Ðiều khiển phương tiện quá tốc độ quy định là một trong những nguyên nhân hàng đầu dễ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm tốc độ đã và đang được ngành chức năng triển khai thường xuyên; qua đó, góp phần kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất.
- Ðổi mới kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông
- Quyết liệt xử lý vi phạm tốc độ
- Phạt nguội nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông
Theo lãnh đạo Ðội Cảnh giao thông - trật tự, Công an huyện Năm Căn, cứ ra quân đóng chốt kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn thị trấn Năm Căn) là sẽ phát hiện vi phạm về tốc độ. Trong đó, các trường hợp vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ trong khu vực nội thị.
Anh N.T.S, ngụ xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, lý giải: “Do chủ quan không để ý khu vực nội thị, nhưng với tốc độ vượt như thế này vẫn có thể kiểm soát được”.
Tuy nhiên, cho dù là lý do gì thì việc chạy quá tốc độ vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cao hơn so với việc chạy đúng tốc độ quy định, bởi việc điều khiển xe lưu thông với tốc độ cao sẽ hạn chế khả năng phân tích, xử lý các tình huống xảy ra trên đường.
Chạy xe quá tốc độ quy định tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến TNGT. (Ảnh chụp Quốc lộ 1, đoạn qua khu vực xã Tắc Vân, TP Cà Mau).
Theo nghiên cứu của ngành chuyên môn, so với 50 km/h, nếu điều khiển xe với vận tốc 70 km/h, sự va đập sẽ tăng gấp 2 lần; tăng lên gấp 3 nếu tăng tốc ở 90 km/h và gấp 4 lần ở 100 km/h. Khi tăng tốc độ trung bình 5% so với quy định, TNGT tăng 10% và tai nạn chết người sẽ tăng 20%. Ðiều này cho thấy việc vi phạm tốc độ chính là nguyên nhân hàng đầu xảy ra TNGT. |
Thực tế chứng minh, có đến 80% vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến việc vi phạm tốc độ. Do đó, việc làm chủ tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng để người điều khiển phương tiện giao thông xử lý được tình huống bất ngờ, hạn chế TNGT đáng tiếc xảy ra.
Nghị định 100/2019/NÐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NÐ-CP) của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định rõ: Phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 12 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 1-4 tháng đối với người điều khiển xe ô tô vượt quá tốc độ quy định. Riêng đối với người điều khiển phương tiện xe mô tô sẽ bị phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 5 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Mặc dù các chế tài xử phạt đã đủ mạnh, đủ sức răn đe, nhưng trên thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp vi phạm. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, trong 7 tháng của năm 2024, lực lượng làm nhiệm vụ ra quyết định xử phạt 33.482 trường hợp vi phạm (so với cùng kỳ tăng 1.595 trường hợp), trong đó có đến 17.917 trường hợp chạy quá tốc độ quy định.
Lực lượng làm nhiệm vụ Công an huyện Năm Căn thường xuyên tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm quá tốc độ quy định. (Ảnh chụp Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn thị trấn Năm Căn).
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ðể ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn TNGT, việc ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm tốc độ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Thời gian qua, Ban An toàn giao thông tỉnh đã tham mưu thực hiện thường xuyên đối với lỗi vi phạm này, qua đó, từng bước làm dừng, giảm TNGT trên địa bàn tỉnh ở mức thấp nhất”.
Bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là đối với lỗi vi phạm tốc độ, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, hơn ai hết mỗi người tham gia giao thông cần trang bị cách ứng xử văn minh, ý thức tự giác chấp hành luật trong tham gia giao thông.
Trong 7 tháng của năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 29 vụ TNGT đường bộ (giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2023), làm 11 người chết (giảm 10 người so với cùng kỳ năm trước) và 24 người bị thương (giảm 8 người so với cùng kỳ).
Lê Chí