Đối với công tác chủ nhiệm lớp, việc hiểu rõ quá trình hình thành và phát triển của tập thể có giá trị rất quan trọng, quyết định hiệu quả việc quản lý lớp. Do đó, giáo viên cần theo sát và can thiệp hợp lý, kịp thời nhằm giúp sinh viên xây dựng và phát triển tập thể lớp ổn định, vững mạnh. Ðây là hoạt động cần thiết không chỉ của riêng Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau mà là của tất cả các trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.
Đối với công tác chủ nhiệm lớp, việc hiểu rõ quá trình hình thành và phát triển của tập thể có giá trị rất quan trọng, quyết định hiệu quả việc quản lý lớp. Do đó, giáo viên cần theo sát và can thiệp hợp lý, kịp thời nhằm giúp sinh viên xây dựng và phát triển tập thể lớp ổn định, vững mạnh. Ðây là hoạt động cần thiết không chỉ của riêng Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau mà là của tất cả các trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.
Khi bước vào môi trường học tập mới, sinh viên còn bỡ ngỡ, lạ lẫm. Dần dần, các em có nhu cầu giao lưu, kết bạn theo những tiêu chuẩn riêng. Ðôi khi chỉ cần tương đồng về một sở thích nào đó, hoặc cùng quê quán… là họ có thể tập hợp lại thành nhóm chơi chung. Ðây là một trong những phương thức phổ biến hình thành nên những nhóm nhỏ trong lớp học giai đoạn đầu hình thành.
Giáo viên và sinh viên cùng tham gia hoạt động thể thao. |
Giai đoạn phát triển thứ hai của một tập thể lớp bắt đầu khi sinh viên đã có sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Sinh viên quen dần với việc học tập và hoạt động tại trường, quen thầy, quen bạn. Từ đó, thể hiện khả năng của bản thân, cũng như bộc lộ dần những cá tính riêng. Từ việc chơi với nhau vì cùng quê, cùng sở thích, sinh viên bắt đầu lập nhóm theo những tiêu chuẩn ổn định hơn như: cùng quan điểm sống, cùng mục đích phấn đấu, cùng điều kiện sống… Những tiêu chuẩn này làm cho từng cá nhân gắn bó hơn với nhóm, tạo thành tập thể ổn định, gắn bó ngày càng chặt chẽ với nhau hơn.
Giai đoạn này là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của tập thể lớp. Nền nếp của lớp học cũng được hình thành mạnh mẽ trong giai đoạn này. Nếu các nhóm và từng thành viên có thể đoàn kết, gắn bó với nhau sẽ thành tập thể vững mạnh, tiến bộ.
Cuối cùng là giai đoạn ổn định của tập thể khi tập thể lớp, từng cá nhân đã hoàn thiện về mặt tổ chức và nhận thức. Qua thời gian học tập và hoạt động, những suy nghĩ, thói quen và ý thức của sinh viên đã được hình thành, rất khó tác động để thay đổi. Lúc này, sinh viên thật sự thích nghi với môi trường sống, học tập, tự tin bộc lộ cá tính và sở trường của bản thân. Tập thể sẽ tiếp tục duy trì và phát triển theo cách thức đã được hình thành qua từng giai đoạn trước đó.
Những can thiệp cần thiết của giáo viên chủ nhiệm
Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của lớp, giáo viên chủ nhiệm có thể tác động để giúp tập thể lớp hoàn thiện. Ở giai đoạn sinh viên mới vào trường, giáo viên cần quan tâm, hướng dẫn để sinh viên quen dần với môi trường học tập mới, với những nền nếp, khuôn khổ của nhà trường.
Ý thức tổ chức kỷ luật của sinh viên sẽ được hình thành mạnh mẽ ở giai đoạn này. Sự quan tâm, giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm sẽ làm sinh viên yên tâm, tự tin trong hoạt động học tập và giao tiếp, cũng như hình thành những thói quen tốt cho sinh viên. Giáo viên cần sinh hoạt cùng với lớp thường xuyên, nhắc nhở và kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế của trường. Kịp thời thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và giải đáp những thắc mắc, trăn trở của sinh viên sẽ giúp giáo viên chủ nhiệm quản lý lớp tốt hơn.
Khi sinh viên đã quen với môi trường học tập tại trường, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sát sao sự tiến bộ của từng thành viên, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và hoàn cảnh cũng như năng lực học tập, năng khiếu, sở trường của từng thành viên. Lúc này, giáo viên hướng các em vào những hoạt động chung của tập thể, hình thành mối quan hệ gắn bó, đoàn kết trong lớp, cũng như phát huy được tính tích cực, chủ động, tinh thần tập thể, tính kỷ luật của từng thành viên.
Giáo viên cần tổ chức cho lớp lựa chọn ra ban cán sự bao gồm những bạn tích cực, nhiệt tình trong các hoạt động và được sự tín nhiệm, ủng hộ của số đông thành viên lớp. Ðể ban cán sự làm việc hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm cần hướng dẫn công việc cũng như gần gũi, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống và công việc, nhận phản hồi thường xuyên của ban cán sự và xử lý kịp thời những thông tin do ban cán sự cung cấp. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cần khuyến khích sinh viên đóng góp ý kiến xây dựng tập thể, tạo không khí thoải mái, dân chủ trong lớp học, giúp sinh viên thể hiện chính kiến và lắng nghe ý kiến của các thành viên khác trong lớp.
Khi đã tạo được tập thể lớp ổn định, giáo viên chủ nhiệm chỉ cần giám sát, giúp đỡ, hướng dẫn kịp thời để lớp duy trì sự phát triển ổn định. Lúc này, sinh viên đã chính chắn hơn, tự tìm đến những hoạt động trong và ngoài trường nhằm rèn luyện những kỹ năng mềm. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm không nên lơ là mà phải sát sao, gần gũi, động viên để sinh viên học tập và hoạt động theo định hướng của giáo viên.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cần tìm kiếm, thay đổi biện pháp để công tác quản lý lớp đạt hiệu quả cao nhất, vì công tác chủ nhiệm lớp đòi hỏi tính nghệ thuật và sự thấu hiểu sinh viên. Lúc này, giáo viên chủ nhiệm đã biến quá trình quản lý thành quá trình tự quản lý, vươn tới thực hiện và hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục - đào tạo./.
Bài và ảnh: Nhật Huỳnh