Đến Năm Căn, sau khi thưởng thức các món ăn được chế biến từ cua, tôm, ba khía muối, du khách gần xa sẽ được “tráng miệng” bằng bánh phồng tôm. Đây là những đặc sản nổi tiếng của đất Năm Căn.
Đến Năm Căn, sau khi thưởng thức các món ăn được chế biến từ cua, tôm, ba khía muối, du khách gần xa sẽ được “tráng miệng” bằng bánh phồng tôm. Đây là những đặc sản nổi tiếng của đất Năm Căn.
Bánh phồng tôm ngon, nổi tiếng lâu nay ở huyện Năm Căn giờ đã có mặt khắp cả nước. Ông Mai Sáu (chủ cơ sở bánh phồng tôm Vĩnh Hoà Phát, ấp 2, xã Hàng Vịnh), ăn nên làm ra từ nghề truyền thống này. Hiện nay, có khoảng 30 hộ dân của xã Hàng Vịnh làm bánh phồng tôm.
Mở rộng thị trường
Năm 2005, bà Trần Thị Tuyết Nhung, vợ ông Mai Sáu, làm bánh phồng tôm đem bán chợ gần nhà. Sau nhiều người tìm đến đặt mua, số lượng bán ngày càng nhiều, ông bà bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất. Từ tháng 1 đến tháng 9 âm lịch, mỗi tháng, cơ sở cho ra lò gần 2 tấn bánh phồng tôm. Những tháng giáp Tết Nguyên đán, đơn đặt hàng của khách tăng gấp 3-4 lần. Nhờ đó, hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương đã có thêm thu nhập sắm sửa cho ngày Tết.
Thợ đang chạm khắc để hoàn thiện sản phẩm tại cơ sở sản xuất đồ gỗ Tiến Lĩnh. |
Sau khi được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Cà Mau năm 2014, 4 lần tham gia hội nghị khách hàng, trưng bày sản phẩm tại Hội chợ TP Hồ Chí Minh, năm 2015, cơ sở bánh phồng tôm Vĩnh Hoà Phát ký hợp đồng cung ứng bánh đều đặn hơn. Bà Nhung thông tin thêm, cơ sở lắp đặt dây chuyền sản xuất bánh công nghệ mới gồm: 1 máy ép bánh loại tròn, 1 lò hấp, 1 lò sấy bánh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mẫu bánh của cơ sở được khách hàng ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chấp nhận.
Sản xuất theo nhu cầu khách hàng
Theo chân anh Nguyễn Kim Lĩnh (chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Tiến Lĩnh, khóm 8, thị trấn Năm Căn), chúng tôi về tận cơ sở để tìm hiểu nghề gia công và sản xuất đồ gỗ. Dù bị những cuộc điện thoại của khách hàng ngắt ngang cuộc trò chuyện, nhưng anh Lĩnh vẫn say sưa nói về nghề.
Thấy tôi chăm chú chiếc tủ ti-vi mà nhóm thợ vừa hoàn thành công đoạn cuối để kịp giao cho khách hàng ở TP Cà Mau, anh Lĩnh cười tâm đắc: "Để hoàn thành nó với hàng chục chi tiết phải cần 5 ê-kíp thợ cho 5 công đoạn riêng biệt (cưa, mộc, cẩn, tiện, sơn)".
4 năm trước, anh Lĩnh vẫn quyết định sản xuất, kinh doanh đồ gỗ dù biết người tiêu dùng Năm Căn ưa chuộng đồ nội thất bằng nhôm, bởi mặt hàng này vừa túi tiền. Nhưng rồi, nhờ anh Lĩnh năng động nắm bắt thị trường, thị hiếu của khách hàng, đầu tư mua sắm máy móc hiện đại mà số lượng sản phẩm bán ra không ngừng tăng, từ 800 sản phẩm trong năm 2014, tăng lên trên 1.000 sản phẩm năm 2015, doanh thu đạt trên 700 triệu đồng. Cơ sở đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 15 lao động với mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Văn Trung, thợ mộc tại cơ sở Tiến Lĩnh, chia sẻ: "Hồi trước, 1 người đóng 1 chiếc tủ hoàn chỉnh mất 1 tháng. Bây giờ, có máy móc sản xuất gần như là dây chuyền, nên chỉ 10 ngày là xong. Để nâng cao giá trị chiếc tủ, ngoài sử dụng các loại gỗ quý như cẩm lai, mun…, chúng tôi còn chạm khắc các chi tiết như phong cảnh non nước, bộ tứ quý: mai, lan, cúc, trúc, cầu kỳ hơn là tứ linh: long, lân, qui, phụng. Tương tự bộ ghế, giường, tủ áo, tủ thờ cũng được tạo vẻ lấp lánh, sang trọng hơn khi cẩn thêm xà cừ”.
Là người xứ Huế, anh Kim Lĩnh chọn vùng đất Năm Căn lập nghiệp cũng chỉ vì câu nói của người bạn "Năm Căn là vùng rừng vàng, biển bạc". Trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình, anh Lĩnh xác định: “Không làm sản phẩm đại trà mà tập trung sản phẩm chất lượng, độ bền cao, đảm bảo sự hài lòng cho khách hàng".
Chính nhờ kinh doanh theo phương châm đó mà sản phẩm của cơ sở gia công, sản xuất đồ gỗ Tiến Lĩnh được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2015 và nằm trong Top 100 thương hiệu nổi tiếng 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2014./.
Bài và ảnh: Như Quỳnh