(CMO) Nắng nóng, 3 chị em: Nguyễn Thị Cẩm (40 tuổi), Nguyễn Thị Len (37 tuổi), Nguyễn Thị Ngân (24 tuổi), ấp Láng Tượng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước thi nhau ngồi tắm từ khi mặt trời mới lên khỏi đỉnh đầu đến tận xế chiều. Ấy vậy mà không ai dám can ngăn vì không khéo "sẽ bị họ đánh… như chơi!".
Họ là con của ông Nguyễn Văn Nê (64 tuổi) và bà Nguyễn Thị Định (63 tuổi). Vợ chồng ông được mọi người xung quanh nhận xét là hiền lành, siêng làm, chưa bao giờ xích mích với hàng xóm. Định mệnh kết nối 2 người chung xóm, cùng thôn sinh ra những đứa con kháu khỉnh. Nhưng nghiệt ngã thay, ngoại trừ người con trai lớn, cả 3 người con gái kế đều phát bệnh tâm thần.
Số phận nghiệt ngã
Hễ có người lạ đến hỏi thăm là chị Cẩm không nói không rằng, chỉ uất ức khóc. Thấy chị khóc, Len, Ngân lại khóc theo… có khi đến ngất xỉu. Bà Nguyễn Thị Định giãi bày: "Tụi nó rất sợ tiếp xúc với người khác. 2 đứa lớn thì không bao giờ mở miệng nói chuyện, chỉ có đứa út thì trả lời ậm ừ vài câu cụt ngủn. Thời tiết mát mẻ thì tụi nó im ắng, chớ nắng lên là la hét không dứt. Sợ tụi nó nhảy sông tắm bị chết đuối, vợ chồng tôi phải nhốt lại. Vậy là nó ra sau nhà tắm, dội nước liên tục lên người. Mà xóm này đó giờ không có điện hạ thế, phải xài chia hơi nên chỉ tính riêng tiền điện cho bơm nước cũng khá bộn”.
Là hộ nghèo, bà Định và ông Nê vừa gánh nỗi lo chăm sóc con cái lại chịu cảnh bệnh tật hoành hành ở tuổi xế chiều. 3 người con gái của bà ngồi dọc thành một hàng trên sạp gỗ cũ kỹ. Tiếng khóc ngày một lớn dần, bà Định vừa trấn an kêu con nín, vừa lấy khăn lau mồ hôi cho đứa con gái út. Bà nói, so với 2 chị, đứa út (chị Nguyễn Thị Ngân) gần gũi với cha mẹ nhiều hơn. Ông bà biểu gì, nói gì, chị cũng cười cười. “3 đứa bệnh đều là con gái, tôi sợ nó bị người ta gạ gẫm. Nhỡ bụng mang dạ chửa thì khổ cả mẹ lẫn con. Biết vậy nên tôi với ổng chăm, giữ con kỹ lắm. Tối đến, chị em nó ngủ chung giường. Chúng tôi thay nhau canh con ngon giấc rồi mới yên tâm đi ngủ”, bà Định tâm tình.
Nào ngờ, có lần nửa đêm chị Cẩm dắt chị Ngân trốn ra khỏi nhà đến khu đất mà xung quanh toàn mả mồ ngồi ca hát, múa may đủ kiểu làm cả xóm một phen hoảng hốt. Người này báo người kia đến cho gia đình hay để dẫn con gái về. Nghe mẹ kể đến đây, chị Ngân cười cười có vẻ khoái chí. Chúng tôi trêu: “Mẹ kể vậy có đúng không”, chị Ngân gật gật đầu, bẽn lẽn. Bà Định nói tiếp: "Chuyện đó có xá gì đâu. Có lần nó (chị Ngân) còn nhảy xuống ghe cát đá rồi lấy miếng cao su trùm lại trốn. Chủ ghe không hay nên chạy một mạch sang huyện Trần Văn Thời, vợ chồng tôi đi tìm khắp xóm, nhờ bà con ai thấy chỉ giùm. Đến khi chủ ghe phát hiện nơi nó núp mới nhờ người thông báo đến gia đình".
Gia cảnh nghèo khó, ông Nê, bà Định luôn lo lắng cho số phận của các con mình. |
Ông Nguyễn Văn Nê kể tiếp: "Giờ chăm tụi nhỏ đỡ cực hơn trước nhiều rồi. Ngày trước, mỗi lần tắm cho tụi nó, vợ tôi đều bầm mình vì bị cắn, bị đánh. Vợ chồng vừa chăm sóc con, vừa vất vả tích góp cất được căn nhà trú nắng, mưa. Ai dè nắng nóng, đứa lớn (chị Cẩm) đốt nhà cháy rụi. Thấy lửa dần cháy lớn, 2 đứa nhỏ vỗ tay hoan hô, cười khoái chí. Vợ chồng tôi đi đánh cá vừa về tới nhà chứng kiến cảnh tượng đó đều bủn rủn cả chân tay. Mặc dù hàng xóm chung tay dập lửa nhưng vì nhà tranh vách lá nên phút chốc đã cháy rụi".
Hiền hoà xóm giềng
Quậy phá trong nhà, chớ với bà con xóm giềng thì cả 3 chị đều tỏ ra rất hiền hoà. Từ trước đến nay, chòm xóm chưa hề than phiền, mà ngược lại còn hay cho đồ ăn, quần áo cũ. Mỗi lần thấy quần áo được cho, chị Ngân cười tít mắt. Chị rất thích những bộ đồ có gam màu nóng, đặc biệt là màu đỏ, vàng, cam. Bà Nguyễn Thị Định chia sẻ, hễ ai cho gì mới là chị Ngân mặc lên người liền, miệng luôn hỏi xem có đẹp hay không.
Ông Châu Văn Bé, hàng xóm thâm tình của gia đình, cho biết: "Tôi sống ở đây gần 20 năm, chưa bao giờ nghe bà con phiền hà mấy đứa nhỏ. Tụi nó ngoan ngoãn, không quậy phá hay ăn cắp vặt. Tôi nhớ có lần cháu Cẩm đến tiệm tạp hoá ăn một lượt cả chục bịch bánh, kẹo. Khi chủ nhà phát hiện, cháu ngồi khóc rưng rức, thấy vậy tôi trả tiền cho cháu rồi dẫn nó về nhà báo với gia đình. Từ đó về sau không thấy cháu tái phạm lần nào nữa".
Ngoài tiền trợ cấp cho 3 chị hàng tháng, gia đình chỉ còn trông chờ vào tiền làm thuê của ông Nê. Nhưng mấy năm nay ông Nê mắc bệnh nên khoản thu này cũng không còn. Điều mọi người xung quanh luôn lo lắng nếu một mai ông Nê và bà Định mất đi thì cuộc sống của các chị không biết sẽ ra sao? Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại, niềm hạnh phúc của ông bà là các con dần hồi phục sức khoẻ và nụ cười bẽn lẽn luôn thường trực trên môi chị Ngân.
Bí thư Chi bộ ấp Láng Tượng Lê Văn Quân cho biết, thấy hoàn cảnh gia đình như thế bà con thường giúp đỡ. Bản thân ông thường vận động các nhà hảo tâm xin gạo, nhu yếu phẩm để hỗ trợ gia đình.
Thời tiết gần đây nóng bức, hễ có nước là các chị tắm. Tắm hết nước, các chị lại hét lên, vậy là ông Nê và bà Định phải đi xách nước ngay cho con. Sự chăm sóc đầy tình thương ấy đã lặp đi lặp lại suốt mấy mươi năm qua và có lẽ đến khi ông bà từ giã cõi trần này./.
Phùng Ngọc Trầm