ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 23-5-25 10:33:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vịt không lạc đàn

Báo Cà Mau Đi làm, đạp xe đến đầu xóm, trời đã nhọ mặt người, Khang tự trách mình không cứng rắn trước mấy lời nói khích của bạn bè, anh phải vào với chúng làm mấy cốc bia hơi với mấy cái bánh đa chấm tương ớt. Về muộn thế này chắc vợ lại cằn nhằn: chỉ biết nhàn cái thân. Vợ anh hay nói thế, việc ở nhà ngập đến đầu một mình làm mờ cả mắt. Nhiều hôm, nghe vợ chì chiết, anh nổi nóng vặc lại...

Đi làm, đạp xe đến đầu xóm, trời đã nhọ mặt người, Khang tự trách mình không cứng rắn trước mấy lời nói khích của bạn bè, anh phải vào với chúng làm mấy cốc bia hơi với mấy cái bánh đa chấm tương ớt. Về muộn thế này chắc vợ lại cằn nhằn: chỉ biết nhàn cái thân. Vợ anh hay nói thế, việc ở nhà ngập đến đầu một mình làm mờ cả mắt. Nhiều hôm, nghe vợ chì chiết, anh nổi nóng vặc lại...

Hình như vợ chồng nhà Liên Ðáo cãi nhau.

- Họp với chả hành, không về sớm lùa vịt, mất toi hai con rồi - tếng cô Liên chao chát.

- Sao lại mất? - tiếng Ðáo ngạc nhiên.

- Sao trăng cái gì, con mẹ Thêm lùa hai con vịt của mình nhập đàn của nó rồi cứ thế lùa vào chuồng. Mình đòi thế nào nó cũng không trả.

- Sao không hỏi đàn nó có mấy con, vào tận chuồng mà đếm.

Minh hoạ: Hoàng Vũ

- Dở hơi, thế nó cứ nói khống lên không thừa con nào thì ăn thịt nó à? Các ông chỉ được cái ăn rồi đi họp, rồi báo cáo cho hay, biết gì ở nhà. Nông thôn mới gì mà ăn cắp như rươi, chó ra khỏi cổng mất đằng chó, gà ra khỏi chuồng mất đằng gà, hở cái gì mất cái ấy. Dân người ta kêu như vạc, chỉ có cán bộ là mũ ni che tai, chỉ biết hết tiêu chí này đến tiêu chí nọ.

- Thôi, đủ rồi đấy, mở mồm ra là lại nhiếc móc. Thì mai ra đồng vịt nhà ai lại về nhà ấy, lo gì.

Nghe chồng nói thế, Liên càng ba máu sáu cơn: Ngày mai cấm đồng rồi, cả xóm xuống mạ, ai thả vịt ra họ chặt chân.

Ðáo là bí thư chi bộ xóm, Khang biết cứ lâu lâu vợ chồng Liên Ðáo lại to tiếng những chuyện không đâu.

Khang lẳng lặng đạp xe về nhà. Về muộn thế này chắc ở nhà đã ăn cơm. Nhà anh có lệ ăn sớm cho con Chi còn học bài. Nó đang học lớp 5. Nghe cô Liên chửi vợ mình, anh cay lắm. Không căm tiếng chửi mà anh căm vợ anh, xưa nay có tính táy máy. Hàng xóm hở cái gì là chôm chỉa. Có lần anh phải muối mặt xin lỗi. Anh nghĩ có thể vợ anh lùa vịt của nhà Liên Ðáo thật. Hết đợt nhốt vịt biết đâu hai con vịt nhà Liên đã quen đàn. Anh tính sẽ làm toáng lên một trận cho bõ tức. Nhưng vừa vào đến sân, Khang lại kiềm chế được. Việc gì cũng phải bình tĩnh dò la, không thể hồ đồ.

Quả nhiên, vợ con Khang đã ăn cơm. Thêm đã ôm thằng cu Tít 3 tuổi nằm trong buồng. Con Chi đang ngồi ở bàn học, một mình một đèn bàn. Khang thấy trong nhà anh có một không khí lạ lắm. Thằng cu Tít đi ngủ sớm không nhào ra chào bố, vợ anh không nói gì khi biết anh đã về mặc dầu anh cố vui vẻ, reo lên: “Bố về rồi Tít ơi!”.

- Ăn cơm rồi hả con? Khang hỏi con gái.

- Cả nhà ăn rồi, bố ạ! Con gái anh trả lời. Thức ăn phần bố vẫn ở trong xoong, lúc nào ăn hâm lại cho nóng bố ạ.

- Bố biết rồi. Con cứ học đi. Bố tắm qua cái đã.

- Chắc bố lại uống rượu, con gái Khang đoán chừng. Con biết ngay mà…

Khang có thói quen hay cho bầy vịt của nhà anh ăn dặm về đêm. Thực ra xóm anh ,họ chỉ nuôi vịt cải thiện thôi, mỗi nhà chục con là nhiều. Vừa ăn thịt, vừa ăn trứng chứ chưa nhà nào có vịt đàn kiểu kinh doanh.

Anh bật đèn chuồng vịt, cầm thêm cái đèn pin nạp điện, xúc thóc đổ vào máng. Anh không tin vào mắt mình. Quả thật khi nghe tiếng thóc rơi rào rào trong máng, bầy vịt quen ăn ùa tới. Trong góc đối diện, Khang thấy hai con vịt đang tìm cách chạy trốn khỏi ánh đèn pin. Anh giận sôi người lên. Rành rành là hai con vịt lạ. Hai con vịt nhà Liên Ðáo. Khang xách đèn xộc vào buồng.

- Này!

- Cái gì thế?

- Cho mượn một trăm. Cũng không biết lý do tại sao, tự dưng Khang lại xoay ngược hẳn tình thế như vậy. Lên nhà Nụ kiếm cái gì lai rai, mai nghỉ một ngày.

- Có sẵn ở góc chạn ấy, ông nỡm ạ. Uống lắm vào lại làm khổ người ta. Câu nói của vợ như một làn gió mát thấm qua người Khang, anh ít khi thấy vợ mềm mỏng với mình. Quả thật ở góc chạn, Khang nhìn thấy một chai trong vắt như mắt mèo. Lạ nhỉ, hôm nay “hắn ta” bỗng dưng lại có ý chiều mình?

Trước khi ăn cơm, Khang lại vục thêm một ca thóc nữa mang ra chuồng vịt. Một ý nghĩ loé lên trong óc Khang. Anh nhẹ nhàng đem theo một đoạn tre. Anh cố ý nâng cao ca thóc cho tiếng rơi của nó rào rào xuống máng to hơn. Bầy vịt quen ăn, háo hức chen nhau xúc xào xạo nghe vui tai. Anh nhìn thấy vẫn hai con vịt lạ táo tác chạy trốn phía bên kia tường. Anh nhẹ nhàng mở cửa chuồng vịt, dùng sào tre đẩy nhẹ hai con vịt về phía cửa. Anh rọi đèn vào chiếc cửa trống. Hai con vịt lạ cứ thế lẳng lặng chui ra ngoài. Anh liền đóng cửa lại. Soi một lúc thấy bầy vịt của anh ngắc ngư đi tìm nước. Anh cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm.

Anh ngước lên nhìn trời, đêm trăng, trời trong veo. Anh nghĩ lũ vịt khôn lắm, bao giờ nó cũng tìm đường ra cánh đồng. Sáng trăng thế này chắc nó nhớ đường về nhập đàn.

Khang vào phòng nói với con gái ra ăn thêm cơm, con cá rán còn nóng hổi. Con bé khẽ vẫy tay ra điều bí mật. Anh đến bên bàn học. Trước mặt nó là một tờ giấy trắng. Nó viết: “Bố ơi, mẹ ăn cắp vịt của cô Liên”.

Anh tỏ vẻ ngạc nhiên, cầm bút viết dưới dòng chữ của nó: “Ai bảo con thế?”.

- Con nhìn thấy mà.

- Không phải đâu, con nhầm đấy.

- Mẹ bảo con đừng nói với bố.

- Vậy à.

- Sao bố lại bênh mẹ?

Anh bước ra khỏi phòng học trước con mắt ngơ ngác của con.

Khang bình tĩnh rót rượu ra uống nhâm nhi như không có chuyện gì xảy ra. Bỗng chiếc điện thoại của anh đổ chuông.

- Tôi nghe đây, ai gọi đó? Cô Liên hả?

- Cho em gặp chị Thêm - tiếng của cô Liên.

- Cứ nói đi, tôi nói lại cho.

-Không, chuyện của đàn bà, không dính dáng gì đến các ông.

Khang gọi:

- Thêm ơi! Cô Liên gọi cho em này.

- Anh nghe được rồi, sao phải gọi đến tôi.

- Cô ấy nói chuyện của đàn bà. Này nghe đi.

Vợ Khang cầm điện thoại:

- Tôi nghe đây, có gì không?

- Em xin lỗi chị!

- Cái gì? Xin lỗi cái gì. Hả?... Vậy là hai con vịt của cô mới về hả. Chứ không phải tôi bắt vịt của cô à?

- Em nói rồi, em xin lỗi chị. Chắc chiều nay nó lạc ở đâu, tối nhớ đàn nó về.

Vợ Khang tắt máy. Chị đưa điện thoại cho anh, anh cảm thấy tay chị run run. Anh đoán chắc chị ngạc nhiên không biết chuyện gì đã xảy ra.

Con gái anh bước ra khỏi phòng học, theo dõi mọi chuyện từ lúc chiếc điện thoại đổ chuông. Nó đứng thảng thốt như trời trồng rồi lẳng lặng quay vào bàn học.

Khang bình thản uống tiếp thêm vài ngụm nữa. Anh để ý hình như đến lúc ấy con gái anh mới làm được bài kiểm tra cô giáo cho về nhà…

Truyện ngắn của Lê Thế Thành

Phượng đỏ trong miền ký ức

Tháng 5, trời bắt đầu khoác sắc áo của mùa hè. Nắng vàng đổ lửa, rọi qua từng con phố, từng mái hiên, từng vạt đồng mênh mang gió thổi. Ấy là lúc những chùm hoa phượng bắt đầu rực đỏ, reo vui trong tiếng ve râm ran trên từng cành lá. Hoa phượng - loài hoa học trò, loài hoa đánh thức bao miền ký ức, đã về như lời hẹn cũ của thời gian, gợi mở bao điều thân thương trong lòng người.

Ðồng hành cùng sự phát triển quê hương

Tại tỉnh Cà Mau, Phật giáo hiện là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất, với 5 hệ phái chính: Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông Khmer, Phật giáo Hoa tông, Khất sĩ và Thiền phái Trúc lâm. Toàn tỉnh hiện có 53 cơ sở tự viện, 259 tăng ni và trên 300 ngàn tín đồ. Với phương châm: “Ðạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào công tác an sinh xã hội, góp phần cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Nhân Ðại lễ Phật đản (Ðại lễ Vesak) năm 2025 - sự kiện trọng đại của GHPGVN, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 4 cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội và hoạt động Phật sự.

Phật giáo Cà Mau hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp

Bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động theo quy định của Nhà nước, pháp luật, theo sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), trong những năm qua, GHPGVN tỉnh Cà Mau đã cùng Nhân dân trong toàn tỉnh giữ vững và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các hoạt động, đóng góp trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới quê hương.

Bí ẩn rắn hổ mây khổng lồ

Nhắc đến rừng tràm U Minh Hạ, gợi nhớ trong suy nghĩ của mọi người về vùng đất kỳ bí “rừng thiêng nước độc” với bao câu chuyện kể có sức hút lạ kỳ về thảm động, thực vật độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi đây. Ðặc biệt, chuyện về loài rắn hổ mây khổng lồ sinh sống tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Yêu xứ mù sương

Tác giả Nguyễn Văn Sự sinh năm 1970, sống tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, hiện anh sinh hoạt tại Chi hội Nhiếp ảnh Lào Cai. Ngoài công việc chính là kinh doanh thương mại và du lịch, những lúc rảnh rỗi, anh lại tranh thủ đi sáng tác.

Truyền tình yêu lịch sử cho tuổi trẻ

"Ðịa đạo: Mặt trời trong bóng tối" là bộ phim của Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam. Không phải làm phim tài liệu tái hiện giai đoạn lịch sử chỉ dành cho thế hệ trước, mà bộ phim được công chiếu tại tất cả hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc như cách quảng bá, tuyên truyền và giáo dục giới trẻ về lịch sử.

Fan hâm mộ Cà Mau gặp gỡ diễn viên Lý Hải cùng ê kíp làm phim Lật Mặt 8 

Chiều nay (8/5), ê kíp đoàn phim Lật mặt 8 "Vòng tay nắng" có mặt tại Cà Mau để giao lưu cùng khán giả.

Ấn tượng không gian trưng bày sách, ảnh tư liệu chào mừng 50 năm ngày thống nhất

Diễn ra từ ngày 26/4-4/5, tại khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, không gian trưng bày giới thiệu sách, các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ; Chiến dịch Hồ Chí Minh và đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử; hành trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ... thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan.

Một lần gặp Bác Ba Phi

Đã hơn 6 thập kỷ trôi qua kể từ ngày ông Trịnh Thành Thân đóng quân ở vùng Lung Tràm, được gặp bác Ba Phi. Thế nhưng, khi nhắc lại kỷ niệm này, trong ánh mắt và giọng nói của người cựu chiến binh tuổi ngấp nghé 80 này vẫn bộc lộ niềm vui xen lẫn tự hào. Có lẽ, bởi những câu chuyện “nói dóc tỉnh bơ” của bác Ba Phi không chỉ mang lại tiếng cười, mà còn là ký ức đẹp về vùng đất Cà Mau một thời trù phú...

Dấu ấn Việt Nam tại triển lãm “Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á 2025”

Cuộc triển lãm “Asian Art Century - Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á” lần thứ I năm 2025, diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan, là một sân chơi nghệ thuật tầm cỡ, nơi hội tụ những sáng tạo đương đại đặc sắc của các hoạ sĩ đến từ khắp nơi trong khu vực. Với tinh thần giao lưu, hội nhập, các hoạ sĩ Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ mỹ thuật quốc tế.