháp khả quan được ngành giáo dục thành phố áp dụng và hướng đến khuyến khích ứng dụng ở các trường nhằm hạn chế thấp nhất học sinh thiếu tiết giảng, bài giảng do nhiễm Covid-19 hoặc F1 cách ly theo dõi sức khoẻ. Ðồng thời, đây cũng là thông tin hữu ích với phụ phuynh khi mối lo về kiến thức cho con em trong mùa dịch không còn quá phức tạp nữa.
“Chúng tôi cũng đã họp bàn với các trường trong điều kiện của đơn vị tiến hành trang bị thiết bị giảng dạy trực tiếp này. Ðồng thời tiếp tục đề nghị giáo viên, nhà trường góp ý trong quá trình ứng dụng để ngày thêm hoàn thiện, đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập”, thầy Lê Minh Hải, Phó trưởng phòng Giáo dục TP Cà Mau, thông tin./.
Phong Phú