Bên cạnh giáo dục kiến thức trên lớp, nhiều điểm trường chú trọng lồng ghép tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Ðiển hình như Trường THPT Nguyễn Việt Khái, Phường 8, TP Cà Mau.
Để học sinh hiểu thêm về Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Việt Khái, từ năm học 2020-2021, Ðoàn Trường THPT Nguyễn Việt Khái trích kinh phí gắn bảng tiểu sử tại các dãy hành lang mỗi tầng, tổng cộng 8 bảng, để mỗi ngày khi qua lại, các em có thể đọc và ghi nhớ dễ dàng nhất. Ðây cũng là kiến thức lịch sử địa phương quan trọng mà mỗi con em tại vùng đất Cà Mau nên biết đến.
Học sinh tìm hiểu kiến thức thông qua bảng tiểu sử tại Trường THPT Nguyễn Việt Khái.
Vào đầu năm học, đặc biệt đối với học sinh khối 10, sẽ có tiết giảng dạy về tiểu sử AHLLVTND Nguyễn Việt Khái. Ngoài ra, vào những tiết chào cờ đầu tuần, giáo viên đưa ra nhiều chủ đề hấp dẫn để học sinh tìm hiểu.
Em Trần Thị Mỹ Phượng, học sinh lớp 11T4, bộc bạch: “Ðược học tập dưới mái trường mang tên vị anh hùng, em cảm thấy rất tự hào, ghi nhớ công ơn của những người đi trước, từ đó ra sức học tập, cố gắng hoàn thiện bản thân, để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.
Ðể hun đúc tình yêu quê hương, tự tôn dân tộc, tìm hiểu về lịch sử nước nhà cho học sinh, đặc biệt là tiếp cận, nắm bắt các kiến thức liên quan đến chủ quyền biển, đảo thiêng liêng; ngoài tuyên truyền lồng ghép nội dung phù hợp vào các môn học chính khoá trên lớp, nhà trường dành thời gian tuyên truyền qua các bản tin phát thanh, giáo dục học sinh mọi lúc mọi nơi.
Cô Nguyễn Thị Thanh Mẫn, Phó bí thư Ðoàn trường, giáo viên môn Ngữ văn, chia sẻ: “Môn Ngữ văn tạo nhiều điều kiện để người học hiểu thêm về lịch sử nước nhà từng thời kỳ qua các tác phẩm. Thông qua việc tìm hiểu về nội dung, trình chiếu hình ảnh, video, giúp học sinh nhớ lâu hơn kiến thức”.
Cô Trần Thị Sữa, giáo viên dạy Ðịa lý, cho biết: “Với bộ môn Ðịa lý, việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, biển, đảo sẽ được lồng ghép vào chương trình dạy chính khoá. Ðây là nội dung quan trọng, vừa là kiến thức để thi, vừa giúp ích cho cuộc sống của các em về sau. Ðặc biệt, ở khối 12 sẽ được học về địa lý Việt Nam, do đó có rất nhiều bài, nội dung liên quan đến phần biển, đảo, diện tích, giới hạn vị trí địa lý vùng biển của nước ta, vùng nào được quyền khai thác... Từ những kiến thức này giáo dục các em có trách nhiệm bảo vệ môi trường và gìn giữ chủ quyền biển, đảo”.
Ðể giúp học sinh có cái nhìn trực quan về giới hạn, diện tích và vị trí địa lý của vùng biển, đảo Việt Nam, tại mỗi dãy hành lang lớp học đều được bố trí bản đồ.
Em Tô Thái Phương, học sinh 12C4, cho biết: “Trường tạo rất nhiều điều kiện để các khối lớp tìm hiểu kiến thức về lịch sử và địa lý. Trong đó, em khá ấn tượng với việc treo bản đồ tại đường lên cầu thang phòng học, giúp ích rất nhiều trong việc học môn Ðịa lý”.
Việc giáo dục các kiến thức liên quan về chủ quyền biển, đảo, lịch sử, địa lý thực sự cần thiết cho học sinh và cần được nhân rộng./.
Ngô Nhi