ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 13:51:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xuôi dòng Cửa Lớn

Báo Cà Mau Trong khoảng thời gian gần 14 năm công tác, đã không ít lần tôi được ngồi ca nô, vỏ máy, xuôi dòng sông Cửa Lớn. Lần trở lại này cũng vậy, sông Cửa Lớn vẫn còn đó nét đẹp hoang sơ nhưng không kém phần hùng vĩ, không ngừng vun đắp phù sa cho rừng ngập mặn Cà Mau thêm trù phú.

>> Dòng sông đặc biệt ở Cà Mau

>> Ðáy bè trên sông Cửa Lớn

Sông Cửa Lớn từ lâu đã khoác lên mình rất nhiều cái “nhất”, nào là con sông duy nhất ở Việt Nam khởi nguồn từ biển và chảy ra biển; là con sông lớn nhất, dài nhất, sâu nhất, dòng chảy cũng mạnh nhất so với các con sông khác của tỉnh và là dòng sông có nhiều chi lưu nhất.

Không khởi hành từ thị trấn Năm Căn như những lần trước, lần này tôi xuất phát từ cửa Bồ Ðề, nơi sông Cửa Lớn tiếp nhận nước và phù sa của biển Ðông. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bồ Ðề là nơi những chiến hạm, tàu sắt Mỹ dập dìu. Từ đây, chúng theo sông Cửa Lớn đi khắp vùng Năm Căn.

Một ngã ba sông Cửa Lớn được người dân nơi đây gắn cho tên gọi theo địa danh là sông Tam Giang. Ðây là khúc sông gắn với nhiều chiến tích hào hùng, oanh liệt.

Ðội săn tàu Tam Giang (huyện Ngọc Hiển), đơn vị góp phần quan trọng đánh chìm 200 tàu sắt, tiểu pháo hạm, bẻ gãy chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của địch (1970). Ảnh tư liệu

Vừa là cán bộ quản lý địa phương, vừa là người con của vùng đất này, ông Phan Thái Ðiền, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Năm Căn, chia sẻ trong niềm tự hào: “Trong kháng chiến, đây là dòng sông mang nhiều yếu tố lịch sử, gắn liền với chiến tích đánh tàu trên sông Tam Giang. Còn ngày nay, sông Tam Giang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, nhất là nguồn lợi thuỷ sản".

Ông Chung Quang Thắm, một xạ thủ B41 tham gia nhiều trận đánh tàu trên sông Tam Giang thời kháng chiến chống Mỹ, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Trảng Lớn, xã Tam Giang, tự hào kể: "Từ những năm 1966, con sông Cửa Lớn, từ Bồ Ðề đến Ông Trang, là nhà của tôi và chiến sĩ Lữ đoàn 962, Quân khu 9, trong hành trình đánh tàu trên sông". Trong hành trình ấy, trận đánh ngay cửa Bồ Ðề đã in sâu trong tiềm thức người cựu chiến binh này. “Dù bị tập kích bất ngờ ngay sáng sớm, khi mọi người chưa thức giấc, nhưng với chiến thuật linh hoạt cùng lợi thế địa hình đã giúp chúng tôi chuyển từ thế bị động sang chủ động, đánh chìm 2 tiểu pháo hạm của giặc, đánh bại hoàn toàn kế hoạch dội pháo của chúng”, ông kể tiếp.

Cửa Hóc Năng, xã Tam Giang (huyện Ngọc Hiển) là một trong những cửa sông ra vào của Ðoàn 962. Ðây còn là bãi tập kết vũ khí trước khi phân phối đi các chiến trường. Ảnh tư liệu

Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Cà Mau dành khá nhiều dung lượng ghi nhận chiến tích những trận đánh tàu trên sông Cửa Lớn. Trong đó, nổi bật là Ðoàn 962 và các tiểu đoàn: 2014, 2315 (chủ lực khu), Ðại đội 82 của tỉnh, cùng với du kích xã, đã biến sông Cửa Lớn thành nỗi ám ảnh của các hạm đội lớn, nhỏ của địch và tiểu pháo hạm, hay tàu vận tải quân sự… với hàng trăm trận đánh. Trong đó, 3 trận đánh vào căn cứ nổi của hải quân Mỹ ở Năm Căn đã tiêu diệt và làm hỏng 66 tàu.

Dòng sông Cửa Lớn vẫn ngày đêm mang phù sa vun đắp cho những cánh rừng ngày thêm xanh tốt, cung cấp nước phục vụ nghề nuôi thuỷ sản và biết bao gia đình sống dựa vào nguồn lợi thuỷ hải sản mà con sông mang lại.

Ở tuổi 65, ông Nguyễn Văn Cười, ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, ngày đêm rong ruổi trên dòng sông này để mưu sinh. “Trước đây, tôi làm nghề câu giềng trên sông Cửa Lớn, từ Tam Giang cho đến thị trấn Năm Căn, giờ đã lớn tuổi nên chuyển qua làm nò. Hồi trước cá dưới sông nhiều như rọng trong khạp, nay đã giảm đi nhiều. Các con tôi lớn khôn dựng vợ, gả chồng cũng nhờ vào nguồn lợi của chính dòng sông này”, ông thân tình kể.

Thị trấn Năm Căn, đô thị sầm uất nhất trong suốt chiều dài hơn 58 cây số mà sông Cửa Lớn chảy qua, hiện đang được quy hoạch trở thành đô thị mang dáng vóc miền sông nước. Khu Kinh tế Năm Căn với định hướng sẽ trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến thuỷ sản vùng đồng bằng sông Cửu Long và của quốc gia, được Trung ương, tỉnh lựa chọn đặt tại huyện Năm Căn cũng một phần xuất phát từ lợi thế của con sông Cửa Lớn.

Sông Cửa Lớn, nơi đổ ra biển Ðông tại cửa Bồ Ðề.

Ông Trần Ðoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, chia sẻ thêm, sông Cửa Lớn từ lâu đã trở thành nguồn cung cấp nước, nguồn lợi thuỷ sản hình thành cánh đồng nuôi thuỷ sản rộng lớn. Nguồn lợi của sông Cửa Lớn đã góp phần hình thành nên khu vực nuôi tôm thâm canh với công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.

Sông Cửa Lớn chia đôi vùng đất rừng ngập mặn, một bên là huyện Năm Căn, một bên là huyện Ngọc Hiển, cùng với đó là hàng loạt hệ thống kênh, rạch đan xen nhau ăn sâu vào nội đồng. Từ đó, đã hình thành nên những khu dân cư dọc theo sông, chợ tại các ngã ba, ngã tư hoà vào dòng sông Cửa Lớn.

Ðến cửa Ông Trang, sông mở rộng dần ra như một vịnh biển, có nơi rộng hơn 1.800 m. Tại đây, sông Cửa Lớn lại rẽ thành 2 nhánh cùng đổ ra biển Tây. Giữa 2 nhánh sông này là khu rừng ngập mặn xanh bạt ngàn như một ốc đảo. Cũng như những nơi khác mà nó đi qua, nơi đây chủ đạo vẫn là màu xanh của rừng đước, xen lẫn trong đó là những xóm dân cư. Người dân, ngoài nuôi thuỷ hải sản còn hình thành nên nghề đóng đáy, lưới cá, lú, nò… để mưu sinh.

Ai cũng biết, Cà Mau là tỉnh có thế mạnh về nuôi và khai thác thuỷ hải sản. Dòng sông Cửa Lớn mang nguồn nước biển, từ Ðông lẫn Tây, đi sâu vào nội đồng thông qua hệ thống sông rạch nối liền với nó để giúp nghề nuôi thuỷ sản vùng đất cực Nam ngày một phát triển.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, kỳ vọng: "Sông rộng và sâu, đảm bảo cho các loại phương tiện vận chuyển hàng hoá trọng tải lớn lưu thông, cũng như cập cảng bốc dỡ hàng hoá. Hy vọng trong tương lai gần, khi được đầu tư Cảng nước sâu Hòn Khoai, hệ thống hạ tầng phục vụ theo định hướng phát triển kinh tế biển..., tiềm năng, thế mạnh của con sông Cửa Lớn sẽ được phát huy tối đa, góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững"./.

 

Nguyễn Phú

 

Liên kết hữu ích

Liên đoàn lao động tỉnh thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Đây là một trong những nội dung thuộc Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 của LĐLĐ tỉnh. Thông qua chương trình để đoàn viên, NLĐ thấy được vai trò của tổ chức công đoàn là "tổ ấm", là người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên, NLĐ.

Sửa chữa lộ thông thoáng trước Tết

Tuyến đường từ ngã ba Hải Thượng Lãn Ông và Huỳnh Thúc Kháng nối dài về hướng huyện Ðầm Dơi đã được đổ bê tông hoàn toàn để phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân, nhất là thời điểm Tết đang đến gần.

Chợ tết 0 đồng - ấm lòng hộ nghèo

Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP Cà Mau được vui xuân, đón tết, sáng nay (15/1), Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với CLB Nữ doanh nghiệp tổ chức “Chợ Tết 0 đồng”.

Khởi sắc nông thôn mới

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Phú Tân ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu, với nhiều dấu ấn rõ nét, tạo diện mạo mới khang trang cho vùng nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị... Kết quả này đã nhân lên niềm vui cho người dân quê hương Phú Tân.

Mang Tết đến nạn nhân chất độc da cam

Toàn TP Cà Mau có 899 người bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ. Phần lớn nạn nhân chất độc da cam cuộc sống còn nhiều khó khăn, lại thêm bệnh tật. Ðể bản thân và gia đình nạn nhân chất độc da cam phần nào vơi đi nỗi đau, mất mát đó, cứ mỗi dịp xuân về, Tết đến, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Hội Nạn nhân chất độc da cam) các cấp TP Cà Mau sẽ trao nhiều phần quà yêu thương đến những nạn nhân và gia đình họ.

Xoá hơn 1.100 căn nhà tạm, nhà dột nát

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, toàn tỉnh khởi công được 1.114 căn nhà.

Hùn vốn, góp công làm lộ

Những năm qua, nhờ làm tốt công tác xã hội hoá trong phong trào làm đường giao thông, cầu dân sinh nên xã Tân Hưng Ðông (huyện Cái Nước) trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới; qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, làng quê ngày càng khởi sắc.

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Vườn hoa "Sinh viên 5 tốt"

Từ phong trào “Sinh viên 5 tốt” đã xuất hiện nhiều tấm gương sinh viên nữ sống đẹp, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao giá trị của danh hiệu, hình thành lớp sinh viên (SV) có bản lĩnh, tri thức, sức khoẻ, khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế. Ðiển hình như các nữ SV tiêu biểu tại Trường Ðại học Bình Dương, Phân hiệu Cà Mau (Phân hiệu).

Tỉnh đoàn trao quà tết công nhân trên công trình cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

Chiều nay (13/1), Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức đoàn đến thăm, trao suất quà tết và 15 bao lì xì cho lực lượng công nhân thuộc Công ty Cổ phần Hải Đăng, TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang thi công trên công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua huyện Thới Bình.