Tình trạng sụp lún, sạt lở đất, lộ giao thông nông thôn là hiện tượng lạ từ hệ luỵ do khô hạn mang lại. Tình trạng này đang xảy ra trên diện rộng và tiếp tục có chiều hướng gia tăng, gây ra thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Tình trạng sụp lún, sạt lở đất, lộ giao thông nông thôn là hiện tượng lạ từ hệ luỵ do khô hạn mang lại. Tình trạng này đang xảy ra trên diện rộng và tiếp tục có chiều hướng gia tăng, gây ra thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Hiện tượng sụp lún, sạt lở hiện đang xảy ra nhiều nhất trên địa bàn vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời và U Minh. Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, qua thống kê sơ bộ, vùng ngọt hoá đã có trên 1.000 km kinh mương bị khô cạn. Từ đó ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống đê bao ngăn mặn bảo vệ vùng ngọt, gây ra sạt lở đất theo các tuyến kinh.
Qua khảo sát, có đến 87 tuyến kinh bị sụp lún, sạt lở. Trong hơn 22,5 km đang trong tình trạng sụp lún và sạt lở có đến 9 km rất nghiêm trọng. Ngoài ra, có đến trên 200 km lộ, bờ bao đang rạn nứt, có nguy cơ sụp lún.
Ðoạn đê tại cống Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời xuất hiện 2 điểm sụp lún nghiêm trọng. |
Tình trạng sụp lún hiện nay diễn ra nhiều nhất là trên địa bàn huyện Trần Văn Thời với trên 92 vụ, làm thiệt hại gần 22,5 km lộ giao thông, bờ bao và cả nhà dân. Ông Nguyễn Ðồng Khởi, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, sụp lún bắt đầu xuất hiện từ đầu năm, đến nay tần suất ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn. Hiện huyện chỉ có thể rà soát và rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông; những nơi sạt lở ít, địa phương vận động người dân tự bỏ tiền ra để khắc phục.
Theo ông Nguyễn Ðồng Khởi, một vấn đề vô cùng nan giải hiện nay là đa số tuyến nếu có kinh phí cũng khó khắc phục, do đường vận chuyển vật tư gần như không còn.
Trên địa bàn huyện U Minh, sụp lún cũng đang tăng tần suất. Ông Ngô Thành Ðiền, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, ngoài tuyến đê biển Tây, đoạn từ Tiểu Dừa đến Hương Mai đang sạt lở nghiêm trọng, gần đây tình trạng sụp lún đất lại xuất hiện trên địa bàn Ấp 12, xã Khánh An, với chiều dài khoảng 90 m.
Ông Lê Thành Huấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nhận định, sụp lún hiện nay không chỉ xảy ra ở huyện Trần Văn Thời, U Minh mà các huyện khác cũng có khả năng xảy ra. Hiện tượng này theo dự báo sẽ nghiêm trọng hơn vào đầu mùa mưa. Qua kiểm tra, khảo sát, hầu hết các tuyến đường nhựa tại vùng ngọt hiện nay đều có hiện tượng rạn nứt mặt đường.
Ông Lê Thành Huấn cho biết thêm, theo nhận định ban đầu, nguyên nhân là mực nước mặt xuống quá thấp làm cho nền đường khô, giảm độ kết dính của đất. Kết hợp với độ rung động khi xe có tải trọng lớn lưu thông làm độ nứt và khả năng sụp lún tăng lên.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Ðồng Khởi còn có nguyên nhân do một số hộ dân bơm khoan đất dưới lòng sông trong khi nền lộ đất đen không ổn định và lượng phương tiện lưu thông trọng tải lớn.
Trước tình hình trên, ông Lê Thành Huấn cho biết, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản gởi các huyện, yêu cầu nếu có tình trạng sụp lún như trên phải nhanh chóng báo về cho sở. Cơ quan địa chất sẽ khoan lấy mẫu tìm nguyên nhân, từ đó mới có biện pháp khắc phục căn cơ. Ðối với những tuyến rạn nứt, sở sẽ tiếp tục theo dõi và khắc phục tạm thời. Ðồng thời, thống kê thiệt hại cũng như dự toán kinh phí sửa chữa, khắc phục trình Chính phủ hỗ trợ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú