ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 6-2-25 19:19:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vòng luẩn quẩn của du lịch Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Cà Mau là địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, có những thế mạnh mà không nơi đâu sánh được. Tuy nhiên, thực trạng du lịch lại đặt ra nhiều vấn đề trăn trở.

Quản lý du lịch như thế nào cho hiệu quả? Ai trực tiếp làm du lịch? Ai được hưởng lợi từ du lịch? Và làm du lịch theo mô hình nào mới phù hợp?… vẫn khiến những người trong cuộc loay hoay mà chưa có lời giải đáp thoả đáng. Rõ ràng, muốn phát triển du lịch Cà Mau thì không thể tồn tại tư duy “mạnh ai nấy làm”, thiếu kết nối, chiến lược bài bản.

Bài 1: Một phút huy hoàng… rồi chợt tắt

Cách đây độ 15 năm, Cà Mau bất chợt nổi tiếng với những danh thắng du lịch mà kể cả người trong tỉnh cũng phải tò mò: Khai Long, Hòn Đá Bạc. Nhớ khi ấy, giao thông còn quá cách trở, chủ yếu đi đường thuỷ mất mấy giờ đồng hồ, vậy mà khách tới ùn ùn, đầy háo hức. Để rồi sau đó, ai ai cũng ngẩn người ra về với ít nhiều thất vọng. Tại Hòn Đá Bạc, có lúc khách đông quá, cây cầu bắc từ đất liền ra hòn bị gãy, nhiều du khách rơi xuống biển, rất may là không để lại hậu quả gì lớn.

Nói như vậy để thấy rằng, căn bệnh tự phát là nỗi niềm chung của du lịch Cà Mau nhiều năm qua. Mọi thứ chưa được chuẩn bị đầy đủ, bài bản cả về tâm thế lẫn nhân lực, tài lực. Dễ hiểu vì sao du khách lại rơi vào cái cảm giác “cả thèm, chóng chán”, còn với các địa điểm du lịch thì đúng như câu thơ của thi sĩ nọ: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”.

Câu cá là dịch vụ hiếm hoi được phục vụ tại Hòn Đá Bạc.

Lay lắt tồn tại

Có lẽ cái thời “hoàng kim” của Hòn Đá Bạc đã thực sự qua rồi. Đá Bạc nổi tiếng vì có cụm hòn sát kề đất liền, lại là di tích lịch sử quốc gia "Chuyên án CM-12" nức tiếng xa gần. Biển xanh, cảnh trí ngoạn mục, nơi đây rõ ràng đầy đủ nội lực để vươn lên thành hàng sao trong bản đồ du lịch tỉnh nhà. Cũng phải nói thêm rằng, Đá Bạc là chặng cuối của tuyến du lịch hệ sinh thái ngập ngọt tuyến Cà Mau - U Minh Hạ - Trần Văn Thời, mà chỉ cần nghe tên thôi người ta cũng đảm bảo cho một sức hút cực lớn. Thế nhưng hơn 10 năm qua, Đá Bạc đang tồn tại và làm du lịch trong tình trạng lay lắt. Lay lắt theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Như đã biết, trước đây Đá Bạc được một công ty tư nhân (Công ty TNHH Thương Mại - Du lịch Minh Nhật) với sự đồng ý của UBND tỉnh đầu tư làm du lịch. Sau đó, Bộ Công an tiếp nhận và quản lý cho đến nay. Theo nguồn tin riêng của phóng viên, hiện tại dù là danh nghĩa quản lý của Bộ Công an, song thực chất, Đá Bạc đã được cho thuê lại để làm dịch vụ du lịch. Hiện tại, việc bán vé vào cổng đã tạm dừng. Khách đến tham quan chỉ tốn phí gởi xe, đi xe điện và các dịch vụ ăn uống, chụp ảnh, câu cá. Anh Nguyễn Văn Phương cùng gia đình từ Sóc Trăng xuống, cho biết: “Nghe nói Đá Bạc từ lâu, bữa nay đi cho biết. Nói chung cảnh cũng đẹp, nhưng sao không thấy dịch vụ du lịch gì hết”.

Chị Lê Thị My, người TP. Cà Mau, thắc mắc: “Sao chỗ đẹp vậy mà chưa đầu tư gì hết. Còn phía trước cổng của khu thì nhà cửa nhếch nhác, ô nhiễm quá trời. Kiểu này người ta tới một lần cho biết thôi chớ mong gì trở lại nữa”. Ghé hỏi thăm quán nước duy nhất trên hòn, chúng tôi cũng thấy hụt hẫng. Nhân viên trả lời hững hờ: “Mấy anh nhà báo hả, tụi tôi nhân viên, không biết gì hết. Còn buôn bán thì lai rai, lễ, Tết thì đông hơn bình thường”. Chắc rằng các nhân viên này đã được chủ căn dặn kỹ khi có người hỏi thông tin. Cũng không hiểu quản lý, phát huy như thế nào mà đường dẫn vào cổng mưa thì ngập, cầu dẫn một bên sụt lún nghiêm trọng, các hạng mục xuống cấp cũng hầu như không thấy chỉnh trang, sửa chữa.

Từng đi nhiều nơi, chị Lâm Thị Mộng Bình, du khách từ TP. Cà Mau, nhận xét: “Cảnh quan ở đây đẹp lắm. Có điều chỗ này khách vô xả rác mà hình như không có người thu gom. Với lại mấy con rồng, mô hình động vật xây dựng chẳng ăn nhập gì với cảnh trí, thấy kỳ kỳ”. Hỏi thăm mấy anh ở UBND xã Khánh Bình Tây thì các vị có chức trách cũng không mấy mặn mà vì lý do “của Bộ quản lý nên địa phương không có thông tin nhiều”. Hàng quán ăn theo khu du lịch cứ mọc lên theo kiểu tự phát và chẳng có quy hoạch, sắp xếp gì. Chính những người buôn bán cũng lâm vào cảnh chán nản khi được hỏi: “Khách tới năm sau ít hơn năm trước, bán ế quá tụi con ơi”.

Khi được giao về dưới sự quản lý của Bộ Công an, di tích Hòn Đá Bạc được kỳ vọng sẽ trở thành địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh, khu du lịch nức tiếng xa gần. Thế nhưng, sau thời gian chuyển giao, tình cảnh lay lắt hiện tại khiến người ta tiếc nuối về thời kỳ hoàng kim mà Đá Bạc đã từng có. Cùng với những nút thắt về giao thông, về sự yếu và thiếu của hạ tầng, nhân lực du lịch, sức hút của Đá Bạc ngày càng giảm. Nếu không có sự thay đổi, chẳng bao lâu nữa nơi đây liệu còn ai tìm đến.

Thiếu dịch vụ, nhân lực du lịch nên lượng khách đến với Đá Bạc ngày càng thưa vắng.

Loay hoay lựa chọn mô hình

Từng tham quan và tìm hiểu các mô hình du lịch tại Cà Mau, chúng tôi xin chia sẻ với những cá nhân, tổ chức tâm huyết với du lịch. Họ luôn nỗ lực vực dậy một thế mạnh kinh tế đầy hứa hẹn của tỉnh nhà, nhưng khi va vấp với thực tế, nhiều mô hình du lịch do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nên rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Có người vẫn đang rất hăng hái, có người bắt đầu hoài nghi, nhưng điều đáng quý nhất là họ vẫn bám trụ, quyết tìm ra con đường sống cho du lịch Cà Mau.

Gặp Bác sĩ Trần Thế Hùng, câu đầu tiên chúng tôi hỏi là: “Khu du lịch sinh thái Quốc tế làm ăn ổn không?”. Ai cũng biết, quy mô và kỳ vọng của ông Hùng là rất lớn khi xây dựng những khu nghỉ dưỡng, hầm rượu, quầy bar phục vụ chuyên nghiệp, song ý tưởng đó nhanh chóng thất bại. Ông Hùng quay sang hướng mới: Trở về với những gì dân dã, quen thuộc và phù hợp với mức sống của người Cà Mau. Sau thời gian khó khăn, Khu du lịch Quốc tế đang dần lấy lại sức sống với khu ẩm thực Nam Bộ, khu trò chơi dân gian, làng bác Ba Phi… Ông Hùng nói: “Nếu không yêu du lịch, vì du lịch chắc tôi đã bỏ cuộc”. Với vị bác sĩ này, du lịch Cà Mau là miền đất hứa, xứng đáng để đầu tư và mạo hiểm.

Cách đây độ 3 năm, chúng tôi về Khánh Bình Tây Bắc gặp gỡ anh em Điền - Khanh (Phạm Thanh Điền và Phạm Duy Khanh) tại Khu du lịch Mười Ngọt. Nghe Hai Điền nói về những dự định, ước ao và cách làm du lịch ai tin anh nông dân này học chưa hết cấp 2. Nhưng dần dà, những khó khăn từ nhiều phía khiến khu Mười Ngọt gặp không ít thách thức. Do đầu tư còn hạn chế, nhiều hạng mục phục vụ của khu Mười Ngọt bắt đầu xuống cấp và cần chỉnh trang, trong khi đó nguồn lực của gia đình có hạn. Chưa kể, việc kết nối tour, tuyến với các địa điểm du lịch khác gặp khó khăn, lượng khách phụ thuộc chủ yếu là khách quen hoặc các công ty du lịch lữ hành nên không đều. Chính anh Điền cũng thừa nhận: “Mình phục vụ cũng theo cung cách cây nhà lá vườn thôi. Nhiều khách đòi hỏi thêm cũng khó, vì mình đâu có được đào tạo bài bản”.

Giống với mô hình homestay ở khu Mười Ngọt, các hộ du lịch cộng đồng tại ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi cũng cho thấy những hiệu ứng tích cực khi đi vào hoạt động. Lượng khách đến với khu ngày càng đông, nhất là ở các hộ ông Trần Văn Hướng và Nguyễn Văn Nhuần. Điều tiếc nuối là cũng chỉ có 2 hộ này thực hiện được các hoạt động du lịch theo đúng chất homestay như bắt cua, mò sò, đi tham quan bãi bồi, đờn ca tài tử…, những hộ còn lại chủ yếu là mô hình ăn uống. Ông Nhuần từng nhiều lần trăn trở: “Trong này chưa có đường lộ vô. Khách ngoài khu Đất Mũi cũng chưa kết nối với trong này nhiều, chủ yếu là do mình tự tạo mối quan hệ nên cũng khó lắm”.

Sự hỗ trợ của ngành du lịch, của địa phương cho các cá nhân, tổ chức làm du lịch là có, tuy nhiên, cũng khẳng định là chưa đủ. Đứng trước những khó khăn, vai trò của cơ quan quản lý chuyên trách là hết sức quan trọng, đừng để người dân tự bơi và mất niềm tin khi đổ biết bao tâm huyết, tiền bạc vào du lịch. Còn một điều khác đáng trăn trở hơn, đó là ở Cà Mau, bao nhiêu hộ dân được hưởng lợi từ du lịch. Tại các khu, tuyến du lịch, do quy hoạch hời hợt, kết nối lỏng lẻo, nên ai làm được gì thì làm, mỗi người hát một giọng nên rất khó để đánh giá những tác động tích cực mà du lịch mang lại cho cộng đồng.
Còn một thực trạng khác nữa, đó là kiểu “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào”, cứ lâu lâu Cà Mau lại trình làng một điểm du lịch, một khu du lịch nào đó được đồn thổi rất hoành tráng. Nhiều bận tò mò, chúng tôi đến nơi, một vườn trái cây nho nhỏ, mấy chảo bánh xèo, ít rượu đế với bữa đờn ca tài tử… nói chung là hay với những người chưa bao giờ biết đến, còn với những ai đã quen rồi thì khó lòng thuyết phục. Rõ ràng, mục tiêu nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch, xã hội hưởng lợi từ du lịch là một mục tiêu hấp dẫn, nhưng đâu phải làm du lịch thế nào cũng được. Tư duy ngây thơ ấy sớm muộn rồi cũng có kết cuộc “đầu voi, đuôi chuột” và khiến niềm tin khi đầu tư vào du lịch ngày càng bị thui chột./.

Bài 2: Gợi mở hướng đi cho du lịch Cà Mau

Phạm Hải Nguyên

Liên kết hữu ích

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.