ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 15:38:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Về quê ăn Tết

Báo Cà Mau (CMO) Tôi hẹn với mấy người em ở quê, là sẽ cùng gia đình về Cà Mau ăn Tết Nhâm Dần. Lâu lắm rồi tôi chưa có dịp thưởng thức không khí đầu năm mới ở miền sông nước quê nhà - nơi tôi sinh ra và lớn lên bên bờ con Sông Trẹm hiền hoà, còn đầy ắp những kỷ niệm của thời thơ ấu. Rồi dịch Covid-19 hoành hành, làm cho dự tính của tôi chưa thực hiện được, nhưng tôi vẫn trong tư thế sẵn sàng. Hết dịch, cuộc sống trở lại “bình thường mới”, là gia đình tôi sẽ lên đường!

Minh hoạ:  Lý Kiều Loan

Tôi tự thiết kế cho mình chương trình du xuân nơi quê nhà cùng gia đình, mà tôi nghĩ, mọi người đều thích thú. Mấy đứa cháu nội luôn hào hứng chờ ngày về nơi “nguyên quán”, khám phá những điều mới lạ so với cuộc sống ở thành phố lâu nay. Tôi hình dung ra tất cả chi tiết cho chuyến đi, từ khi rời nhà để lên xe đò về Cà Mau vào một đêm giáp Tết, cho đến khi trở lại nhà sau kỳ nghỉ Tết. Dấu ấn đáng nhớ của chặng đường này là sau hai lần ngồi xe - về đến bến xe Cà Mau, thêm một chặng xe taxi - là cả gia đình được về đến tận nhà vào hừng đông sáng hôm sau. Ngôi nhà mà ngày xưa tôi được sinh ra và lớn lên trong suốt cả quãng đời thơ ấu giờ gia đình cô em Út sinh sống. Chúng tôi sẽ đón giao thừa, thắp hương tưởng nhớ ông bà, cha mẹ trong thời khắc bước vào năm mới. Tìm lại chút hơi lạnh của đêm về khuya từ ngọn gió bấc cuối mùa hoà với mùi khói ấm của nồi bánh tét đang nấu trước sân nhà trong không khí thật ấm cúng và yên bình!

Tôi sẽ kể cho những thành viên gia đình tôi về chặng đường mà ngày xưa mỗi lần về quê tôi phải trải qua. Ngày ấy, tôi phải có mặt ở Bến xe miền Tây vào sáng sớm để kịp mua vé lên những chuyến xe chỉ xuất bến vào buổi sáng, và về đến Cà Mau lúc chiều tối trong ngày. Thường thì tôi phải ngủ lại nhà bà con ở TP Cà Mau một đêm, sáng hôm sau ra bến tàu về Thới Bình. Nếu đi được chuyến Cà Mau - Kiên Giang, tàu chạy theo Sông Trẹm, thì tôi sẽ được về đến tận nơi, vì tàu ghé bến sông ngay trước nhà. Còn như tàu chạy tuyến Cà Mau - Thới Bình, thì về đến thị trấn, tôi còn một chặng đường ba cây số, lội bộ hoặc đi đò. Giải thích cho chi tiết dài dòng này là ngày ấy làm gì có đường xe chạy tuyến Cà Mau - Thới Bình, cũng như từ thị trấn Thới Bình đi các nơi chung quanh vài cây số như rạch Bà Ðặng, rạch Bà Hội, hay Rạch Ông, rạch Ba Chùa… đều phải đi xuồng hay lội bộ mà thôi. Sau này, mạng lưới đường giao thông phát triển nhanh theo yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển của tỉnh nhà, sự di chuyển của người dân càng thêm thuận tiện. Những con đường bê-tông phẳng lì ở nông thôn cứ toả về khắp nơi, lan xa, ít nhất thì những chiếc xe máy cũng ngược xuôi đến tận mỗi nhà, kể cả những thôn, ấp xa xôi. Có những tuyến đường xe hơi đã chạy bon bon như từ thị trấn Thới Bình lên rạch Ba Chùa. Ngày xưa, thật tình tôi không dám nghĩ đến ngày xe hơi chạy về được đến trước nhà. Không phải là một giấc mơ, mà là một điều kỳ diệu hiện hữu trên từng chặng đường phát triển của quê hương!

Trong hành trình về quê ăn Tết mà tôi thiết kế, ngoài việc đi thăm, chúc Tết bà con thân thuộc, có lẽ chương trình đi thăm Ðất Mũi Cà Mau được mọi người hào hứng nhất, đặc biệt là hai thằng cháu khi nghe tôi kể những điều sẽ thấy, sẽ trải nghiệm trong chuyến đi. Trong đôi mắt của hai đứa trẻ thể hiện sự hào hứng, muốn chứng kiến tận mắt những điều đã đọc được trong sách vở hoặc được xem giới thiệu trên các chương trình truyền hình về miền đất cực Nam của Tổ quốc. Chính tôi đã một lần ra thăm Ðất Mũi vào mấy năm trước, nhưng chỉ đi, về trong ngày, không ở lại đêm nên chưa thoả mãn với những điều muốn trải nghiệm về vùng đất mang tính lịch sử của Cà Mau.

Trong chuyến đi lần đó, điều đầu tiên cuốn hút tôi trên chặng từ Năm Căn ra Ðất Mũi là con đường rất đẹp. Ðó là đường Hồ Chí Minh vừa thông xe đến Ðất Mũi vào năm 2016. Con đường nhựa tăm tắp uốn lượn giữa hai bên rừng đước ngút ngàn, xanh thẳm cho ta cảm giác yên lành và niềm tự hào về đất nước xinh đẹp, bình yên. Ngồi trên xe, nhìn những cánh rừng đước trải dài ngút mắt hai bên đường mà lòng không khỏi bâng khuâng, cảm thấy bị cuốn hút bởi vùng đất xa xôi mà đẹp lạ lùng này. Tôi đã đứng chụp hình bên cột mốc Toạ độ Quốc gia GPS 0001, cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau km 2.436, với niềm vui khó tả vì là một trong những người dân Việt Nam đã có mặt nơi vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Ðâu phải người dân Việt Nam nào cũng đều có dịp đến được nơi đây.

Tôi tiếc là còn những trải nghiệm thật hấp dẫn nơi vùng Ðất Mũi này được giới thiệu qua nhiều bài viết, nhiều trang web về du lịch trên mạng mà tôi chưa thực hiện được trong chuyến đi lần trước. Chẳng hạn như ngủ lại ở homestay, đêm nghe gió biển thổi rì rào qua rừng đước, rừng mắm, hoặc có thể theo người dân địa phương vào rừng bắt ba khía hay “săn” cua biển… Sáng sớm hôm sau lên đài quan sát để ngắm mặt trời mọc phía biển Ðông, chiều nhìn mặt trời lặn ở biển Tây. Ðiều tuyệt diệu nhất chính là ở chỗ, đây là nơi duy nhất trên đất liền của nước Việt Nam, ta được nhìn thấy mặt trời mọc ở biển Ðông và lặn ở biển Tây. Ngoài ra, thời gian trong ngày sẽ ngồi vỏ lãi xuyên rừng đi thăm những cánh rừng đước, rừng mắm bạt ngàn, trên những con kênh đầy bóng mát. Hai bên bờ kênh, những chú ba khía, thòi lòi nhởn nhơ trên vùng bãi bồi như là “lãnh địa riêng" của loài sinh vật ở vùng rừng ngập mặn này. Tôi sẽ giải thích cho các cháu về hình dáng cây đước, cây mắm cùng với cách mà loài cây chắn sóng, gió này sinh sôi, vững vàng trước bão táp phong ba, bám bãi bồi giữ đất. Hình dáng trái đước đầu nhọn giống như quả tên lửa, khi già rụng xuống sình lầy, cắm vào đất sình để cây con nẩy mầm, mọc rễ vươn lên, nối dài màu xanh những bãi bồi phù sa lấn đất cho mũi Cà Mau hàng năm cứ vươn dài ra biển. Tôi cũng sẽ giải thích cho con cháu về cách mà bộ đội ta ngày xưa trong chiến tranh bảo vệ đất nước đã bám rừng, sinh sống và chiến đấu như thế nào, để tạo nên một vùng đất cách mạng kiên cường, bất khuất nơi mũi Cà Mau.

Ðứng ở vùng Ðất Mũi này, tôi chợt nhớ đến bài thơ Mũi Cà Mau của Nhà thơ Xuân Diệu, với những câu thơ mà nhiều người đã thuộc lòng từ hơn nửa thế kỷ qua như “Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau…”. Và còn nhiều ca khúc nổi tiếng khác ca ngợi vùng đất lịch sử, xinh đẹp và giàu truyền thống cách mạng này như "Về Ðất Mũi Cà Mau" của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, "Áo mới Cà Mau" của Nhạc sĩ Thanh Sơn... mà những người dân Cà Mau khi xa xứ mưu sinh đều có thể ngân nga mỗi khi nhớ quê. Nơi vùng Ðất Mũi này, hình dáng mang biểu tượng chiếc mũi của “con tàu Việt Nam” đang vững vàng vượt qua bao bão táp phong ba để vươn ra biển lớn, trên đôi chân chưa kịp khô bùn vạn dặm! Vậy đó, được trải nghiệm những điều thú vị trên vùng đất cực Nam của Tổ quốc là mong muốn của nhiều người, mà tôi có đủ lý do và điều kiện để thôi thúc cho một chuyến đi cùng với gia đình…

Trên đường từ Ðất Mũi trở về, còn nơi mà tôi dự định sẽ ghé qua, đó là chợ Rạch Gốc nổi tiếng với món đặc sản tôm khô. Nhất định sẽ mua một ít về ăn và làm quà cho bạn bè, người thân. Tôm khô Rạch Gốc ngày trước chủ yếu là tôm biển, nay có thêm loại tôm đất vuông làm ra sản phẩm tôm khô đỏ au, bắt mắt. Ðể có được sản phẩm tôm khô mang hương đất rừng ngập mặn của Cà Mau, ngoài con tôm nguyên liệu, người làm tôm khô ở đây còn có những bí quyết riêng trong quá trình chế biến, nên tôm khô Cà Mau nói chung và tôm kho Rạch Gốc nói riêng, nhìn là hấp dẫn, thơm, ngon không lẩn với tôm khô của vùng nào được!

Còn nhiều nơi rất đẹp và nổi tiếng trên quê hương Cà Mau mà tôi muốn đưa cả nhà đi thăm như hòn Ðá Bạc, đầm Thị Tường, Vườn Quốc gia U Minh Hạ…, nhưng rất tiếc là thời gian không nhiều cho mỗi chuyến đi, đành hẹn những lần về sau. Bởi tôi nghĩ, gia đình tôi, từ vợ, con, đến cháu, đều có liên quan mật thiết đến vùng đất Cà Mau này - tôi là người sinh ra và lớn lên ở Cà Mau, các con và cháu tôi đều là dân “nguyên quán Cà Mau” - nhưng nếu không biết gì về vùng đất được gọi là “nguyên quán” ấy thì quả là một điều thiếu sót./.

 

Nguyễn Sông Trẹm

 

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.