Chuyển đổi ngành nghề khai thác ven bờ là một trong những giải pháp quan trọng để không chỉ nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) mà còn góp phần giúp người dân an toàn hơn trước thiên tai. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực nhưng do nguồn ngân sách còn hạn chế nên việc chuyển đổi nghề thời gian qua chưa được triển khai rộng rãi.
Là tỉnh có bờ biển dài, từ lâu vùng ven biển Cà Mau là nơi được nhiều người dân trong mọi miền đất nước tìm đến để mưu sinh. Chính đặc điểm này khiến lượng tàu cá nhỏ hành nghề khai thác ven bờ của tỉnh cũng khá lớn. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 500 tàu cá thuộc diện “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thuỷ sản), đây là nhóm phương tiện thuộc diện cần được chuyển đổi nghề để nhằm bảo vệ NLTS và đảm bảo an toàn cho ngư dân trước diễn biến khó lường của thời tiết, nhất là trong mùa mưa bão.
Khai thác thuỷ sản là lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh. Thời gian qua, nghề khai thác không chi đóng góp vào sản lượng mà còn tạo ra việc làm cho gần 20 ngàn lao động cũng như sự phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề khai thác mỗi lúc một khó khăn hơn do sản lượng giảm sút.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: “Làm sao để khôi phục và khai thác NLTS bền vững là mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới. Ðể tiến tới mục tiêu này, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được tỉnh triển khai thực hiện, trong đó có đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác tuần tra, giám sát, xử lý vi phạm, khuyến khích ngư dân nâng cấp, hoán cải tàu cá để đánh bắt xa bờ... Ðặc biệt, việc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề được cho là giải pháp quan trọng".
Te ruốc, cá cơm là một trong những nghề chính của bà con ven vùng biển Tây. (Ảnh chụp tại khu vực Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).
Cách đây hơn 10 năm, tỉnh đã tiến hành thí điểm việc chuyển đổi cho ngư dân khai thác ven bờ tại khu vực cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời và một số nơi, chuyển từ nghề bị cấm sang nghề cho phép, từ nghề khai thác sát hại nguồn lợi sang nghề ít sát hại nguồn lợi hơn. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí để hỗ trợ bà con ngư dân nên các mô hình chuyển đổi nghề chưa được triển khai rộng rãi, tất nhiên hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi.
Ngư dân khai thác ven bờ hầu hết có điều kiện khó khăn, phương tiện nhỏ, chủ yếu mưu sinh bằng nghề te (đẩy ruốc, đẩy cá cơm), nghề lưới, lú... trong vùng biển gần bờ làm ảnh hưởng đến NLTS. Vì thế, muốn bảo vệ NLTS, tất yếu cần phải chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân đánh bắt thuỷ sản gần bờ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi cần nguồn kinh phí rất lớn.
Lú bát quái là ngư cụ khai thác thuỷ sản bị cấm hoạt động tại các vùng nước tự nhiên thuộc cửa sông, vùng nước nội địa và vùng biển ven bờ. (Ảnh chụp tại vàm Kênh Mới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).
“Theo dự kiến nguồn lực, toàn tỉnh cần khoảng 100 tỷ đồng nhưng vẫn chưa tìm được nguồn. Mới đây Chính phủ đã có đề án chuyển đổi nghề và giao cho các bộ, ngành ban hành các chính sách nhưng đến nay chưa có chính sách cụ thể. Hiện Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh, sắp tới sẽ cho thí điểm chuyển đổi một số nghề, tuy nhiên cũng chỉ theo hình thức lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh NLTS, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2739/QÐ-UBND, ngày 11/11/2022 phê duyệt Kế hoạch Phát triển khai thác thuỷ sản hiệu quả và bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2025 giảm 10% hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản vùng khơi; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thực hiện giám sát 100% sản lượng thuỷ sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu; 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Phấn đấu đến năm 2030, tàu cá sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm đạt 50%. Có ít nhất 2 chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá hoặc mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Chấm dứt nghề khai thác thuỷ sản huỷ diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biển. 100% thuyền trưởng tàu cá vùng khơi được tập huấn định kỳ các quy định trong nước và quốc tế về khai thác thuỷ sản; 60% lao động khai thác thuỷ sản được hướng dẫn các kỹ năng, quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn trên biển... Ðiều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản phù hợp với NLTS. Tổ chức, sắp xếp lại tàu cá khai thác thuỷ sản vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch. Chuyển đổi các nghề khai thác thuỷ sản xâm hại, ảnh hưởng đến nguồn lợi sang lĩnh vực khác, để từng bước cân bằng cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi, tái tạo NLTS. Nghiên cứu, ứng dụng; thiết kế, sản xuất ngư cụ, phương pháp khai thác tiên tiến, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm...
Tổ chức hoạt động khai thác thuỷ sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp, không vi phạm vùng biển các nước. Ðiều này không chỉ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển mà còn góp phần tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, nhất là an toàn cho ngư dân ven biển.
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết: “Hiện nay, trên vùng biển tỉnh có 3 khu vực cấm khai thác theo mùa. Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch khu bảo tồn biển với diện tích 27.000 ha tại khu vực Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc. Hiện Sở NN&PTNT đang xây dựng dự án về bảo tồn tại những khu vực này cũng như triển khai công tác tuần tra, kiểm soát...”.
Nguyễn Phú