Mạnh về biển, giàu lên từ biển, không chỉ là khát vọng của những ngư dân qua bao đời gắn với trùng khơi, mà cả niềm trăn trở của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà, nhằm tìm ra hướng khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển.
- Vững tin vì ngày mai phát triển
- Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Rạng ngời hải đảo cuối trời Nam
Khai thác thế mạnh của biển
Cà Mau là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km. Trên biển có 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc. Cụm đảo Hòn Khoai có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm giữa vùng biển Ðông và vịnh Thái Lan, gần đường hàng hải quốc tế, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành, lĩnh vực như: khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, khoáng sản, du lịch, dịch vụ và phát triển năng lượng tái tạo.
Với đội tàu khai thác xa bờ trên 4 ngàn chiếc, sản lượng khai thác bình quân hằng năm khoảng 250 ngàn tấn. Ðánh bắt là lĩnh vực rất quan trọng, chiếm khoảng 43% sản lượng thuỷ sản và hơn 40% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh.
Tàu về cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: HUỲNH LÂM
Mùa mực ở biển Tây Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM
Ngoài khai thác, vùng biển Cà Mau có điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho phát triển nghề nuôi trồng thuỷ hải sản như: hàu, sò huyết, cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng...
Ông Nguyễn Văn Thúc, Chủ tịch Hội Thuỷ sản thị trấn Sông Ðốc, cho biết, hiện nay, các hộ dân sinh sống trên đảo Hòn Chuối đã đầu tư 75 bè, 262 lồng, nuôi 48 ngàn con cá bớp; sản lượng thu hoạch hằng năm đạt khoảng 500 tấn. Ngoài nuôi cá bớp, nghề nuôi nghêu, nuôi hàu ở các huyện: Ðầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển cũng mang lại nguồn thu nhập cao, nhờ đó, đời sống ngư dân ngày càng khấm khá hơn.
Nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản tạo việc làm trực tiếp cho 350 ngàn lao động trong tỉnh.
Trong bối cảnh nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, việc chuyển sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại mang tính cấp thiết. Ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh, cho biết, thực hiện chủ trương giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng ven biển, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu mỗi năm từ 4-5%, tỉnh đang tiến hành quy hoạch và thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Vấn đề cấp thiết của ngành thuỷ sản hiện nay là khai thác phải đi đôi với tái tạo và bảo vệ, để thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban Liên minh châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU).
Theo ông Sĩ, đặt hạn ngạch, giảm cường lực khai thác thuỷ sản là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch tổng thể 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh đang tập trung các nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương như: quản lý vùng bờ; phát triển kinh tế biển, ven biển; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ðầu tư để phát triển
Biển và đại dương đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hợp tác quốc tế. Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên, thời gian qua, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản, ngành dầu khí, năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo là một trong những điểm sáng của ngành công nghiệp tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt, với tổng công suất 1.000 MW. Trong đó, có 14 dự án với tổng công suất 800 MW được cấp chủ trương đầu tư, hiện đang triển khai thực hiện (đã vận hành thương mại 4 dự án, tổng công suất 145 MW, sản lượng điện gió năm 2023 ước đạt 209,26 triệu kWh).
Không thể vui hơn, trong những ngày cuối năm, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu Kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Ðốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nghề nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển.
Chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm sau khai thác.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của ngành thuỷ sản là quản lý khai thác phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thuỷ sản theo từng ngư trường. Giảm dần cường lực khai thác ven bờ, chuyển đổi các nghề khai thác mang tính sát hại nguồn lợi, tiến tới chấm dứt các nghề sát hại nguồn lợi thuỷ sản và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ðồng thời, tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Tham mưu triển khai thực hiện nhiều dự án, mô hình, hướng đến việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản như: thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; thả rạn nhân tạo; thành lập khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản... phù hợp với chủ trương và định hướng chung của ngành.
Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng kỹ thuật, khoa học - công nghệ và nguồn lực để phát triển ngành kinh tế biển còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển. Cơ cấu ngành nghề khai thác thuỷ sản chưa hợp lý, phương tiện khai thác thuỷ sản ven bờ còn nhiều, chưa có giải pháp chuyển đổi hiệu quả. Chưa đầu tư được tuyến đường bộ ven biển, do đó chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như thu hút đầu tư… Ðây là những trở lực, điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế biển Cà Mau thời gian qua. Những khó khăn này được Ðảng bộ, chính quyền, người dân nhận diện và đề ra nhiều giải pháp đột phá cho phát triển trong thời gian tới./.
Trung Đỉnh