(CMO) Từ cầu Năm Căn hướng về Ngọc Hiển theo tuyến đường Hồ Chí Minh, đến cầu Ông Ðịnh, nhìn bên trái là vườn chim, cò của hộ bà Huỳnh Thị Thuẫn (thuộc địa phận ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây), với diện tích đất rừng 9,7 ha, trong đó khu chim trú ngụ hơn 3 ha. Vườn chim là một phần thảm rừng hơn 20 năm tuổi mà bà Thuẫn giữ lại trong vuông tôm theo quy định của Nhà nước về nuôi trồng thuỷ sản trên lâm phần. Khi rừng được khoảng 10 tuổi, chim cò bắt đầu về trú ngụ, nhiều nhất là cò trắng, vạc, bạc má, còng cọc và có một vài loài chim quý như: diệc xám, điên điển, giang sen, cùng một số động vật khác dưới tán rừng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học.
Rợp cánh chim trời trên vùng đất Ngọc Hiển. |
Các loài chim, cò tạo nên bức tranh thiên nhiên độc đáo nơi rừng ngập mặn Ngọc Hiển. |
Tại vườn chim này, 20 năm qua có không biết bao nhiêu thế hệ các loài chim sinh sôi, mang lại cảnh đẹp cho quê hương và trở thành điểm du lịch lý tưởng cho du khách. Có điều kỳ lạ, tuy vườn chim nằm cạnh bên nhà bà Thuẫn khoảng 10 m, trong vuông tôm cá rất nhiều, vậy mà chim cò chỉ trú ngụ chứ không ăn. Bà Thuẫn xem vườn chim là tài sản thiên nhiên quý hiếm nên quyết tâm bảo vệ, tuyệt đối không khai thác chim non.
Mùa mưa cũng là mùa sinh sản của loài cò trắng ở vườn chim Ngọc Hiển. |
Tồn tại hơn 20 năm qua, vườn chim của hộ bà Thuẫn đã có không biết bao nhiêu thế hệ các loài chim sinh sôi, mang lại cảnh đẹp cho quê hương và trở thành điểm du lịch lý tưởng cho du khách. |
Vườn chim của gia đình bà Thuẫn nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi. Ðứng trên cầu Ông Ðịnh, du khách có thể nhìn tổng thể vườn chim, có cảm giác như được trở về với cuộc sống dân dã gắn liền với thiên nhiên của vùng đất ngập mặn Cà Mau. Bên cạnh đó, trên tuyến đường này có nhiều trạm dừng chân, hàng quán phục vụ ăn uống cho du khách./.
Huỳnh Lâm thực hiện