ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:49:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xa xôi Kinh Hãng

Báo Cà Mau Năm 1964, mấy anh em tôi theo mẹ vào Cà Mau lần thứ hai, điểm đến cũng tại nhà cô dượng Ba Hốt ở xóm cuối kinh Sáu Thước, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Qua một ngày nghỉ chân, hôm sau ba tôi dắt mấy mẹ con tôi đi bộ từ đây về tới nhà ở tận Kinh Hãng, thuộc xã Khánh Hưng A.

Năm 1964, mấy anh em tôi theo mẹ vào Cà Mau lần thứ hai, điểm đến cũng tại nhà cô dượng Ba Hốt ở xóm cuối kinh Sáu Thước, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Qua một ngày nghỉ chân, hôm sau ba tôi dắt mấy mẹ con tôi đi bộ từ đây về tới nhà ở tận Kinh Hãng, thuộc xã Khánh Hưng A.

Dù lúc sáng sớm khi qua tới kinh Ðòn Dong, ba má tôi ghé nhà chú thím Năm Ách (người Bến Tre) xin bữa cơm cho vững bụng đường xa, nhưng do không quen ăn cơm giác sáng nên tôi bỏ bữa, không lót lòng được chén nào. Ba tôi dẫn cả nhà lội bộ, đi dài theo đường mòn lộ đất trên bờ kinh Ðòn Dong, rẽ sang Cựa Gà qua kinh Công Nghiệp, vô cầu Chữ Y lội qua Kinh Hãng Bìa, sang bờ, đi dài theo mặt tiền một đoạn tới cánh chỏ rồi đi thẳng xuống theo bờ Kinh Hãng Ðứng… Nắng lên cao, đến gần nhà chị Ba Bé (em ruột anh Hai Triều), tôi bị ngất xỉu, khuỵu xuống, đi hết nổi. Ba tôi liền móc lấy tiền đưa, nói:

Ảnh mang tính chất minh hoạ.                          Ảnh: MINH TẤN

- Nè, lại đằng tiệm mua bánh ăn đi!

Tôi lắc đầu. Mệt lả vì tối tăm mặt mày, chứ không phải vì đói mà xỉu. Ba tôi đưa mấy mẹ con tôi ghé vào nhà chị Ba cho tôi nằm  nghỉ. Tôi nằm thiêm thiếp, mê man rồi ngủ vùi. Lát sau tôi được gọi dậy húp chén cháo cá và tỉnh ngay… Nắng tháng 3 hầm hì, gay gắt, trời lại kéo đám mây đen và trút một đám mưa to, đầy sấm sét…

Vừa tạnh đám mưa, bỗng nghe văng vẳng tiếng réo gọi chuyền nhau tin dữ: Bà Ba Ðen chết rồi! Chị Ba Ðen ở xóm cuối Kinh Hãng, đang hứng nước lúc trời mưa, đứng dưới máng thiếc, gần bên vách có giắt 2 cây phảng đã bị sét đánh trúng người chị, phỏng nám đen ở cổ xuống vùng ngực… Tin thật bàng hoàng! Vừa từ Bến Tre vào, đặt bước chân đầu tiên lên vùng đất mới này ở Cà Mau, tôi đã nghe cái tin “sét đánh” mà khiếp đảm. Thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt, gây cái chết oan uổng cho con người như trường hợp chị Ba Ðen.

Năm ấy, ba tôi cất căn nhà nhỏ trên bờ kinh, nay là Kinh Hãng B - trước nhà anh Ba Liềm, dòng kinh này cũng là con đường giao thông chính qua Hiệp Hoà, đi Chủ Mía, Ðường Ranh, Lung Tràm, Chín Bộ… Trên xóm thưa nhà. Ở góc bờ ngã tư đầu xóm, tức cuối Kinh Hãng Giữa, là vựa cá của anh chị Ba Mạnh. Cuối xóm đằng này là nhà chú Tư Hạc. Nhà anh chị Ba Liềm và nhà tôi ở đoạn giữa. Bên kia bờ kinh, có mấy hộ bà con người Bến Tre như bác Ba Bộ, anh chị Ba Son và mấy hộ bà con người dân tộc Khmer như: chú Út Sương, chú Hai Lâm Công, chú Sáu Con và chú Thạch Sanh, trong này chú Út Sương thuộc vai lớn hơn hết.

Buổi đầu chân ướt chân ráo về vùng đất này, lạ chốn lạ quê, sáng ra nhìn ngơ ngác… Ðồng ruộng vào mùa gặt hái, mênh mông một màu vàng gốc rạ với giống lúa mang tên người: Trắng Nhỏ, Mười Kiên… Ba tôi bảo cùng lội ra ruộng phụ rinh lúa bó chất ngố cặp bờ vồng. Lớn lên vào thời chiến, tuổi 14-15, con nhà nghèo mà lao động dở, “nhát gió kỵ mù sương”, è ạch rinh lúa bó một hồi nắng lên, nắng không một chút gió, mồ hôi ướt áo, ướt mặt, xót cay mắt, tôi cằn nhằn ba tôi khiến ông tự ái, đuổi tôi lội vô nhà…

Thật ra, từ bỡ ngỡ, lạ lẫm, rồi quen dần, khi không còn than cực nữa, tôi lại lội ra ruộng. Ba tôi làm mấy công ruộng và trồng bí đao, gieo cải tùa xại trên lớp phân cỏ xốp bờ vồng ruộng của bác Ba Bộ, mê cải tùa xại vọt bụi cao nghệu, trổ từng chùm bông vàng, bí đao hái rinh vô chất đống trong nhà bám đầy bụi phấn, với nhiều bữa cơm canh chua me vắt nấu bí đao và khô cá lóc, rồi khô cá sặc, cá bổi kho quẹt mà ăn ngon lành… Lần nào lội ra ruộng, tôi cũng mê ruồng vô mấy bờ đìa, vẹt kiếm buồng chuối xiêm chín bói, nơi quyến rũ bầy chim sáo đang rối rít vây quanh…

Mùa khô năm 1964, khắp các cánh đồng ở Kinh Hãng, vô số cây cọc tràm như rừng chông chĩa lên trời. Cây này qua cây kia đều giăng giăng đầy dây chuối và treo từng ụ, từng ụ rối nùi… Làm như vậy cho máy bay trực thăng Mỹ không dám sà xuống, sợ cọc tràm vướng rớt, sợ dây lá chuối khô quấn vào cốt chong chóng… Một hình ảnh vui mắt, bình thường mà dễ nhận biết kiểu chiến tranh Nhân dân, hình thức chống trực thăng “sâu rọm” đổ quân, mà trông như bao cọc bẹo xua đuổi chim chóc, bảo vệ mùa màng… Và, chính hình ảnh sống động ấy là cảm xúc tự nhiên cho ra đời tác phẩm tuỳ bút “Tâm sự cây cọc tràm”, được ghi  địa danh xuất xứ “Sông Ðốc, mùa gió chớm sang xuân” của tác giả Mạc Văn Chi, tức chú Út Triều.

Nơi cảm thụ nguồn thơ ca…

Ba tôi (1917-2011) vừa làm ruộng, vừa dạy học ở xóm cuối Kinh Hãng Giữa, với tên gọi thân quen của bà con quanh vùng: Thầy giáo Tám. (Ðến mùa khô 1971, từ kinh Sáu Thước, ba tôi còn trở xuống đây sống tại nhà chú Tư Ðược và mở lớp dạy học lần thứ hai trước khi trở về quê Bến Tre cuối 1972). Một hôm, ba tôi đi dạy học về, đưa tôi cuốn sách và nhắc bảo ở nhà đọc, đừng chơi dang nắng. Ðó là Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng (Cà Mau), có thể số Xuân Giáp Thìn 1964, chữ đánh máy, in giấy sáp, nhiều bài đọc nghe hay, hấp dẫn lạ thường…

Tôi rủ thằng Hoàng, con trai anh Ba Liềm, xuống đọc Văn nghệ Lúa Vàng có bạn cho vui… Thằng Hoàng lên 6 tuổi, ngọng nghịu cũng ráng đọc theo đến hết bài vè “Tiếp tế Bình Hưng”, 82 câu, mỗi câu 4 chữ, có vài chữ đớt đát, ai nghe cũng cười như: Nó niềng thấy ớn/Sợ “rớn” (rớt) ở tù…

Tuổi thiếu niên, tôi được tiếp xúc với Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng, cảm thụ nguồn văn thơ cách mạng tỉnh Cà Mau ngay buổi đầu tại vùng đất Kinh Hãng này. Thuở ấy, tôi biết say mê mảng thơ ca, hò vè nghe vui, mau thuộc, dễ nhớ… Bài thơ “Vú mẹ mất rồi”, đọc mà thương và tội nghiệp cho thằng bé lên 2 tuổi, trong khi mẹ nó vừa bị bom Mỹ giết chết, nó chẳng hay biết gì, cứ “Bò trên mình mẹ/Tìm sữa gào la…”.

Một đêm trời lạnh

Thằng bé lên hai

Sưởi hơi ấm mẹ

Nằm ngủ mê say

Bỗng “ầm” tiếng nổ

Mẹ giật nẩy mình

“Con ơi, mẹ chết

Ở lại với anh…”

Rồi mẹ nằm im

Như đêm mẹ ngủ

Bé quờ quạng vú

La khóc rú lên

Mình em thấm đỏ

Máu của mẹ hiền

Máu nóng trong tim

Chảy quanh người mẹ

Thịt mẹ đã rơi

Máu hoà với sữa

Ôi, còn đâu nữa

Vú mẹ mất rồi…

Bài thơ về “Vụ án C47”, Mỹ - Diệm dùng máy bay Ða-cô-ta dọ thám, thả bọn gián điệp xâm nhập ra miền Bắc, bị quân, dân tỉnh Ninh Bình kết nghĩa trừng trị đích đáng:

Sóng xao bờ biển Ninh Bình

Cô-ta dọ thám dưới sình chôn thây

Ðến đây thì chết ở đây

Cái đồ ăn cướp chống chầy cũng tiêu

Quanh co Diệm cứ chối liều

Cùng là thầy tớ giọng đều như nhau.

Ký ức một vùng đất

Mênh mông vùng đất Kinh Hãng, có mấy ông già gốc Bến Tre thân với ba tôi như ruột thịt… Bác Sáu Khai, quê Phước Hiệp, Mỏ Cày (thân sinh anh Hai Triều), nhà ở Kinh Hãng Bìa, lâu lâu chống xuồng đi thẳng xuống nhà gặp gỡ, nói chuyện với ba tôi. Một hôm, tôi vừa viết bằng phấn 2 chữ “nho” trên nắp khạp, bác Sáu vào nhà nhìn thấy rồi hỏi:

- Ai viết chữ Hiệp Ngọc đây?

Thằng Lào - em tôi, năm ấy lên 4 tuổi. Mỗi lần gặp thằng Lào, bác Sáu gọi to:

- Thằng đầu bự!

Bác Năm Kiệm, quê An Bình Tây, Ba Tri, ở xóm cuối Kinh Hãng Giữa, thân sinh anh Ba Liềm, anh Năm Liêm… Bác Năm lớn người, cũng là ông già Ba Tri vui vẻ…

Bác Ba Bộ, mà bác gái, gọi ba tôi bằng cậu em - cậu Tám. Cả 2 bác Ba quê Giồng Miễu, Thạnh Phú. Bác Ba gái là thân mẫu của anh Ba Son, chị Tư Bẹp, chị Sáu Sẹp, anh Bảy Rẫy và anh Tám ở đây.

Anh Bảy Rẫy đi bộ đội. Mùa khô 1964, tôi gặp anh Bảy đội nón sắt, quảy khẩu súng Ga-răng (tự động Mỹ) về thăm nhà. Lúc chạng vạng tối, anh xách khẩu súng ra sân, quay nòng vô hậu đất, lên đạn siết cò, bắn hết một gấp 8 viên đạn Ga-răng nổ giòn giã, đạn lửa đỏ, đạn xuyên phá màu xanh nối nhau bay vù vù hướng rừng.

Từ xóm Kinh Hãng B này năm ấy, tủa ra đều có bà con ruột thịt gốc Bến Tre với ba tôi như gia đình anh Ba Ðiệt, nhà ở gần nhà máy - bên phải từ cầu Chữ Y vào, gia đình Ba On ở ngã tư Chín Bộ; gia đình cháu Ba Hạnh ở Lung Tràm; anh Năm Thạc, anh Hai Phúc (chồng chị Hai Bọ) ở đoạn ngã tư miễu Ông Tà vô đường qua nhà máy…

Một hôm, tôi nhìn sang bên nhà chú Hai Lâm Công, thấy bà con tập trung đông vui, dựng rạp trước sân chuẩn bị đám tiệc. Ðó là dịp lễ Dolta, vào tháng 10/1964. Năm này chiến tranh còn ở mức thấp, lâu lâu mới thấy con “đầm già” và 2 chiếc “còng cọc” AD6 quần đảo ném bom, bắn phá xuống miệt Cơi Năm, xa tít trong rừng… Nhà chú Hai nhộn nhịp, tốp chị em thay nhau xay bột, gói bánh, tốp những chàng trai quết bột ép bún, âm thanh sôi nổi bập bùng… Ban đêm sáng rực ánh đèn măng-xông, tiếng dao thớt làm bếp chặt thịt nghe vui tai, bên từng cuộn khói phà bay toả… Ðến khuya, chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”, tiếng đàn ngũ âm, từng lời ca, điệu múa, tha thướt, dịu dàng. Thím Hai cũng vận bộ xà-rông màu sắc sặc sỡ với 2 bàn tay xoè nhịp nhàng, đôi chân uyển chuyển trong điệu múa Lâm Thôn…

Và sáng lại, tôi cũng được người lớn gọi qua nhà chú thím Hai, thưởng thức tô bún nước lèo, thịt cá lóc bự, bắp chuối xắt ghém, rau thơm, nước mắm ớt… ăn tiệc và đó là lần đầu tiên tôi biết phong tục lễ Dolta năm 1964.

Thời gian sống ở Kinh Hãng hơn nửa năm, thuộc đất tạm cấp nhưng ba tôi giao lại cho anh chị Ba Liềm, thời chiến ông không màng giữ đất Cà Mau. Ba tôi kéo hết nhà trở lên kinh Sáu Thước, thà ở đậu trên đất của cô dượng Chín - Mười Bụng, ngay đầu kinh Sáu Thước - bờ Nam, xóm cuối kinh, bên hông là dọc dài kinh Chống Mỹ.

Bốn thập niên tìm về

40 năm sau, dịp Tết Ất Dậu 2005, tròn 30 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, tôi có chuyến về Trần Hợi, xuống tới cầu Chữ Y, hiện ra trong ký ức mà tôi muốn tìm…

Và tôi đi đò bao từ cầu Chữ Y về đến góc bờ ngã tư cuối Kinh Hãng Giữa, lên nhà anh Ba Mạnh. Nghe tôi tự giới thiệu anh Ba nhớ ngay… Năm ấy, chị Ba vừa qua đời. Anh Ba (1940) sống cảnh “gà trống”, anh ghi ra mấy chữ cho tôi biết tên đứa con gái của anh là Hà Hồng Loan, có chồng và công tác bên huyện Cái Nước. Và, chỉ một năm sau - 2006, anh Hà Văn Mạnh (Ba Mạnh) qua đời.

Năm ấy, từ nhà anh Ba Mạnh, tôi bước qua cầu bê-tông, lội bộ dài xuống, tìm anh Tám. Khi vào nhà gặp anh, tôi hỏi: Sao anh lại có tên “Cò Tám”?

Anh Tám cười: Hồi gần giải phóng (1974), anh cùng lực lượng dân công đi phá đồn - cứ điểm cầu Chữ Y sau khi bị tấn công, bọn giặc cuốn chạy ngày 16/5/1974 và anh đã bị thương hư một con mắt. Mọi người gọi anh “Cò Tám” từ lúc nhìn anh băng vết thương. Tôi ghẹo anh:

Cò Tây còn hổng ai ngán, nói chi Cò Tám! Anh có về Bến Tre không?

Có! Về năm ngoái. Mấy đứa cháu ở Thạnh Phú bây giờ đứa nào cũng giàu lút.

Tôi đứng bên anh Tám, nhìn miếng ruộng mà nhớ năm 1964 từng in dấu chân tôi lội ra đó vào mùa khô… Hai bác Ba đều qua đời, yên nghỉ nơi đây. Ruộng do anh Tám canh tác. Anh mướn đào mương rộng bao quanh bờ vuông để nuôi cá đồng, thả 30 triệu tiền con giống cá bổi, mặt ruộng cho mướn mỗi năm 200 giạ lúa… Trước kia còn đất rộng người thưa, cá đồng tự nhiên nổi tiếng… Ngày nay phải nuôi, vì không nuôi sẽ không có nhiều cá đồng…

Hơn 40 năm tìm gặp, tôi có một đêm tâm sự với anh Tám, hai anh em chỉ nhấm nháp vừa đủ một xị rượu thuốc trị nhức mỏi, đau lưng… Thời chiến, anh Tám cưới vợ là người dân tộc Khmer ở cùng xóm - chị Xà Rinh, cũng là học trò của ba tôi dạy chữ Việt cho chị hồi còn nhỏ… Tôi nhắc anh Bảy Rẫy, từ năm 1964 đến nay không gặp, anh Tám cho biết nhà anh Bảy ở đoạn cầu Số 2 Cà Mau - Tân Lộc và anh chỉ tôi:

Ra Bến tàu A, kêu xe đến Tổng đài Quân sự hỏi cháu Trúc là con gái của anh Bảy.

Hồi sau, anh Tám mách bảo tỉnh bơ, làm tôi chưng hửng:

Có cần gì lên thằng cháu “tỷ phú” nó giúp cho.

Ai vậy anh Tám?

Thì thằng Rô ở Bạc Liêu đó. Vợ chồng nó ở nhà lầu bạc tỷ không hà!

Thật chả tiếc cái công đổ đường tìm về thăm anh Tám, cho tôi biết thằng cháu - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ðặng Anh Rô là con của chị Sáu Sẹp (1940), chị ruột anh Bảy Rẫy và anh Tám ở Kinh Hãng B này. Thế là tôi rõ nguồn gốc - dù không ruột thịt, nhưng cũng bà con xứ sở Bến Tre. Anh Tám còn cho tôi biết, Nhà báo Ngô Hải là con nuôi của anh…

Sáng lại, anh Tám có việc, cùng cuốc bộ tiễn chân tôi một đoạn ra đầu xóm… Tôi lội dài trở ra đoạn cuối Kinh Hãng Giữa, tìm thăm anh Năm Liêm, nhưng anh đã ngồi xe 2 bánh đi ra huyện ở thị trấn Trần Văn Thời lúc sáng sớm và anh cũng đã qua đời trong năm 2005.

Kinh Hãng, nơi in dấu bước chân đầu tiên của tôi thời niên thiếu trên đất Cà Mau, thành kỷ niệm quê cũ xa xôi… Hơn nửa thế kỷ, dẫu cuộc đời trải cùng nơi khắp chốn, đôi khi vẫn gợi cho tôi thoáng nhớ Kinh Hãng - một vùng đất tuy xa mà gần trong tâm tư, tình cảm và như ấp ủ đợi chờ, hẹn ngày trở lại, về Kinh Hãng như về quê hương./.

Bút ký của Nguyễn Minh

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.