ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 24-9-24 23:28:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vọng mãi tiếng đờn, lời ca

Báo Cà Mau (CMO) Du khách phương xa có dịp đến Cà Mau, sau khi đã thoả sức tham quan từng ngõ ngách để cảm nhận hết vẻ đẹp của miền đất cuối trời, thưởng thức các món ăn dân dã địa phương rồi ấm nồng trong từng ánh mắt "dễ thương vô cùng", mà không được nghe vài câu vọng cổ, bài bản cải lương thì coi như hành trang khi trở về sẽ thiếu phần thi vị. Bởi từ lâu, đờn ca tài tử ví như một loại "đặc sản tinh thần" không thể thiếu của người dân nơi đây. Qua những thăng trầm, tài tử đờn ca được nhiều thế hệ truyền tay nhau nâng niu gìn giữ, vì thế mà ngày càng lắng sâu, tình tự.

Thương về một thời tài tử thật đẹp!

"Không đi sâu vào chiết tự nhưng nghe hai tiếng "tài tử" đã phần nào giải nghĩa bao trùm rằng người trót mê "môn" chơi này ít nhiều đều mang tâm hồn lãng tử và quan trọng hơn hết là phải có tài", vuốt nhẹ mái đầu đã điểm hoa râm, Đệ nhị Danh cầm Trường Giang bắt đầu kể về một thời văn nghệ thật đẹp.

Qua nhiều thăng trầm, đờn ca tài tử vẫn được nhiều thế hệ giữ gìn và phát triển.

Gần nửa thế kỷ gắn bó và có nhiều đóng góp cho loại hình nghệ thuật này, trong dòng nhớ của ông vẫn không phai hình ảnh những sòng đờn ca của cha chú mình. Mà tài tử ngày xưa đã chơi là sang trọng lắm nghen, ai nghèo cỡ nào nhà cũng phải có một bộ đồ đẹp, nam thì quần tây áo sơ mi trắng, tóc chải thẳng nếp, còn nữ mặc áo bà ba rất lịch sự. Khi ấy mỗi cuộc chơi gọi là sòng đờn ca, được tổ chức mang tính chất giải trí "cây nhà lá vườn" vui là chính, vào các dịp đám tiệc mời nhau là bạn tài tử thường đến rất đông, nhiều gia đình trải chiếu, đệm giữa nhà hoặc trên bộ ván ngựa đón tiếp, thết đãi như khách quý và đến khi "nâng phím so dây" là ai nấy đều giữ im lặng để thưởng thức từng lời ca chân phương quyện vào tiếng đờn thùng mộc mạc.

Người chơi khi ấy chẳng hề nghĩ đến chuyện được mất về vật chất mà chỉ cốt để có tiếng khen. Thầy đờn hoặc người ca nào nắm chắc 20 bài bản Tổ cũng ví như ông vua một vùng văn nghệ, những bậc thầy này thường tìm và chỉ dạy cho nhiều người ở địa phương mình cùng chơi. Việc học hỏi lẫn nhau luôn được đề cao, miễn có người ca tốt, đờn hay là được trân trọng lắm, thậm chí cách vài chục cây số vẫn sẵn sàng bơi xuồng rước tới chơi. Rồi thường xuyên có những cuộc giao lưu giữa vùng này với vùng khác, hễ ai có đệ tử nhiều, giỏi bài bản nhiều là  hãnh diện rất lớn.

Bẵng đi một thời kỳ nhạc tài tử bị gián đoạn vì thời cuộc thì giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, tại Cà Mau, nhiều sòng đờn ca xuất hiện trở lại bởi các tài tử nông dân. Sau những giờ lao động đồng áng mệt nhọc, những người cùng đam mê ngồi lại với nhau chơi theo lối dân dã khi trên bờ ruộng, lúc dưới xuồng ba lá những đêm trăng sáng... Đầy đủ thì 2-3 cây đờn gồm: Sến, tranh, kìm; Còn thiếu thốn thì 1 cây đờn với nhiều người ca cũng làm nên một chiếu xôm tụ mải mê đến khuya lơ khuya lắc. Những khi trúng mùa hay lễ, tết, đờn ca càng được tổ chức linh đình, kéo từ nhà này sang nhà khác làm cho nghĩa xóm tình làng thêm phần nồng đượm.

Trong những thập niên 70, 80, phong trào này càng phổ biến và phát triển dần lên văn nghệ quần chúng. Vượt qua giới hạn của những buổi sinh hoạt giao lưu, đờn ca còn phục vụ các cuộc liên hoan hay hội họp ở xã, huyện. Lúc này đã định hình được phong cách chơi tài tử sang, quý phái, tất cả đều đến với nhau bằng máu lửa, đam mê...

Những bàn tay nối nhau giữ lửa

Cột mốc CLB Ca nhạc tài tử tỉnh Cà Mau (sau này là CLB Đờn ca tài tử tỉnh) trực thuộc Trung tâm Văn hoá được thành lập năm 1993 với Ban chủ nhiệm là các "cây đa cây đề" như: Nghệ nhân dân gian Lâm Tường Vân (Mười Mây), Nghệ nhân ưu tú Tăng Phát Vinh, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà (Sáu Cấu), Nghệ nhân Song Thao... đã nâng chất loại hình nghệ thuật lên một tầm cao mới, sinh hoạt có tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để các tài tử đờn, ca khắp nơi trong tỉnh đến gặp gỡ, giao lưu và trau dồi, học hỏi một cách bài bản hơn. Từ bước đệm đẹp này, 5 năm sau đó, CLB Thể nghiệm Đờn ca tài tử do Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh ra mắt đã nhanh chóng tạo được một làn gió mới, xây dựng 2 đội cố định chuyên tập luyện để tham gia các cuộc thi, liên hoan đờn ca tài tử cấp khu vực, toàn quốc và mang về cho tỉnh nhà hàng loạt Huy chương Vàng cá nhân, tập thể, đồng thời làm nên tên tuổi của nhiều tài tử, nghệ nhân. Điển hình trong số đó, cái tên Trâm Anh đến tận bây giờ vẫn luôn được nhắc đến bằng tất cả sự trân trọng.

Sở hữu làn hơi "kim" thiên phú và bộ nhịp chắc đã giúp chị thể hiện thành công rất nhiều bài bản tài tử, đặc biệt là lối ca Liên Nam điêu luyện đạt tới sự chuẩn mực được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Nhiều năm qua, với vai trò Tổ trưởng Tổ văn nghệ Trung tâm Văn hoá huyện Ngọc Hiển, chị vẫn miệt mài hoạt động nghệ thuật, thường xuyên tham gia biểu diễn, dàn dựng và truyền ngọn lửa đam mê cháy bỏng cho các thế hệ đàn em của mình.

"Ngày ấy hai đội tuyển chọn một dàn tài tử rặt với thế mạnh đờn, ca nổi trội, tất cả chỉ biết học bài bản, tập luyện, để đi thi lấy huy chương. Trong khoảng 10 năm, CLB đã để lại một dấu son rất đẹp, đánh đâu thắng đó. Vượt qua hết những khó khăn vật chất, ai cũng quyết bám nghề, từ những thành tích đã đạt được, anh em tài tử ý thức phải giữ mình thật đẹp trong mắt mọi người", Nghệ nhân Trâm Anh hào hứng khi nhớ về một thời đầy kỷ niệm.

Nối tiếp thời vàng son, theo dòng sống hối hả, những CLB đờn ca tài tử vẫn trải đều khắp các xã, huyện với tiếng đờn, lời ca được cất lên từ thành thị đến ngõ ngách thôn quê. Nếu có dịp xuôi về thị trấn Trần Văn Thời, tìm đến CLB Đờn ca tài tử Sông Quê do Nghệ nhân Quốc Sỹ làm chủ nhiệm, chắc hẳn bạn sẽ dễ dàng bị níu chân bởi điểm nhấn thú vị, quyện hoà giữa cái mới và hồn cốt mộc mạc thuở nào. Không gian sân khấu được thiết kế trên sông nước hữu tình, cảnh trí sinh động, ở đó người hát cứ say sưa thả hồn theo cung bậc, người nâng phím cũng vì thế mà thả những thanh âm mùi mẫn. Hai chiếc cầu cây nối bờ ra đến sân khấu, làm cho không gian sinh hoạt thêm gắn kết và đong đầy cảm xúc. Hơn 6 năm, địa điểm này đều đặn sáng đèn vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, thu hút sự quan tâm đông đảo các tài tử, nghệ nhân, giới mộ điệu cổ nhạc trên địa bàn tỉnh, cũng như nhiều lần đón các đoàn khách phương xa như Bình Dương, Tây Ninh tìm về trong sự đồng điệu, tri kỷ, tri âm.

Điều đáng mừng hơn khi nhìn vào dòng chảy của đờn ca tài tử tỉnh nhà còn rất nhiều gương mặt tài tử, tác giả trẻ như: Minh Thuỳ (Ngọc Hiển), Ngọc Nhịn (U Minh), Thanh Trung, Vis Phương, Tiểu Nhi, Kỳ Anh (TP Cà Mau), Phương Nhũ, Lữ Đạt (Trần Văn Thời), Lý Vũ Duy Phương (Đầm Dơi), Lý Bông Dừa (Năm Căn)... Tất cả đã và đang từng bước dấn thân với đam mê rồi khẳng định tài năng của mình bằng những giải thưởng, thứ hạng cao qua các cuộc thi, liên hoan, hội diễn cấp tỉnh và khu vực. Những bàn tay trẻ trung đầy nhiệt huyết ấy vẫn đang nắm chặt nhau sẵn sàng tiếp nối giữ gìn vẻ đẹp trong ngần của khúc tình tự nhặt khoan.../.

Hoàng Phúc

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.