(CMO) Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003, của Bộ Chính trị khoá IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL thời kỳ 2001-2010 (NQ 21) và Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14/8/2012, của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL thời kỳ 2011-2020 (Kết luận số 28) đã tạo ra những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm an ninh, quốc phòng của khu vực.
17 năm thực hiện NQ21 cũng là chặng đường mà tỉnh Cà Mau đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện, khẳng định vững chắc vị thế là 1 trong 4 tỉnh, thành động lực thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ÐBSCL. Kinh tế địa phương có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; quy mô nền kinh tế tăng; GRDP năm 2009 tăng gấp 2,36 lần năm 2002 và năm 2020 tăng gấp 1,58 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,6 triệu đồng, gấp 2,44 lần so với năm 2010, gấp 7,97 lần so năm 2002.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng NTM. Ðến năm 2020, bình quân đạt 15,7 tiêu chí/xã (tăng bình quân 12,2 tiêu chí so với năm 2010); có 43/82 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 52% tổng số xã toàn tỉnh) và TP Cà Mau được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.
Lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp đạt nhiều kết quả, GRDP khu vực này theo giá hiện hành đạt 20.746 tỷ đồng năm 2020, tăng gấp 4,7 lần năm 2002. Công nghiệp tăng về giá trị sản xuất và đa dạng sản phẩm, ngoài cụm công nghiệp khí - điện - đạm với 2 nhà máy điện, 1 nhà máy đạm, 1 nhà máy khí hoá lỏng, có 40 nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu, công suất trên 250.000 tấn/năm, tăng 4,7 lần so năm 2002. Ngoài ra, còn có các nhà máy chế biến gạo, chuối, gỗ... Tỉnh Cà Mau hiện đã có 51 sản phẩm OCOP thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 490/QÐ-TTg.
Khu vực dịch vụ phát triển nhanh, nhất là thương mại, xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hơn 1.000 triệu USD, tăng gấp 3,3 lần năm 2002; lượng khách du lịch hàng năm đều tăng, năm 2020 có 1,4 triệu lượt khách, tăng bình quân 4,4%/năm. Các ngành dịch vụ khác như vận tải, viễn thông, ngân hàng phát triển tốt. Quy mô thu ngân sách ngày càng tăng, đến năm 2020, thu hơn 6.300 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2010, 16,4 lần so năm 2002.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 đạt hơn 16.850 tỷ đồng, gấp 8,66 lần so với năm 2002 (1.946 tỷ đồng).
Ðã sắp xếp hoàn thành doanh nghiệp Nhà nước; sau sắp xếp, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có sự chuyển biến tốt, tự chủ về tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập của người lao động được tăng lên. Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh; đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 4.300 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn gần 47.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư có sự chuyển biến tích cực; giai đoạn 2016-2020 thu hút 196 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư hơn 52.600 tỷ đồng. Ðến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 381 dự án còn hiệu lực, với vốn đăng ký gần 126.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực công nghiệp của Cà Mau phát triển về quy mô, phong phú về sản phẩm, tạo sức hút các doanh nghiệp về đầu tư. (Trong ảnh: Doanh nghiệp thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng hoạt động tại Khu công nghiệp Khánh An, U Minh). |
Kinh tế hợp tác tiếp tục phát triển, đến nay toàn tỉnh hiện có 230 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động với 4.560 thành viên, tạo việc làm cho 5.700 lao động thường xuyên và lao động thời vụ. Doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 1 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động trong HTX đạt 50 triệu đồng/năm, tăng 46% so với giai đoạn 2010-2015.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Ðến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 306/508 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 60,24%; tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Tuổi thọ trung bình năm 2020 đạt 74,92 tuổi (năm 2002 là 67,83 tuổi). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt mức cao hơn so với mức trung bình cả nước, năm 2020 đạt hơn 92% dân số (cả nước khoảng hơn 90%), so với năm 2002 là 45%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ năm 2020 đạt 25% (năm 2002 là 11%).
Ðời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, hạ tầng nông thôn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã có nhiều thay đổi. Các tôn giáo hoạt động đúng hiến chương và đường hướng hành đạo, chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp quan tâm, coi trọng và có sự chuyển biến tốt; nhất là, nhận thức cao ở các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh về bảo vệ môi trường và chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau 17 năm, kết cấu hạ tầng của tỉnh đã có sự đột phá, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng giáo dục, hạ tầng y tế... làm thay đổi diện mạo của tỉnh và là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Công tác chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị từng bước được đầu tư, hoàn thiện; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư 3 đô thị động lực của tỉnh (TP Cà Mau, thị trấn Sông Ðốc, thị trấn Năm Căn). Công tác bố trí, sắp xếp dân cư được quan tâm nhất là công tác sắp xếp, bố trí dân cư khu vực ven biển để đảm bảo điều kiện sinh sống, sản xuất kinh doanh của người dân.
Việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực đạt được những kết quả quan trọng; ưu tiên tập trung cho các ngành, lĩnh vực quan trọng nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh. Tính liên kết về phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ÐBSCL từng bước được hình thành; đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng Ðông Nam Bộ, với TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và các đơn vị, địa phương theo các nội dung đã ký kết nhằm huy động các nguồn lực khai thác tốt các lợi thế so sánh của tỉnh.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Công tác chỉnh đốn, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Tình hình tư tưởng, chính trị trong Ðảng bộ ổn định, đoàn kết nhất trí nội bộ, sự đồng thuận xã hội được nâng cao. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu, rộng trong hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến về ý thức việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Ðể khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, Cà Mau đang tích cực kiến nghị những vấn đề về cơ chế, chính sách phát triển vùng ÐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Năm 2017, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của khu vực trong chiến lược phát triển đất nước, mục tiêu đến năm 2050 và tầm nhìn đến năm 2100. Nghị quyết 120 hay còn được gọi là nghị quyết "thuận thiên" sẽ là đòn bẩy quan trọng để khu vực ÐBSCL, trong đó có Cà Mau, sẽ viết tiếp khát vọng “hoá rồng” với những cơ sở khoa học, thực tiễn và sự hội tụ của “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”./.
Phạm Quốc Rin