ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-10-24 09:38:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðáy bè trên sông Cửa Lớn

Báo Cà Mau Sông Cửa Lớn (gọi là sông Tam Giang, sông Năm Căn) dài 56 km, là con sông duy nhất chảy từ biển Ðông sang biển Tây Cà Mau. Dòng sông bắt nguồn từ cửa Bồ Ðề biển Ðông chảy vào đến tận cửa Ông Trang biển Tây, với dòng nước lớn - ròng chảy rất mạnh, phù hợp với nghề đóng đáy. Chính vì vậy, nơi đây có trên 50 hàng đáy bè, đáy cặm, đáy neo... với hơn 500 miệng đáy, đem về nguồn cá, tôm rất lớn.

Ông Lương Văn Dừa (ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), làm nghề đáy bè trên sông Cửa Lớn, cho biết: "Theo quy định của ngành chức năng, hàng bè có 10 miệng đáy, mỗi miệng đáy gồm 1 chiếc ghe song đôi, kết thành hàng ngang sông, dài khoảng 140 m. Miệng đáy sâu 14,5 m, dài 100 m, được kết nối một kình dây gồm có 3 điêu (1 điêu cột bè, 2 dây táo đóng, mỗi dây táo đóng dài hơn 200 m). Khi con nước lớn vừa bình thì bắt đầu thả đáy cột điêu, vô dây táo đóng thả xuống sông, đến khi nước ròng, đáy tự rút để đón luồng tôm, cá".

Khi con nước ròng về đêm, người dân trên bè thả dây neo để đóng đáy. (Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Thu và ông Huỳnh Văn Chiến có 2 miệng đáy gần kề được nối với nhau bằng chiếc ghe song đôi. Hai người đang thả đáy vào lúc 10 giờ 56 phút đêm. Rằm tháng 8).

Ðóng đáy đêm là một nghề cực nhọc, vất vả và nguy hiểm. Là phụ nữ duy nhất trên hàng đáy bè vàm Ông Quyền, bà Nguyễn Thị Thu (vợ ông Dừa) chia sẻ: “Mỗi tháng có 2 con nước đóng đáy (nước Rằm và nước Ba mươi âm lịch), mỗi con nước kéo dài từ 3-5 đêm. Thời gian đóng đáy đêm tầm 5-7 tiếng, tuỳ theo con nước, theo mùa. Con nước Rằm trăng sáng, việc canh đáy có thuận hơn đôi chút; còn nước Ba mươi trời tối đen như mực, nước chảy xiết nên vô cùng vất vả”.

Trên từng chiếc ghe đáy bè có che chòi bằng lá để trú mưa, nắng. Trong lúc chờ nước ròng, ông Lương Văn Dừa tranh thủ vào chòi ghe chợp mắt để lấy sức đến khuya đổ đục cuốn đáy.

 

Ông Lương Văn Dừa, bà Nguyễn Thị Thu và ông Huỳnh Văn Chiến tranh thủ ăn vội chén mì cho đỡ đói lúc đêm khuya, trước khi cuốn đáy.

 

Ðây là công việc nặng nhọc và vất vả nhất của nghề đáy bè về đêm, nhất là với phụ nữ như bà Nguyễn Thị Thu, phải dùng hết sức lực để cùng chồng kéo những đục lên ghe. Thời điểm này đã qua 12 giờ đêm.

Dòng nước chảy mạnh, phải thức trắng đêm để canh, nếu có những vật dụng, cây cối trôi vào, đáy bị xé, coi như mất trắng. Ðóng đáy mỗi đêm chỉ đổ đục một lần, đó là thời điểm nước “nhửng lớn”, kéo miệng đáy lên mặt nước để giặt đáy, đổ đục, lựa cá. Công việc này gần như làm đến sáng mới hoàn thành.

Ông Huỳnh Văn Chiến phải bè xuồng theo dây cửa miệng đáy để vớt rác, không cho các vật dụng trôi vô đáy vào đêm khuya, rất nguy hiểm.

 

Khi con nước “nhửng lớn” cũng là lúc nửa đêm, ông Dừa giặt đáy để kéo lên xuồng.

 

Ðến 2 giờ 45 phút sáng, bà Nguyễn Thị Thu còn cặm cụi lựa cá để kịp bán phiên chợ sáng ở Năm Căn.

 

Ông Lương Văn Dừa rất vui khi cầm trên tay những thứ đặc sản đắt tiền như cá nâu, cua biển - thành quả của một đêm cực nhọc thức trắng đóng đáy bè trên sông.

Ðóng đáy bè, nghề bà cậu về đêm rất vất vả và không đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho bà con ngư dân mưu sinh bằng nghề đáy bè chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống.

 

Huỳnh Lâm thực hiện

 

Góc xanh trường học

Mang cây xanh vào trường học để tạo môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện... là phong trào đang được nhân rộng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Cách làm này vừa tạo mỹ quan, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhịp sống trên đồng

Những ngày này, khi mực nước trên đồng dâng cao là lúc người dân được “lộc trời ban” để cải thiện thu nhập lúc nhàn rỗi, với các nghề như: đẩy côn, nhổ bông súng, nhổ năn, nhổ hẹ nước, giăng lưới... Cá đồng, rau đồng cho bà con thu nhập trên 200 ngàn đồng/ngày.

Vật nuôi giảm nghèo

Hộ nghèo đa phần không có hoặc ít đất sản xuất, hạn chế nguồn vốn tích luỹ, thế nên những loài vật nuôi như: ếch, lươn, rắn ri tượng, gà nòi lai, bò... được xem là lựa chọn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, góp phần giúp hộ nghèo cải thiện đời sống.

Nhộn nhịp Cảng cá Sông Ðốc

Cảng cá Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) đi vào hoạt động năm 2010, cầu cảng dài 200 m, năng lực tiếp nhận bốc dỡ thuỷ sản cùng lúc khoảng 8 tàu, sản lượng thuỷ sản 45 ngàn tấn/năm, đáp ứng nhu cầu bốc xếp, lên xuống hàng hoá, thuỷ sản.

Những đôi tay tài hoa

Trách nhiệm, cộng với sự khéo léo, từ đôi bàn tay người lao động chân chính làm những ngành nghề thủ công, đến người thực hiện công việc chuyên môn cao... tất cả đã tạo nên những gam màu tương sáng trong cuộc sống.

Thư giãn giữa lòng thành phố

Công viên Văn hoá Hùng Vương và Hồng Bàng toạ lạc ngay trung tâm TP Cà Mau, từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự bình yên và nhịp sống nhẹ nhàng của người dân nơi đây.

Nhộn nhịp mùa cấy

Hiện nay, trên cánh đồng một số xã thuộc các huyện: U Minh, Thới Bình, Cái Nước nhộn nhịp vào mùa cấy lúa trên đất nuôi tôm. Từ hiệu quả mang lại sau nhiều năm thực hiện mô hình, cùng với giá lúa, giá tôm tăng trở lại, giúp bà con có thêm động lực khi bắt tay thực hiện vụ mùa mới.

Lò bánh tất bật mùa Trung thu

Còn khoảng một tuần là đến tết Trung thu, thời điểm này các lò bánh trong tỉnh, nhiều nhất là ở Phường 4, TP Cà Mau, đang tất bật sản xuất bánh phục vụ cao điểm thị trường tiêu dùng tết Trung thu năm nay.

Chợ trên sông

Đó là các ghe, xuồng, vỏ lãi chở các mặt hàng nhu yếu phẩm, gia dụng, thực phẩm, rau củ quả, cũng có khi là hàng thủ công, hoa kiểng, dao rèn... cứ xuôi theo con nước lớn, ròng qua từng kênh, rạch.

Bình dị mà thân thương!

Nông thôn Cà Mau đang trong tiến trình đổi mới, song vẫn giữ được nét đẹp hồn quê. Khung cảnh thiên nhiên yên bình và những sinh hoạt thường nhật, bình dị, giản đơn như việc vui đùa của trẻ nhỏ, khoảnh khắc lao động của người quê gắn với bếp xưa, nghề cũ...