Xã hội hiện đại, trẻ em dễ dàng tiếp cận và sử dụng thông thạo điện thoại thông minh, các ứng dụng Internet vào nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, môi trường mạng phức tạp, trẻ dễ dàng bị dẫn dụ, thu hút bởi nhiều thông tin chưa phù hợp độ tuổi, gây nên những sai lầm không đáng có. Do đó, trẻ cần được trang bị kiến thức và kỹ năng an toàn trên không gian này.
Khác với những năm trước, khoá học kỹ năng hè năm 2024 tại Trường Việt Anh (Phường 9, TP Cà Mau) mở rộng nhiều nội dung, hướng dẫn các em sử dụng Internet an toàn tại nhà.
Khoá kỹ năng hè dành cho các em từ 8-12 tuổi, với 18 buổi học, chia làm 3 kỹ năng chính: tư duy tài chính; sử dụng Internet an toàn; luyện giọng biểu cảm.
Người học sẽ tiếp cận một số nội dung như: cách xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội (nên đăng tải những thông tin gì; khi các em tham gia mà thấy gặp nguy hiểm, không an toàn, bị lừa đảo, mạo danh sẽ liên lạc với ai, nhờ sự can thiệp giúp đỡ từ ai); cách tìm và nhận biết những nguồn thông tin chính thống đáng tin cậy trong thời buổi tin giả tràn lan đánh lừa người xem; cách chọn lọc thông tin phù hợp với sở thích và độ tuổi; nhận biết tương tác ảo - thật và cảnh giác trước mọi nguy cơ...
Các bạn nhỏ tham gia tương tác nhận diện nền tảng, ứng dụng xã hội thông dụng hiện nay, từ đó cho ý kiến việc sử dụng Internet và những rủi ro tiềm ẩn từng gặp.
Theo đó, sẽ giúp các em có tư duy tích cực và đánh giá được nội dung của các trang web, email và các nội dung trực tuyến khác. Bảo vệ trẻ khỏi các mối đe doạ trực tuyến, bao gồm bắt nạt và lừa đảo. Chia sẻ một cách thông minh, tôn trọng người khác trên mạng, bao gồm cả việc tôn trọng quyền riêng tư. Các em cũng học cách tìm kiếm trợ giúp của cha mẹ hoặc những người có thể tin tưởng khi gặp khó khăn.
Không chỉ hướng đến trang bị kiến thức, mà các buổi học, xen kẽ đến 80% thời gian dành cho thực hành, trải nghiệm cùng giáo án "Em an toàn hơn cùng Google", dạy kỹ năng thiết yếu khi tương tác trên không gian mạng.
Cô Lê Hoàng Nguyệt Quế, giáo viên Trường Việt Anh, người hướng dẫn kỹ năng sử dụng Internet an toàn, chia sẻ: “Khoá học sẽ đa dạng nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng có điểm chung là các trẻ đều biết và sử dụng thành thạo Internet và một số ứng dụng trực tuyến. Trọng tâm nội dung hướng tới sẽ trang bị cách sử dụng mạng an toàn, thông minh; tỉnh táo, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng mình tham gia. Qua thực tế tương tác, tôi nhận thấy đa số các em khá quen thuộc với việc dùng mạng trên các thiết bị thông tin, điện tử có kết nối Internet khi tuổi đời còn quá nhỏ, trải nghiệm sống chưa nhiều, chưa biết cách bảo vệ bản thân”.
Em Nguyễn Thanh Bảo Ngân, 8 tuổi, cho biết: “Em có điện thoại riêng, nhưng sử dụng dưới sự quản lý của cha mẹ. Thông thường, mỗi ngày em được sử dụng điện thoại khoảng nửa tiếng, riêng cuối tuần, dịp hè thì sẽ được chơi 1 tiếng, chủ yếu lướt TikTok và xem phim hoạt hình”.
Em Nguyễn Trung Vũ, 12 tuổi, đã biết và sử dụng thành thạo, sở hữu tài khoản cá nhân trên Facebook, Zalo, TikTok, Instagram, Youtube. “Hiện tại, em sử dụng Internet phục vụ cả học tập và vui chơi, giảm stresss, trao đổi thông tin với cha mẹ và người thân. Mỗi ngày từ 1-2 giờ”.
Đến với khoá tu mùa hè tại chùa Kim Sơn, các em vừa được vui chơi giải trí, vừa tu rèn đạo đức, nhân cách sống.
Riêng với em Nguyễn Thanh Nhã Uyên, 11 tuổi: “Khi gặp thông tin không tốt, tiêu cực, em chọn tắt hoặc lướt qua. Khi được cha mẹ đăng ký cho khoá học hè, em mong muốn sẽ học được nhiều kỹ năng nhận biết và phòng tránh những điều không tốt khi tương tác trên mạng. Mạng xã hội rất thú vị, tuy nhiên cũng có mặt tốt và mặt xấu, biết tránh những điều không hay và học điều tốt sẽ giúp bản thân ngày càng phát triển”.
Vì thế, cha mẹ không nên quá khắt khe hay cấm đoán trẻ tiếp xúc, tránh xa môi trường mạng, mà thay vào đó là hãy dạy trẻ cách tương tác và trang bị kỹ năng an toàn, có như vậy mới là bảo vệ trẻ hiệu quả./.
Nhi Yến