(CMO) Đây không phải lần đầu được ngắm dòng Cửa Lớn từ cầu Năm Căn, vậy mà sao cứ ngỡ ngàng và bồi hồi xúc động.
Phía kia là đô thị Năm Căn sầm uất, màu của tương lai vượt lên trên cả những tán rừng đước, rừng mắm xanh thẳm. Còn phía này, xuôi dòng Cửa Lớn, chúng tôi đến với Nhưng Miên, có Ông Trang và Đất Mũi. Nước con sông chảy tới tận cùng Tổ quốc thương yêu. Đi trên đất này, men theo dòng nước phù sa trong mùa gió chướng, bao nhiêu tự hào quá khứ, bao nhiêu tươi đẹp của hiện tại và khát vọng ở ngày mai đều hiện diện đủ đầy.
Cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn. Ảnh: Duy Khải |
Viên An là cái tên chung của cả Viên An Đông, Viên An và Đất Mũi suốt từ thời khai phá.
1. Chợ Nhưng Miên bây giờ sầm uất và khang trang lắm. Anh Trong (Lê Văn Trong, Chủ tịch UBND xã Viên An Đông) giới thiệu: “Chợ vùng này cũng lâu đời như bên Cái Keo, Chà Là phía Bảy Háp”. Thời trước, sông nước chia cắt, ở những ngả sông lớn, chợ là nơi dân cư tụ họp, là hơi thở, là nhịp sống và biểu hiện của sự trù phú, ấm no. Không kể Năm Căn thì Nhưng Miên, Ông Trang hay Đất Mũi đều đã là chợ từ rất lâu, dù mang tính chất của chợ quê, nhưng với những ai gắn bó đời kiếp với nơi đây đều coi đó là “thủ phủ”. Chợ ở đây hồi trước chỉ có mặt sông. Từ xuồng chèo tới máy đuôi tôm, tàu tốc hành và sau này là cao tốc, người từ khắp nơi ghé bến. Bây giờ có lộ nhựa, lộ bê-tông, bà con ở chợ lại thích nghi theo kiểu “trên bến, dưới thuyền”.
Viên An Đông có 14 ấp, dân sống từ huê lợi con tôm và rừng đước mang lại. Khoảng 1/4 dân số của địa phương có mô hình tôm sinh thái được công nhận (tổng số 531 hộ).
Ông Ba Phước (Nguyễn Văn Phước, ấp Tắc Biển) hồi nhớ: “Làm vuông phải tới những năm 80 của thế kỷ trước, còn con sú phải tới đầu năm 92-93 mới xuất hiện”.
Nhưng Miên nổi danh một thời về nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên. Theo lời ông Ba Phước, cua thì chỉ bắt cua gạch ăn chơi, còn lại gạt bỏ xuống sông. Tôm thì chỉ biết làm khô từ tôm bạc, đất, thẻ, sú. Dân tha hương cập bến, "khoét" rừng làm tạm cái cống cây để tới con nước thì xổ bắt cá tôm, vậy là có cái ăn, cái mặc.
Tôm - rừng là mô hình kinh tế bền vững của người dân cuối đất. Ảnh: T.Quang |
Cũng một thời, người ta chỉ biết phá rừng, chặt hạ đước, mắm để lấy diện tích mặt nước. Qua thời chiến tranh, số phận cây đước lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Vậy rồi nguồn lợi thiên nhiên cạn kiệt, sau đó là những vụ tôm chết nối dài. Ông Ba Phước kể lại: “Trong chòi mà ngó ra cái vuông trống trơn, khạp gạo cũng hết, nhiều người bắt đầu thắc mắc”.
Buồn tình, ông Ba lượm trái đước cặm đại trong vuông. Đước xanh dần, con tôm cũng “hồng hào” trở lại. Chắc là tôm nhớ đước, hay cây đước đã hồi sinh lại con tôm, sao cũng được, miễn là dân Nhưng Miên đã có lựa chọn phù hợp. Hiện tại, đi khắp xứ này mà hỏi: “Dám chặt đước để lấy hết diện tích nuôi tôm không?”, thì người ta sẽ lắc đầu nguầy nguậy: “Đừng có xúi bậy!”. Tôm Nhưng Miên giờ đã có thương hiệu, xuất khẩu tận trời Âu, quy trình sản xuất khép kín. Con tôm lớn lên từ nước phù sa, hít thở không khí của lá đước, không phân thuốc nhân tạo, khó có nơi nào sánh kịp.
Lâu lắm rồi không len lỏi những nhánh sông xa dưới bóng mát của hàng đước đôi bờ. Dù thế nào đi nữa, sông nước vẫn là cái gợi lên hồn cốt của xứ sở này. Ghé thăm điểm trường Xẻo Lá (thuộc trường Tiểu học 3 Viên An Đông) giờ tan học, học sinh nơi đây vẫn tìm con chữ bằng những chuyến đò, nhưng tuyệt nhiên không gợi lên cảm giác nhọc nhằn, gian khổ. Thêm ấm lòng bữa cơm mà các thầy cô trụ lại điểm xa xôi nấu cho các em giữa hai giờ học.
Bữa cơm trưa của cô trò điểm lẻ Xẻo Lá, trường Tiểu học 3, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Quốc Rin |
Thầy Ngô Văn Quyên và vợ là cô Phạm Thị Nga đều dạy ở điểm này, chia sẻ: “Vợ chồng tui làm tạm cái nhà, nhận nấu giùm bữa trưa cho các em học 2 buổi”. Chúng tôi nói vui rằng: “Học sinh chỗ khác dễ gì có được những bữa cơm tình cảm, không khí thầy trò và bạn bè đầm ấm như tụi em. Rồi sau này, những kỷ niệm về thời đi học tại Xẻo Lá sẽ khiến các em nhớ mãi”.
2. "Bao giờ hết đước Năm Căn/Tân Ân hết cá, Viên An hết rừng" (ca dao). Nhớ ông Hai Ứng (Tạ Văn Ứng, đã qua đời cách đây mấy năm) lần ấy dẫn chúng tôi ra thăm Đền thờ Bác Hồ ngay ở đầu doi chợ Ông Trang. Ông Hai là một trong những người trụ cột đứng ra xây dựng đền thờ tại Viên An ngay sau khi hay tin Bác Hồ qua đời. Đước Viên An, khi ấy chúng tôi đã viết một bài để ngợi ca và cảm phục. Giặc rải chất độc hoá học, đước chết đứng từng sọc dài, dân bỏ cơ ngơi của mình vào sâu trong rừng theo cách mạng. Ăn trái mắm thay cơm, cất từng lon nước ngọt để uống. Ngày toàn thắng, dân Viên An kết ghe biển thành bè thuỷ lục rước Bác lên thị xã Cà Mau.
Anh Diệp Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Viên An, tiếp chúng tôi bằng những thông tin phấn khởi: “Viên An bây giờ đã đạt được những kết quả tích cực trong quá trình phát triển, cái rõ nhất là mặt bằng đời sống Nhân dân đã được nâng lên”.
…Đêm trước, ghé thăm mấy anh ở Huyện uỷ Ngọc Hiển, đóng gần Vàm Lũng - Kiến Vàng, ngủ cùng với anh Sơn (Đoàn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Huyện uỷ), anh thủ thỉ: “Anh cũng dân Viên An nè, hồi trước mà muốn đi từ đây xuống đó mất nửa ngày chớ ít đâu”. Ai đời, từ trung tâm huyện đi xuống phía Đất Mũi còn cực hơn đi Cà Mau. Ngẫm ra mới thấy, sự hiện diện của lộ nhựa, cầu bê-tông nối những thước đất mới rõ phù sa ở đây còn quý hơn vàng. Xe bon bon trên con lộ cấp VI đồng bằng, nhà cửa san sát mé sông, còn bên này là đất vuông xanh màu cây rừng. Chợt nhớ câu thơ thuộc lòng từ lâu của Nhà thơ Nguyễn Bá: “Chắc bây giờ ở Viên An/Mùa đông đã rải lá vàng trong cây”.
Về Vịnh Nước Sôi thăm ông Tư Thanh (Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Viên An), một trong những người công tác từ thời Viên An còn là “xã lớn”, ông khoe: “Chú lính 962 à nghen!”. Chợt nhớ tới lời Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962: “Trai, gái Ngọc Hiển hồi đó mới nổi giò là muốn làm lính 962”.
Cái thời ông Tư Thanh nhớ là rừng đước minh thiêng, cá tôm bất tận. Dân Viên An làm nghề hạ bạc (tức làm câu, đẩy xiệp, đáy hàng khơi…) để mưu sinh. Người và đất Viên An một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, cả cây đước, cây mắm cũng quyết lòng đánh giặc. Ai không biết chớ ông Tư thì chắc chắn: “Viên An mà tính toán cho ngon thì sẽ còn phát triển dữ nữa”.
"Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, Viên An đều hội tụ đủ đầy. Còn cả chặng đường dài phía trước, nhưng ai cũng tin đất này rồi sẽ “thắm da, đỏ thịt".
3. Những ngày miên man theo hướng phù sa của con sông xuôi về cuối đất, chúng tôi được sống trong tình cảm của những người con ruột thịt trở về gia đình. Nhưng Miên, Viên An, nơi nào đi qua cũng gợi thương, gợi nhớ. Những câu chuyện thoáng qua, bao mặt người thân thuộc, nói làm sao hết rung động của lòng mình.
Ngoài kia, cơn chướng cuối năm cuốn mùi sông bùn quăng tới cảm giác rượi mát, tán đước ánh sắc trong cái nắng tươi vui. Còn chúng tôi, cứ mải mê xuôi dòng Cửa Lớn…/.
Phạm Hải Nguyên