Ngày 22/7, Hội đồng Thẩm định nông thôn mới của tỉnh họp và bỏ phiếu biểu quyết công nhận xã Phú Hưng đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả của sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của Đảng bộ và Nhân dân xã Phú Hưng trong hơn 4 năm qua, là món quà có ý nghĩa dâng lên Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Cái Nước lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.
Ngày 22/7, Hội đồng Thẩm định nông thôn mới của tỉnh họp và bỏ phiếu biểu quyết công nhận xã Phú Hưng đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả của sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của Đảng bộ và Nhân dân xã Phú Hưng trong hơn 4 năm qua, là món quà có ý nghĩa dâng lên Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Cái Nước lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.
Là 1 trong 2 xã được huyện Cái Nước chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM), Ðảng uỷ, UBND xã Phú Hưng quyết tâm cao trong chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận của Nhân dân thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu: Xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá theo Quyết định 09 của UBND tỉnh gắn với xây dựng xã NTM.
Kinh tế phát triển, nhà cửa người dân được xây dựng khang trang, tạo diện mạo mới ở nông thôn xã Phú Hưng. |
Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Hà Ngọc Sáu phấn khởi, chỉ tính riêng 6 tháng năm 2015, tổng vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM khoảng 42 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp quy thành tiền hơn 20 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, vai trò của Nhân dân rất to lớn.
Ðiểm đáng ghi nhận trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở xã Phú Hưng là sự đồng thuận của Nhân dân và sự quyết tâm trong chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp tích cực của Mặt trận và các đoàn thể. Từ đó, theo lộ trình đề ra, xã Phú Hưng đều xác định mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm để tạo bước đột phá.
Ðiển hình năm 2014, xã Phú Hưng chọn tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất văn hoá để chỉ đạo toàn diện. Qua vận động, cùng lúc xã triển khai xây dựng mới 6 trụ sở ấp, đồng thời sửa chữa nâng cấp 4 trụ sở ấp đã xây dựng trước đây. Mỗi trụ sở xây dựng mới có giá trị đầu tư trên 150 triệu đồng, được thực hiện theo phương châm xã hội hoá.
Ông Trương Văn Bon, ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, chia sẻ: “Có phần đất mặt tiền rộng, chung sức xây dựng NTM, gia đình đã bàn bạc thống nhất cho chính quyền địa phương mượn lâu dài để xây dựng trụ sở ấp, tạo điều kiện cho chi bộ, chính quyền và Nhân dân có nơi hội họp, sinh hoạt thuận tiện. Bản thân và gia đình cảm thấy vinh dự và phấn khởi vì đã góp một phần công sức để xây dựng quê hương”.
Tương tự, tiêu chí giao thông, một trong các tiêu chí được xác định là khó khăn nhất trong xây dựng NTM, cũng được xã Phú Hưng vận động thực hiện khá tốt. Ðược tỉnh hỗ trợ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, năm 2014, xã Phú Hưng tăng tốc, triển khai xây dựng 9.000 m lộ bê-tông, quy mô mặt lộ rộng 3 m, đi qua 6/10 ấp, đấu nối với Quốc lộ 1. Ðể thực hiện công trình, ngoài nguồn vốn của Nhà nước, Nhân dân trên tuyến phải đảm bảo mặt bằng đất đen và chi phí xây dựng cống xuyên lộ phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản.
Cùng lúc kinh phí bỏ ra khá lớn, nhưng vì lợi ích chung, Nhân dân xã Phú Hưng sẵn sàng tham gia. Ðiển hình như hộ ông Ðặng Văn Thiệt, ấp Cái Rắn A, đã bỏ ra khoảng 40 triệu đồng để thực hiện tuyến lộ đi qua phần đất của mình. Bên cạnh đó, xã Phú Hưng còn linh hoạt, vận động Nhân dân nâng cấp, mở rộng các tuyến lộ quy mô 1,5 m xây dựng trước đây thành lộ 2 m, đảm bảo hoàn thành tiêu chí giao thông.
Không chỉ phát huy nội lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xã Phú Hưng còn làm tốt việc vận động Nhân dân đầu tư chỉnh trang lại nhà ở, gắn với xây dựng cổng rào bê-tông hoặc hàng rào cây xanh. Ðến nay, xã Phú Hưng có trên 250 hộ xây dựng được hàng rào cơ bản, hơn 1.500 hộ trồng được hàng rào cây xanh. Qua đó, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn./.
Bài và ảnh: Thanh Nhàn