(CMO) Được tỉnh chọn là 1 trong 5 xã chỉ đạo điểm về đích nông thôn mới trong năm nay, đến nay, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đạt 13/19 tiêu chí. Phấn đấu về đích đúng hẹn là cả một chặng đường gian nan, bởi xã còn vướng nhiều tiêu chí khó. Với thời gian còn lại, cả hệ thống chính trị và người dân xã Đất Mũi đang nỗ lực “tăng tốc”, quyết tâm hoàn thành các tiêu chí, nổi bật là tiêu chí số 17 về môi trường.
Xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiêu chí môi trường bằng nhiều hình thức như: thông qua đài truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô… nhằm tạo sức lan toả sâu rộng và chuyển biến nhận thức trong quần chúng nhân dân. Song song đó, các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội ở địa phương còn vào cuộc tích cực trong việc phát động, triển khai nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường như: “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”, “5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; phong trào “xanh - sạch - đẹp” trong các trường học... Các phong trào thu hút đông đảo nhân dân tham gia, huy động nguồn lực lớn từ cộng đồng dân cư để thực hiện, góp phần tạo sự thay đổi trong nhận thức và việc làm của người dân về bảo vệ môi trường.
Cư dân Đất Mũi hầu hết sống ven sông, rạch. Theo tập quán, phần lớn nhà vệ sinh đều xây dựng trên sông. Ảnh: DUY KHẢI |
Minh chứng rõ ràng nhất là diện mạo của vùng đất cuối trời nay có nhiều thay đổi tích cực. Tình trạng rác thải, bọc ni-lông ngổn ngang trước sân, xung quanh hay dưới sàn nhà của nhiều hộ dân nay không còn. Các tuyến đường làng đã tạo được điểm nhấn bằng cảnh quan sạch, đẹp. Nhiều gia đình có ý thức quét dọn, trồng hàng rào cây xanh, hoa kiểng dọc theo ven lô,̣ giúp đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp và tạo thêm sinh khí mới.
Đang chăm chút cắt tỉa mấy chậu kiểng, được chúng tôi hỏi thăm, ông Đặng Văn Hiếu, ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, hồ hởi: “Ở đây đất đai nhiễm mặn, điều kiện khó khăn không như vùng ngọt, trồng hàng rào cây xanh không dễ. Nhưng nếu chịu khó trồng kiểng, cắt tỉa gọn gàng, sắp xếp có hàng, có lối trước sân nhà thì cũng đẹp”.
Đáng phấn khởi hơn, đến thời điểm này, Đất Mũi cơ bản đạt một số chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường như: trên 95% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; trên 65% hộ được sử dụng nước sạch; 71% cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi thuỷ sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Quan trọng là xã xây dựng được bãi rác tập trung và có xe thu gom rác thải tại các khu dân cư và 4 ấp trung tâm: Rạch Tàu, Kinh Đào, Lạch Vàm, Cồn Mũi.
Ông Trần Quốc Toàn, ấp Kinh Đào, xã Đất Mũi, chia sẻ: “Hơn 1 năm nay, đều đặn ngày nào cũng có xe đến tận cửa thu gom rác. Không chỉ gia đình tôi mà hầu như bà con ở đây đã hình thành thói quen thu gom rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường chứ không còn tình trạng quăng rác xuống sông nữa”.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Bùi Thanh Thương thông tin: “Trong 9 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường có đến 6 chỉ tiêu xã chưa hoàn thành. Để về đích tiêu chí này, khó khăn lớn nhất mà xã gặp phải không chỉ dừng lại ở việc cần nguồn kinh phí đầu tư lớn, còn nhiều vấn đề liên quan tới địa hình, sinh hoạt, tập quán của người dân không dễ dàng thay đổi”.
Đơn cử như việc xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp đối với Đất Mũi đang là bài toán khó. Do đặc điểm địa hình ven biển, có nhiều cửa sông, rạch ăn thông ra biển, tình trạng rác thải theo thuỷ triều cuốn vào bờ diễn ra hằng ngày, gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý dứt điểm rác thải.
Ông Thương cho biết: “Nhiều lần chúng tôi phối hợp với chính quyền, đoàn thể ấp, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cùng bà con nhân dân tổ chức đi thu gom rác thải đem về bãi tập kết để xử lý. Nhưng cứ 2-3 ngày sau là rác từ ngoài biển theo các cửa sông trôi vào y như hiện trạng ban đầu. Giải pháp trước mắt, xã đã vận động những hộ dân có nhà ở ven sông mua lưới mành về căng dưới sàn nhà, không cho rác tấp vô”.
Mặt khác, do thói quen lâu đời của người dân nên việc xây dựng nhà tiêu, nhà tắm trên sông vẫn còn xảy ra. Để chấm dứt tình trạng này, UBND xã vận động và tạo điều kiện cho những hộ khó khăn tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình, dự án môi trường để xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, xã thành lập đoàn đến làm việc với gia đình và kiên quyết tháo dỡ.
Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn xã Đất Mũi vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; nhiều hộ chăn nuôi không có đủ kinh phí để đầu tư xây dựng hầm biogas, nước thải chăn nuôi được xả trực tiếp ra sông, rạch, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và môi trường xung quanh. Đáng quan tâm là việc thu gom, xử lý rác thải của nhiều hộ dân tại các ấp xa trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài ra, hiện Đất Mũi đã quy hoạch xây dựng hoàn thành nghĩa trang nhân dân nhưng do phong tục, tập quán lâu đời, việc sử dụng vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn...
Bí thư Đảng uỷ xã Đất Mũi Lê Thanh Phùng thông tin: “Trước những khó khăn còn tồn tại, cả hệ thống chính trị xã Đất Mũi tập trung đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ để nhanh chóng về đích tiêu chí này. Thực tế cho thấy, tiêu chí số 17 về môi trường gồm nhiều nội dung, trong đó có không ít nội dung khó, phức tạp, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân luôn được xã coi trọng, đặt lên hàng đầu, ra sức thực hiện để bà con hiểu và hưởng ứng”.
Đối với Đất Mũi, về đích tiêu chí môi trường không chỉ hoàn thành 1 tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mà còn xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách phương xa./.
Trúc Linh