ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 05:38:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Yêu thương ở Trường Hy Vọng

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày tháng 6, trong cái nắng đỏ lửa của miền Trung, tôi có dịp được tháp tùng cùng đoàn đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc những người viết văn trẻ về thăm Trường Hy Vọng (Hope School) tại TP Đà Nẵng. Xuất phát từ ý tưởng của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, với mục tiêu nuôi dưỡng, đào tạo khoảng 1.000 trẻ em mồ côi cha mẹ vì đại dịch Covid-19 trên khắp cả nước, ngôi trường trở thành địa chỉ đỏ nhân văn, mái ấm hy vọng của nhiều cảnh đời trẻ thơ không may mắn.

Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Dự án Hope School, thông tin: “Hiện tại, ở giai đoạn đầu tiên của dự án, nhà trường đã đón 34 học sinh từ nhiều địa phương về để nuôi dưỡng, đào tạo. Ở đây, các em sẽ được sống trong tình yêu thương, điều kiện ăn ở, học hành chu đáo. Mong mỏi của những người thực hiện dự án là chia sẻ những mất mát, thiệt thòi của các em, giúp các em có thêm nghị lực, niềm tin để vượt qua những biến cố, cùng thắp lên hy vọng về cuộc sống tốt đẹp trong tương lai”.

Trường Hy Vọng sẽ nuôi dưỡng, đào tạo cho khoảng 1.000 em học sinh mồ côi cha mẹ do đại dịch Covid-19 trên khắp cả nước do Tập đoàn FPT bảo trợ.

34 học sinh của nhà trường là 34 cảnh đời riêng, đủ lứa tuổi từ mầm non đến sắp vào giảng đường đại học. Trong số đó, có nhiều em đã mất cả cha lẫn mẹ vì đại dịch Covid-19. Dự án Hope School với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đã len lỏi về nhiều địa phương khắp cả nước ròng rã 3 tháng trời để tìm và đưa các em về tổ ấm mới.

Tận mắt thấy điều kiện ăn, ở, học hành và tình yêu thương của thầy cô giáo dành cho những học sinh đặc biệt này, mới thấy rằng trong cuộc đời này, vẫn còn đó thắm thiết, nồng ấm những giá trị nhân văn của lương tri, của tình người.

Hôm ghé thăm trường, các em đã chuẩn bị sẵn ngoài góc công viên xanh sân trường một cây đàn piano, đồng phục màu xanh, đội ngũ chỉnh tề. Theo nhịp hiệu lệnh của các thầy cô giáo, giai điệu của bài hát “Hạt gạo làng ta” trầm bổng vang lên. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có mặt hôm ấy, cũng chính tác giả bài thơ “Hạt gạo làng ta”, sững người, xúc động.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa say mê đọc thơ tặng các em học sinh Trường Hy Vọng. Đây là lần đầu tiên các em học sinh nơi đây được gặp nhà thơ thần đồng của lứa tuổi thiếu nhi Việt Nam bằng xương, bằng thịt trong sự háo hức, vui mừng.

Bài hát đã kết thúc rồi, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bước lên nói: “Các cháu hát hay lắm, chắc nhiều cháu ở đây chưa được gặp Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả bài thơ mà các cháu vừa hát, bằng xương, bằng thịt. Đây, Trần Đăng Khoa, nhà thơ mà các cháu yêu quý đây”.

Thế là các em học sinh vây quanh Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong cảm xúc vỡ oà vui sướng, ngỡ ngàng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa như trở về tuổi ấu thơ, hồn nhiên gọi các bạn và xưng hô “cậu - tớ”. Nhà thơ nói với các bạn của mình phải ăn ngoan, ngủ khoẻ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, chăm chỉ học hành. Nhà thơ “thần đồng” viết cho lứa tuổi thiếu nhi bằng sự rung động sâu sắc, đọc những bài thơ mà các em đã thuộc nằm lòng. Cả không gian chỉ còn lời thơ dìu dặt và những ánh mắt tròn xoe, trong vắt.

Đến với các em Trường Hy Vọng, Hội Nhà văn Việt Nam mang theo lời cam kết: “Tất cả các loại sách vở, văn phòng phẩm phục vụ cho việc học tập của nhà trường, bằng các nguồn vận động hội sẽ đồng hành và chu toàn tất cả”. Nhưng với Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Vật chất chỉ là phương tiện, chỉ có tình yêu thương của con người với nhau mới là cách để cuộc sống này đáng sống hơn. Các em hãy sống, sống tốt, sống đẹp, sống thay phần cuộc đời cha mẹ của các em. Sống vì tương lai của đất nước này”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam với quà tặng đặc biệt của các học sinh Trường Hy Vọng, Đà Nẵng là bức chân dung được nung bằng đất.

Ở những góc nhỏ sân Trường Hy Vọng hôm ấy, những tác giả trẻ từ khắp mọi miền đất nước đã bồi hồi, thổn thức, tìm thấy cho mình giây phút lắng đọng về câu hỏi lớn: “Vì sao chúng ta viết?”. Không chỉ văn chương, ở mái trường này, còn vẳng lên những câu hỏi của chân giá trị cuộc đời: “Vì sao chúng ta sống?” và “Chúng ta phải sống như thế nào cho xứng đáng?”...

Tác giả Tạ Ngọc Điệp, ở Gia Lai, rưng rưng nước mắt, chia sẻ: “Quả thật, mình còn quá may mắn trong đời sống này. Ở ngôi trường này, mỗi em đều trải qua những biến cố lớn lao. Ngôi trường này sẽ là hy vọng của các em, cũng là nơi tình yêu thương toả sáng. Nếu không có những mái ấm như thế này, tôi không dám nghĩ tới cuộc đời các em, tương lai của các em sẽ về đâu”.

Trong số học sinh ở đây, chị Điệp chú ý một em gái nước da ngăm đen, đôi mắt to tròn, chị hỏi han. Em mất mẹ vì đại dịch Covid-19, chị Điệp ân cần chép địa chỉ, số điện thoại của mình và dặn dò: “Em sắp thành thiếu nữ rồi, không có mẹ, sẽ có chị đồng hành, có gì riêng tư, thầm kín cứ hỏi chị nhé!”. Cứ thế, những địa chỉ gởi trao nhau sự tin cậy, thương yêu.

Tác giả Tạ Ngọc Điệp, Gia Lai, ghi địa chỉ liên hệ cho một em học sinh Trường Hy Vọng với mong muốn gắn bó, đồng hành, san sẻ cùng em trong tương lai.

 Một em học sinh bé nhỏ nhất của trường nói với các cô, chú ước ao của mình: “Con muốn một con gấu bông màu trắng, một chiếc đầm màu trắng”. Ngay lập tức, chiều hôm ấy, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trao tận tay em những món quà nhỏ bằng tất cả sự yêu thương.

Với Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bức tượng đất nung có chân dung của nhà thơ được chính các em Trường Hy Vọng làm và trao tặng, ông ôm ấp, nâng niu trong lòng không rời suốt cả hành trình. Đó là món quà mà ông khẳng định với các bạn học sinh rằng: “Bác sẽ chuyển món quà này vào bảo tàng của Hội Nhà văn, để lưu giữ mãi tình cảm của các em, để mãi mãi cuộc đời này là hy vọng như tên trường và tương lai của tất cả các em”.

Một ngày ở ngôi Trường Hy Vọng, mất mát, nỗi đau đã qua rồi. Các em ở đây, với tổ ấm mới, đều có chung một cái tên, một kỳ vọng lớn lao cho cuộc đời phía trước, đó chính là Hy Vọng./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.

Ðảm bảo chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), cho biết, toàn ngành sẽ tập trung quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong mọi hoạt động giáo dục: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể - thầy cô giáo làm động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình làm điểm tựa - xã hội làm nền tảng".