(CMO) Ðồng hành với nhịp phát triển của xã hội là bước tiến như vũ bão của công nghệ thông tin. Môi trường mạng mở rộng với sự truy cập, tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng, trong đó có cả trẻ em. Nguy cơ đối mặt với nhiều thông tin không lành mạnh trên không gian mạng cũng tăng đột biến. Dễ dàng lập nhóm chat, lôi kéo nhau vào những hội nhóm khiến phát sinh mâu thuẫn trong học sinh, sinh viên, tạo ra những hệ luỵ khó lường. Cũng từ đây dẫn đến những thách thức cho các ban, ngành có liên quan lẫn giới chuyên môn và gia đình trong việc bảo vệ trẻ.
Bài 1: Nhiều hình thức bạo lực
Bạo lực ở thời đại công nghệ 4.0 đã tăng cấp và biến dạng thành hình thức “bạo lực mạng”, hay còn gọi là bạo lực trên môi trường mạng. Nó được hiểu là những hành vi gây hại cố ý được lặp đi lặp lại thông qua các thiết bị điện tử, như điện thoại, máy tính, các trang mạng xã hội… từ nền tảng trực tuyến. Dạng bạo lực tinh thần này đã khiến nhiều trẻ em dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, tự huỷ hoại bản thân nếu không được phát hiện và điều trị.
>> Bảo vệ trẻ thời 4.0 - Bài 2: Nguy hiểm bủa vây
Giới trẻ, cụ thể là đối tượng học sinh, tuổi vị thành niên thường thích thể hiện mình, thích chứng minh cái tôi của bản thân. Chưa thể kiềm chế được tính hiếu thắng và sự nóng nảy đã khiến các em chọn cách dùng nắm đấm, hay tồi tệ hơn là bạo lực tinh thần bạn bè của mình để giải quyết mâu thuẫn. Các em không lường được sau mỗi hành động bốc đồng là những tổn thương cho bản thân, cho đối phương và ảnh hưởng đến gia đình của mình. Thể xác có thể lành nhưng những vấn đề liên quan đến tinh thần và tổn thương tâm lý sẽ là vết hằn theo các em cả đời.
Tăng về số
Bạo lực mạng có thể diễn ra công khai hoặc trong phạm vi cá nhân, có thể thấy ngay trước mắt hoặc diễn ra trong lặng thầm sau lưng nạn nhân. Bạo lực có thể diễn ra bất cứ lúc nào, thông qua nhiều hình thức, như gửi tin nhắn, hình ảnh, video bài viết nhằm gây tổn thương đến người khác, tra tấn về tinh thần, cố ý cô lập, lan truyền những tin đồn sai lệch…
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, bình quân hàng năm cả nước có khoảng 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là mỗi ngày xảy ra khoảng 5 vụ. Trung bình, trên 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau. Cứ hơn 11 ngàn học sinh thì có 1 em bị buộc thôi học vì hành vi đánh nhau. Cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau. Ðây là hồi chuông báo động về văn hoá ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Tại Cà Mau, theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, trong năm 2022 Công an tỉnh tiếp nhận và xử lý 14 vụ việc, liên quan 59 học sinh, sinh viên đánh nhau ngoài khuôn viên trường học; khởi tố hình sự 2 vụ, liên quan 7 bị can; đang điều tra xác minh 2 vụ, liên quan đến 5 đối tượng là học sinh; giao cho trường xử lý giáo dục, răn đe 6 vụ, liên quan đến 18 học sinh.
Những con số biết nói này đã dấy lên hồi trống báo động với các cấp, các ngành, nhà trường, xã hội và cả gia đình, nạn bạo lực học đường đang hiện diện và có những biến tướng đặc biệt nguy hiểm, trên không gian tưởng là ảo nhưng thật đến rợn người. Thời gian gần đây, tại một số trường trên địa bàn tỉnh bạo lực học đường không còn đơn thuần là túm tóc, xé áo, đấm đá… mà đã xảy ra những vụ việc học sinh dùng hung khí như phim hành động. Tình trạng học sinh tụ tập với băng nhóm côn đồ, hoặc tự lập “băng đảng”, dùng hung khí tấn công bạn học gia tăng theo chiều hướng nguy hiểm.
Nguyên nhân do đâu?
Qua tìm hiểu, có những vụ việc xảy ra chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, trong môi trường học tập nhưng các em không kiềm chế, thích thể hiện cái tôi nên mới dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng.
Ông Tạ Thanh Vũ, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo, cho biết: “Bạo lực học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần. Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, cảm thấy rất tổn thương, chán nản, cô đơn, suy sụp, ám ảnh, mất lòng tin vào bạn bè, ảnh hưởng rất nhiều đến tình đoàn kết trong tập thể lớp. Vấn đề này có thể kéo dài, ảnh hưởng đến kết quả học tập và tương lai của các em nếu không được can thiệp kịp thời”.
Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng bạo lực học đường là các em được tiếp cận công nghệ thông tin quá sớm. Các em được tạo điều kiện sử dụng điện thoại, máy tính, mạng xã hội mà thiếu sự kiểm soát của gia đình và nhà trường. Mặt khác, các em dễ dàng tiếp cận với những thành phần xấu, hư hỏng lôi kéo, làm cho các em dễ sa ngã mà phụ huynh khó kiểm soát.
Thực tế hiện nay, việc giáo dục về nhân cách sống, đạo đức làm người, cách đối nhân xử thế... chưa được quan tâm đúng mức ở một số nơi (gia đình, nhà trường). Từ đó, các em không hiểu được giá trị của cuộc sống, giá trị yêu thương và đặc biệt giá trị của sự khoan dung, độ lượng.
Em Khấu Phương Bảo Ngọc, học sinh lớp 8A4, Trường THCS Cái Nước, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Lời xin lỗi vô cùng có giá trị, nhất là ngay thời điểm nóng giận, nó có thể làm giảm đi sự căng thẳng, không làm mất hoà khí, thậm chí còn tránh được xung đột không đáng có, ngăn chặn được những tiêu cực có thể xảy ra ở tương lai. Em thấy lời xin lỗi có sức mạnh to lớn trong việc thể hiện tính cách, phẩm chất của con người. Những người biết nói xin lỗi là người khiêm tốn, không muốn phiền phức và đặc biệt là tránh được mâu thuẫn dẫn đến bạo lực”./.
Kim Cương - Lam Khánh
Bài 2: NGUY HIỂM BỦA VÂY