Đã mấy năm qua, em Huỳnh Linh Trân, học sinh lớp 2C, Trường Tiểu học Hoà Thành II, phải chịu bao đau đớn do căn bệnh máu trắng gây ra. Sức khoẻ em ngày càng yếu dần, người gầy gò, xanh xao. Tuy nhiên, dù bệnh tật em vẫn cố gắng học để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo và những người mắc bệnh giống em.
Đã mấy năm qua, em Huỳnh Linh Trân, học sinh lớp 2C, Trường Tiểu học Hoà Thành II, phải chịu bao đau đớn do căn bệnh máu trắng gây ra. Sức khoẻ em ngày càng yếu dần, người gầy gò, xanh xao. Tuy nhiên, dù bệnh tật em vẫn cố gắng học để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo và những người mắc bệnh giống em.
Tuổi thơ gắn liền với những ca thay máu
Trân lớn lên trong sự yêu thương của ông bà và cha mẹ, dù gia cảnh không mấy khá giả nhưng ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Năm Trân 4 tuổi, thấy con sụt cân, chán ăn, hay nôn oẹ, gia đình liền đưa em đi khám, kết quả em mắc bệnh máu trắng (ung thư máu). Căn nhà nhỏ giờ không còn tiếng cười vui bởi bao gánh nặng đang bao trùm. Cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào 3 công đất nuôi tôm, cảnh nhà thiếu trước hụt sau, giờ đây phải lo thêm chi phí chữa bệnh cho Trân.
Linh Trân bé nhỏ so với các bạn đồng trang lứa. |
Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, chị Võ Thị Cẩm Lành, mẹ Trân, quyết định đi tìm việc làm để có tiền chạy chữa cho con. Chị một mình đi khắp các tỉnh miền Tây làm đủ nghề, quần quật không quản nắng mưa, sớm tối, với mong muốn duy nhất “có đủ tiền làm phẫu thuật kéo dài thêm sự sống, để con không còn phải chịu cảnh đau đớn thay máu mỗi tháng nữa”. Chưa bước qua ngưỡng tứ tuần nhưng vẻ hốc hác khiến chị già hơn hẳn so với tuổi. Gánh nặng cơm áo gạo tiền làm cho chị ngày càng tiều tuỵ, nhưng tình thương con vô bờ đã giúp người mẹ ấy vượt lên tất cả.
Về phần bé Huỳnh Linh Trân, để đảm bảo sức khoẻ cũng như ngăn chặn sự phát triển của bệnh, mỗi tháng gia đình đều đưa em đến Bệnh viện Huyết học Trung ương (TP Hồ Chí Minh) để thay máu 2 lần, chi phí cho mỗi chuyến đi về hơn 2 triệu đồng. Ông Võ Minh Qua, 66 tuổi, ông ngoại Linh Trân, chia sẻ: “Ðể tiết kiệm chi phí, tôi chỉ ăn mì gói hoặc bánh mì để qua bữa chứ không dám xài gì cả. Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế nên tiền thuốc được giảm phần nào, nhưng về lâu dài không biết “đào” đâu ra tiền cho cháu đi chữa bệnh, bởi bệnh này phải thay máu mới duy trì sự sống được”.
Từ ngày Linh Trân phát bệnh, kinh tế gia đình ngày càng xuống dốc. Ông Qua đánh liều vay Ngân hàng Agribank 40 triệu đồng để trang trải chi phí sản xuất và chữa bệnh cho cháu. Thế nhưng, hạn hán kéo dài, làm đâu thất đó nên nợ không trả được. Anh Huỳnh Minh Nhật, cha Linh Trân, phải đi Bình Dương làm công nhân cho nhà máy gỗ.
Trong căn nhà nhỏ giờ chỉ còn lại 2 người già và 1 đứa trẻ sống nương tựa nhau. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cộng thêm căn bệnh thoái hoá cột sống, thấp khớp hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, nhưng ông Qua vẫn không thôi lên xuống giữa Sài Gòn - Cà Mau để chữa bệnh cho cháu.
Ông nghẹn ngào: “Mỗi lần thấy ống tiêm là nó sợ tím môi nhưng không dám khóc. Nhìn cháu nước mắt lã chã mà không thốt lên tiếng nào, chỉ cố bấu chặt lấy tay tôi mỗi khi đau quá, tôi đau lòng lắm, phải chi tôi bệnh thay cháu thì hay quá”.
Nghị lực phi thường
Sắp 10 tuổi nhưng Linh Trân chỉ cân nặng 18 kg. Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, phải từng ngày chịu đau đớn do căn bệnh gây ra, khiến em trầm tư ít nói hơn so với bạn bè trang lứa. Thế nhưng, trong đôi mắt em luôn ẩn chứa sự mạnh mẽ. Ai cũng hiểu em đang rất cố gắng chống chọi với bệnh tật
Khi tâm sự về ước mơ tương lai, mắt em sáng rực lên, miệng chúm chím như chú chim non líu lo: “Em thích học hát, toán, vẽ. Lớn lên em muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, nhất là những người bệnh giống em, nhưng em sẽ chữa thật nhẹ, không làm đau mọi người”.
Bà Phan Thị Quỳnh, 63 tuổi, bà ngoại Trân, tâm sự: “Cháu phải nghỉ học thường xuyên để đi thay máu, nhưng mỗi lần về đều thức khuya, cố gắng học thật nhiều để mau theo kịp bạn bè. Thấy cháu ham học tôi cũng vui, nhưng không biết có nuôi nổi cháu học được bác sĩ hay không. Lúc ở nhà cháu hay giả làm bác sĩ để khám bệnh cho ông bà lắm, nhà nghèo chẳng có gì để chơi, cứ quanh quẩn theo ông bà thôi”.
Nhà cách trường chỉ 500 m, nhưng do Linh Trân ốm yếu, lại hay bị ngất nên ngày hai buổi ông đều đưa rước. Chi phí chữa bệnh ngày càng cao, những lúc cha mẹ Trân không gửi tiền về kịp là ông bà chạy vạy khắp nơi để mượn. Bà con ai cũng nghèo khó không giúp được nhiều, hàng xóm xung quanh cũng khó khăn.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoà Thành II Trần Thanh Tâm cho biết: “Linh Trân là học sinh ngoan hiền, học lực khá giỏi, rất thông minh và chịu khó trong học tập. Biết hoàn cảnh gia đình em thuộc diện cận nghèo, nhà trường đã cố gắng hỗ trợ trong mức có thể, mỗi đợt có học bổng trường đều ưu tiên cho em. Thương em nhỏ tuổi lại mắc bệnh hiểm nghèo, cha mẹ làm ăn xa xứ, ở cùng ông bà nên thầy cô, bạn bè luôn quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để em được đến trường học tập tốt nhất”./.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Tổ Từ thiện - Xã hội Báo Cà Mau. ĐT: 0780.3831066, gặp anh Trầm Nghĩ Tài khoản Quỹ từ thiện Báo Cà Mau: - Tên đơn vị: Báo Cà Mau - Số tài khoản: 10201-000205255-9 - Mở tại: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cà Mau. |
Bài và ảnh: Yến Nhi