(CMO) Tôi nhớ mãi lời này của cố Trung tướng Nguyễn Việt Quân (nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, nguyên Chính uỷ Quân khu 9) trong lần ông về thăm lại đất Ðầm Dơi cách đây mươi năm. Tôi cũng là dân xứ Ðầm, khi ấy là phóng viên mới chân ướt chân ráo vô nghề, được theo một vị tướng về quê mình thì vừa hồi hộp, vừa tự hào. Lần đó, tôi về viết bài “Vị tướng bình dân”, được chú Hai Bé (Nhà báo Nguyễn Bé, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Cà Mau) khích lệ: “Ðọc được”. Chú Hai Bé còn nói, “có gởi bài đến Trung tướng Nguyễn Việt Quân đọc, ông gởi lời cảm ơn tác giả”.
Cố Trung tướng Nguyễn Việt Quân, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, nguyên Chính uỷ Quân khu 9. Ảnh tư liệu |
Cuối năm 2017, duyên may, tôi được tháp tùng theo đoàn làm phim tài liệu về Trường Thiếu sinh quân Lý Tự Trọng ghé tư gia của vị tướng, ông Ba Việt Quân (bí danh của Trung tướng Nguyễn Việt Quân) vẫn nhận ra tôi, bắt tay cười tươi: “Cậu phóng viên báo Cà Mau lần trước cùng chú về Ðầm Dơi thăm chiến trường xưa đây mà”. Ðầu năm 2023, nghe tin “Vị tướng bình dân” từ trần, thật bàng hoàng thương tiếc.
Mới hôm rồi, về xã Tân Ðức, ông Năm Lạc (Phạm Hồng Lạc, nguyên Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Ðức), ấp Tân Thành Lập, hỏi: “Cháu làm phóng viên có biết tới ông Trung tướng Nguyễn Việt Quân không? Mấy năm trước, ổng có về đây thăm bà con nè”. Khi được thông tin Trung tướng Nguyễn Việt Quân vừa từ trần hồi đầu năm, ông Năm Lạc trầm ngâm: “Miếng đất chú ở hiện giờ, hồi xưa là khu tự túc của Trường Thiếu sinh quân Lý Tự Trọng, cho đến hết năm 1973, trường mới dời đi. Ông Ba Việt Quân cũng gắn bó máu thịt với xứ sở này”...
Khi được các anh lãnh đạo UBND xã Tân Ðức tặng cuốn Lịch sử Ðảng bộ, tôi ngạc nhiên: “Sao là lịch sử Ðảng bộ Tân Thuận?”, các anh giải thích: “Thì Tân Ðức được tách ra từ Tân Thuận vào khoảng năm 1979, 1980. Còn trước đó, là chung cội, chung nguồn của xã Tân Thuận”. Mà lịch sử còn lưu lại, Tân Thuận là một trong những thôn xóm đầu tiên của vùng Ðầm Chim (Ðầm Dơi ngày nay), rộng ra là cả mảnh đất Cà Mau thời khẩn hoang, mở cõi.
Câu chuyện của ông Năm Lạc vẫn rì rầm, như tái hiện những trường đoạn lịch sử của đất và người Tân Ðức. Từ thời kháng Pháp, đồng chí Phan Trọng Tuệ, đồng chí Tăng Thiên Kiêm, đồng chí Ung Văn Khiêm..., những cán bộ cấp cao của Xứ uỷ Nam Bộ, Khu 9, đã về đây đứng chân hoạt động. Ðặc biệt, giai đoạn 1949-1955, Trường Ðảng Trường Chinh của Xứ uỷ Nam Bộ, trường của Ban Tuyên huấn Xứ uỷ Nam Bộ đã lựa chọn Tân Ðức làm nơi tổ chức giảng dạy, đào tạo cán bộ toàn miền Nam. Ðồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ và đồng chí Lê Ðức Thọ, Phó bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Xứ uỷ Nam Bộ, trực tiếp về giảng dạy.
Ðất và người Tân Ðức một lòng son sắt theo Bác Hồ, theo Ðảng. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Ðằng từng đánh giá về cốt cách con người xứ Ðầm rằng: “Người dân xứ này vốn mang dòng máu ngang tàng, hào hiệp”. Ðể rồi qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm trong thời đại Hồ Chí Minh, xứ sở này trở thành căn cứ địa kháng chiến cách mạng với chiến công nối tiếp chiến công.
Máu xương, công lao của các thế hệ tiền nhân đã đổ xuống đất này, như lời ông Năm Lạc nói: “Tôi và anh nhà báo ung dung ngồi nói chuyện như bây giờ, phải nhớ tới sự hy sinh lớn lao của người đi trước. Hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc không tự dưng mà có, không ở trên trời rơi xuống”. Trên Bia liệt sĩ ghi danh, Tân Ðức có 212 người con ưu tú đã hiến dâng đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Những dòng tên trong cái nắng tháng Ba xanh trời, bạt mây như lấp lánh ánh hào quang. Còn những con người của thời khắc hôm nay, đứng đó, không phải trước tượng bia mà là trước tấm gương soi chiếu thấu suốt về nguồn cội; về lẽ sống và ý nghĩa sống của đời mình.
Vùng sông, rạch Tân Ðức giờ không còn cách trở đò giang, sự phát triển đột phá về hạ tầng giao thông đã mang tới diện mạo nông thôn khang trang, tươi đẹp cho vùng quê này. Ảnh: QUỐC RIN |
Ông Nguyễn Vĩnh Nghi, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ðức, nói vui rằng: “Giờ xứ sông rạch Tân Ðức không còn xuồng ghe, vỏ lãi đâu mà kiếm nghen”. Còn nhớ cách đây chưa lâu, về Tân Ðức, Tân Thuận, anh em phóng viên phải đi nhờ đường bộ tỉnh bạn Bạc Liêu, cắt phà ngang sông Gành Hào mới tới. Hoặc là về trung tâm huyện lỵ Ðầm Dơi đi đò dọc, ca nô, chớ đường bộ thì... chỉ để bà con đi bộ. Nay, trục lộ Ðông - Tây rộng rinh, về Tân Ðức vừa nhanh, vừa êm.
Và danh hiệu nông thôn mới của Tân Ðức vẫn còn nóng hổi nỗi mừng vui trong từng mặt người, câu nói. 55 tuổi Ðảng, 76 tuổi đời, ông Năm Lạc tâm sự gan ruột: “Nông thôn mới rồi, phấn khởi lắm! Nhìn vào đời sống khấm khá của bà con, nhìn vào diện mạo khang trang, đẹp tươi của quê mình, tôi càng nhớ tới lời dạy của Bác Hồ là phải “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Mà muốn được vậy thì từng xóm làng, từng xã phải phấn đấu để giàu hơn, đẹp hơn chớ”.
Sông nước, đước mắm, biền dừa nước lao xao trong gió lộng, Tân Ðức vẫn còn đó những dấu tích thời khẩn hoang, mở cõi. Bom đạn qua rồi, người Tân Ðức bây giờ không còn cách trở đò giang, không còn cảnh nghèo đói bám riết, nói như ông Nguyễn Văn Do, Trưởng ấp Tân Thành Lập là “phải tính chuyện làm giàu, rồi giàu thiệt sự”. Hay như lời của một người trẻ tên Trần Hồng Diễm, cán bộ xã Tân Ðức: “Em về công tác được mấy năm thôi, ngó lại, thấy xã nhà đã phát triển quá trời”.
Những lời tự hào về quê hương Tân Ðức mà chúng tôi ghi lại, không hề là những câu nói vui cửa miệng cho đã, cho sướng. Cái chất “ngang tàng, hào hiệp” vẫn chảy trong huyết quản của con người nơi đây, được bồi đắp thêm bởi những tin cậy của hiện thực tươi mới hôm nay và khát vọng cho chặng đường phía trước, bật ra thành niềm tự hào khôn xiết.
Phía xa, sông Gành Hào từ cửa Gành Hào chạy qua Tân Ðức, đổ về Mương Ðiều, trổ ra Cà Mau; dòng Bọng Két chạy từ cửa Giá Lồng Ðèn, về Tân Ðức rồi hợp nước ở phía Ðầm Dơi. Về mảnh đất cố cựu của xứ Ðầm, tôi lại càng thấm thía câu nói của vị tướng đã về cõi người hiền: “Ðất này là đất anh hùng”./.
Ghi chép của Phạm Quốc Rin