Uống rượu, bia là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, lạm dụng rượu, bia lại vô cùng nguy hiểm.
- Ðã uống rượu, bia - không lái xe
- Kêu gọi cộng đồng cùng hành động "Đã uống rượu, bia - Không lái xe"
- Lái xe sau khi uống rượu, bia: Chuyện cũ vẫn mới
Theo đánh giá từ ngành y tế, nói đến tác hại của rượu, trước tiên phải nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với sức khoẻ người uống. Khi dùng rượu quá đà, đầu tiên sẽ khiến người uống rơi vào trạng thái ảo giác, tạm thời mất đi ý thức tự chủ, sau đó rượu tác động lên hệ thần kinh, gây ra tình trạng choáng váng. Dùng rượu lâu dài dễ dẫn đến mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm, huyết áp cao hơn và dễ có nguy cơ đối mặt với các bệnh tim mạch. Nghiện rượu kinh niên còn là một trong hai nguyên nhân dẫn đầu gây tổn thương não...
Uống rượu, bia không chỉ tổn hại về sức khoẻ, thiệt hại về kinh tế mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Ðó là việc không làm chủ được hành vi, dẫn đến vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp thương tâm do rượu bia gây ra. Một bác sĩ tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh, cho biết, trong các trường hợp nhập viện, có nhiều trường hợp “quá chén” dẫn đến bị ảo giác, hoang tưởng, dễ kích động. Họ thường có cảm xúc bất ổn, hành động theo xu hướng bạo lực, hành xử vượt quá sự kiểm soát của lý trí bình thường.
Trên thực tế đã có nhiều vụ án mạng, thương tích xảy ra trong và sau cuộc nhậu. Chỉ cần gõ cụm từ “rượu bia và giết người” trên thanh công cụ tìm kiếm Google, xuất hiện hàng trăm kết quả liên quan.
Trong câu chuyện về vấn đề an toàn giao thông, hệ luỵ từ việc sử dụng rượu, bia cũng rất lớn. Ðiều khiển phương tiện giao thông khi đã có sử dụng rượu bia là điều cấm kỵ. Biết là vậy, nhưng trên thực tế không ít người vẫn phớt lờ, chủ quan. Cứ thế, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, vi phạm nồng độ cồn là một trong những lỗi vi phạm phổ biến hiện nay. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm, để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Tình hình TNGT, vi phạm giao thông có liên quan đến nồng độ cồn vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.
Dù nhiều năm trôi qua nhưng người dân xã Thới Bình, huyện Thới Bình vẫn không quên được cái chết của anh P.N.Th. Anh Th tử vong vì TNGT khi chưa đầy 40 tuổi. Theo lời kể từ người thân của anh Th, trước khi xảy ra tai nạn, anh Th có sử dụng rượu tại nhà. Kết thúc cuộc vui, anh Th điều khiển phương tiện chở theo người cháu đi về hướng thị trấn Thới Bình cách nhà hơn 3 km. Lúc đó trời đã nhá nhem tối, đi được nửa đường thì xảy ra tai nạn. Phương tiện xe gắn máy của anh Th điều khiển va vào hàng rào bê tông của một hộ dân. Không làm chủ được tay lái và tốc độ, cú va chạm làm anh Th tử vong tại chỗ, người cháu được đưa đi cấp cứu vì đa chấn thương, may mắn là không ảnh hưởng đến tính mạng.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: Vi phạm nồng độ cồn vẫn còn nhiều. Người vi phạm có xu hướng trẻ hoá. Ðây là thách thức lớn trong công tác kiềm chế TNGT ở địa phương. TNGT luôn để lại nhiều hậu quả nặng nề, có nhiều trường hợp người đầu bạc khóc tiễn kẻ đầu xanh, gia đình khánh kiệt cũng vì TNGT. Nhiều trường hợp TNGT ghi nhận có nguyên nhân từ những cuộc vui “quá chén”.
Ký cam kết nói không với bia rượu khi tham gia giao thông, nhân sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu, bia - không lái xe", hưởng ứng Năm ATGT 2024.
Việc sử dụng rượu bia trong các bữa tiệc, hỉ sự đã không còn xa lạ với nhiều người, nhưng cũng chính từ rượu bia đã bộc lộ nhiều hệ luỵ do sử dụng quá đà. Chính vì vậy, mọi người cần cân nhắc, đừng để rượu bia gây mất kiểm soát, để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc, khó lường.
Văn Ðum