(CMO) Người dân ở Ấp 9, xã Thới Bình gọi ông Hai Quang (Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình) với cái tên thân thương là “Già làng” khuyến học.
Góp lúa xây trường
Những năm đầu thập niên 90, không chỉ ở Ấp 9 mà các ấp lân cận của các xã: Hồ Thị Kỷ, Khánh An, Nguyễn Phích, kể cả thị trấn Thới Bình chỉ có một ngôi trường cấp 2 với 3 phòng học tạm bợ. Giáo viên vỏn vẹn 2 người. Nắng học, mưa nghỉ. Ông Hai Quang mô tả gọn: “Trường không ra trường, lớp không ra lớp”.
Lúc bấy giờ ông Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thới) cùng rất nhiều giáo viên khác được tăng cường, chi viện từ Bắc vào Nam. Thời điểm đó, ông Hai Quang là phụ huynh của trường. “Mới vô 2 ngày là tôi buồn phát khóc. Hụt hẫng, chán nản kinh khủng. Anh Hai chủ động bắt chuyện, tâm tình, động viên. Rồi vận động phụ huynh cất nhà, hỗ trợ làm kinh tế... Cái chân tình làm tôi bớt nhớ nhà. Quên luôn lời hẹn hoàn thành 3 năm nghĩa vụ về quê”, ông Mạnh Tiến chia sẻ. Với ông Tiến, gia đình ông Hai trở thành gia đình thứ hai của ông và của rất nhiều giáo viên cùng thời.
Nhấp ngụm trà, hai ông háo hức kể chuyện xây trường. Ông Tiến mở đầu bằng chuyện xin dân hiến đất. Theo lời ông Tiến, lúc đầu người dân hứa cho 2 công, không giấy tờ. Trường chưa xây, họ định đòi lại. Chẳng biết làm sao, ông Tiến cầu cứu ông Hai Quang. Thế là ông Hai khăn gói lên tận Cần Thơ gặp gia đình họ thương lượng. Nào ngờ họ không đòi mà còn cho thêm. Nhờ vậy mà nay tổng diện tích dân hiến hơn 13 ngàn mét vuông, công lớn là của ông Hai. Ghi nhận đóng góp, năm 2010, ông Hai đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam tuyên dương gia đình người hiến đất, ông đưa họ đi Hà Nội cả tuần.
Có đất lại lo kinh phí. Ông Hai Quang đi xin. Xây trường đóng góp bằng lúa. Ông Nguyễn Mạnh Tiến lý giải, thời điểm xây trường là năm 1992. Nơi đây sông rạch chằng chịt, mương đìa, vùng trũng do bom đạn thời chiến. Ông Hai Quang quả quyết, có lúa mới có tiền, có cây, gỗ, xi măng. Ông vận động hộ khá thì 5-6 giạ lúa, hộ khá hơn vài chục giạ, hộ nghèo góp công, góp sức. Hộ cho cây, cho lá. Người già cũng tham gia xách nước, gói bánh, cơm canh... Ông Hai cũng góp. Bí thư, chủ tịch xã cũng tham gia. Kêu gọi thôi vậy mà ai nấy đều góp. Rồi “trưởng làng” quy định, mỗi ngày 30 người đắp nền.
“Làm gì có đinh đóng, tôi bắt thợ chẻ cây to bằng tay làm ván lót bàn, dây choại cột. Ban đầu xây được 4 phòng, lợp lá. Dân nói đâu được, phải lợp tol mới bền. Tôi nói còn nợ lúa. Vậy là phụ huynh đòi góp thêm vài tấn. Mừng hết sức”, ông Hai Quang tâm đắc.
Ông Phạm Văn Quang (bên trái) đã đóng góp rất nhiều sách cho "Tủ sách cho bạn nghèo" của Trường THCS Khánh Thới. |
3 phòng cũ cộng thêm 4 phòng mới, thành 7. Ông Hai cùng nhà trường tiếp tục góp lúa. Xây dần thêm 5 dãy phòng. Nhẩm tính gần 1 tháng vận động đã huy động được 27 tấn lúa, 300 kg lương thực chở kho bán. Tiền ông Hai giao hết nhà trường chi - xuất. Dân góp gì cũng có giấy tay thay biên nhận. Chi tiêu công khai, minh bạch nên người dân đồng thuận.
“Không nói quá đâu. Nhà trường có được "quả ngọt" hôm nay là có công lớn của "già làng" Hai Quang. Ông ấy như cây đại thụ, chở che, bảo ban và tiếp lửa trong mọi hoạt động của trường, của xóm, ấp. Tôi làm hiệu trưởng 25 năm, suốt thời gian đó tôi có anh Hai trợ lực, tiếp sức”, ông Tiến nhìn ông Hai Quang ánh mắt đầy kính trọng.
Như minh chứng, ông Tiến điểm các dấu mốc tự hào: Năm 1992 góp lúa xây trường; Năm 1994, ông Tiến được tín nhiệm làm hiệu trưởng, ông Hai Quang làm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh. Bắt đầu từ đó, Trường THCS Khánh Thới trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục huyện với rất nhiều cái đầu tiên và “ưu tú”: Là ngôi trường hoàn toàn được xây dựng từ sự vận động, đóng góp của người dân; Là trường THCS đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện (năm 2010); Là trường có khuôn viên rộng nhất với hơn 13 ngàn mét vuông, có thư viện hoành tráng (hơn 6 ngàn đầu sách) đầu tiên, tất thảy đều do dân hiến, dân góp và cũng là “lò luyện” rất nhiều nhân tài: Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ... Ngay ở tỉnh đã có tiến sĩ hiện là phó giám đốc Sở GD&ĐT từng là học trò, giáo viên của trường; Hai vị phó chủ tịch UBND huyện và phó trưởng phòng giáo dục cũng là học trò của trường.
Ông Phạm Văn Nghị, hiện là hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thới, bày tỏ, bản thân ông từng là học trò của trường, gắn bó từ những ngày trường mới thành lập, cũng là thế hệ học sinh to con được ông Hai Quang và ông Tiến vận động đi “ăn cắp” đất đắp nền xây trường.
Chỉ tay về dãy phòng học đối diện, ông Nghị cho biết, nơi đó trước đây là giếng không đáy, đắp đất nhiều đến đâu cũng không đầy. Thế là nhà trường đi ăn cắp đất bên sông vì xáng mới nạo vét. Ông Hai Quang cười tiếp lời: “Lúc đầu dân không cho. Tôi nói xin đất đắp nền xây trường, người dân ai cũng ủng hộ. Nghĩ lại còn mắc cười. Ngôi trường nên hình, nên vóc cũng nhờ sự chung tay của hết thảy mọi người”.
Đi học chuyên môn, ông Nghị trở lại trường làm giáo viên, rồi tiếp nối cái tâm, cái tình ông Tiến làm hiệu trưởng, duy trì truyền thống hiếu học, ngăn dòng bỏ học giữa chừng. Hiện nay, nhà trường có 31 giáo viên giảng dạy thì đã có hơn 50% là học sinh của trường quay lại công tác.
Ông Phạm Văn Nghị cho biết thêm, từ thời ông Tiến làm hiệu trưởng, nhà trường đã có phong trào nhận đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có nguy cơ bỏ học. Giao hẳn cho giáo viên chủ nhiệm đi sâu, dõi theo các đối tượng học sinh để kịp thời báo cho nhà trường. Nhờ vậy mà suốt nhiều năm qua, dẫu cho các trường THCS của huyện, của tỉnh lo ngại tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng với con số mỗi năm vài chục đến vài trăm thì ở ngôi trường này chỉ là số rất nhỏ. Cụ thể như năm học vừa qua, trường chỉ có 3 em bỏ học vì theo cha mẹ đi làm ăn xa. Từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, trường vẫn duy trì tốt sĩ số 419 em ở 11 lớp. Tỷ lệ học sinh hộ nghèo, cận nghèo chỉ 18 em, 1 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các em đều được quan tâm, hỗ trợ, từ học lực đến hạnh kiểm đều tốt.
“Phần này công lớn nhất của già làng”, ông Nguyễn Mạnh Tiến quả quyết. “Nghĩ lại tôi nể anh Hai, tôi làm quản lý 25 năm chứ không thể nghĩ anh Hai làm cách nào mà uy tín quá chừng. Làm đâu đặng đó”, ông Tiến phấn khởi.
Thật vậy! Nếu không có tâm, có tầm, có uy tín thì cái chức “Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh” đâu duy trì suốt 25 năm. Dù năm 2001 ông Hai được “triệu tập” về giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học xã Thới Bình. Không lâu sau, ông về huyện “lên chức” Chủ tịch Hội Khuyến học huyện. Bằng khen, giấy khen, chứng nhận từ Trung ương đến địa phương. Đến ông Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau Trịnh Minh Thành mỗi khi nhắc đến ông Hai Quang chỉ nhận xét gọn: “Ảnh luôn có cách làm hay và luôn nhiệt tâm với công tác hội”.
Tháng 9/2018, đoàn kiểm tra Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam do bà Đồng Thị Bạch Tuyết, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang làm trưởng đoàn đến làm việc tại Thới Bình cũng tấm tắc khen ngợi, Hội Khuyến học huyện Thới Bình đã trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng, có uy tín và hoạt động hiệu quả. Hiện 100% xã, thị trấn trong huyện có chi hội khuyến học, ban khuyến học với 199 ban, hội. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Phạm Văn Quang.
“Lần gặp mới đây, thằng Dự (ông Hai gọi thân thương ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau) còn ghẹo tôi là 1 năm làm công tác hội bán 1 công đất. Tôi cười, đất có giá rồi, chỉ cần góc tư. Hai chú cháu cười quá chừng”, ông Hai vui vẻ.
Ông cho biết, thời điểm về xã làm Phó chủ tịch Hội Khuyến học khoảng 8 năm chẳng có đồng lương, toàn vợ cho tiền đi công tác. Ông nghĩ, xin hoài mắc cỡ, vậy là ông biểu sắp nhỏ mua cho bầy gà vịt, nuôi từ vài chục sinh sôi hơn 100 con. Hễ chuẩn bị đi công tác, ông bắt mấy con đi bán. “Bán có mối. Tết được tặng lịch luôn đó chẳng chơi. Con vịt, con gà khuyến học nên giá bán cũng cao hơn bình thường”. Ông Hai dứt lời, ông Tiến, ông Nghị cười khanh khách. Nói đâu xa, 2 tuần này, ông Hai đã bán mấy chục con gà để hoàn thiện 128 hồ sơ học bổng dòng họ Dương. Rồi còn 45 suất học bổng của Quỹ Thiện Tâm đang xét duyệt. “Chắc kỳ này ảnh bán sạch chuồng”, ông Tiến nói đùa.
Nhớ lời bác dạy
Gần 20 năm làm công tác khuyến học từ cấp xã đến huyện, ông Hai ghi nhớ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ 3 mục đích cụ thể của thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Theo Người, thi đua ái quốc phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của dân, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng thời kỳ cách mạng. Vậy nên, chăm lo sự nghiệp khuyến học, khuyến tài là thực hiện theo di huấn của Người”. Đối với ông, mỗi suất học bổng, mỗi phần quà ông vận động được đều phải đến tận tay, nguyên vẹn. Đó là trách nhiệm của người làm công tác khuyến học. Công tác khuyến học đã thấm vào máu, vào tim, chỉ khi nào ngưng thở ông mới thôi làm khuyến học.
Tết Nguyên đán này nữa ông Hai Quang ngấp nghé thất tuần. Hàng ngày trên con đường nông thôn mới từ xã về huyện, đi đi về về 4 bận, ông vẫn thường nhắc nhở phụ huynh, học sinh của hai trường Tiểu học Khánh Thới và THCS Khánh Thới phải tham gia giao thông an toàn, có văn hoá. Hễ nhà trường nghe phụ huynh nói có người nhắc đội nón bảo hiểm, chạy xe thẳng lối là biết ông Hai già làng chứ hổng ai.
“54 trường của huyện, không bao giờ có chuyện học sinh thiếu tập, sách đầu năm học mới. Cũng chẳng có chuyện học sinh vất vả đi học hay bỏ học vì nghèo. Chú Hai Quang không chỉ lo chuyện học hành con cháu, mà còn hỗ trợ hoạt động, phong trào của Đoàn - Hội - Đội. Chú Hai tham dự, nhắc nhở, động viên nên đi trường nào hiệu trưởng, phụ huynh, học sinh cũng kính trọng chú Hai”, anh Đặng Hoàng Thành, Bí thư Huyện đoàn Thới Bình, cho hay./.
Băng Thanh