Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi tôi gặp chị. Tuy không phải là họ hàng, nhưng tôi xem gia đình chị Sáu Khiêm (ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) như người nhà vì anh Sáu là anh bạn dì ruột người bạn nối khố của tôi. Tôi biết gia đình này gần 20 năm nay. Ngày ấy tôi đã từng thầm ao ước mình có được gia đình như vậy. Vợ chồng hoà thuận, con cái vui vầy, chăm ngoan hiếu học.
Chuyện thứ nhất: Giọt rượu chia ly
- Chị ra Cà Mau bao giờ?
- Chị ra mấy tháng rồi, ở chung với con gái.
- Chị đợi ai ở đây hay là đợi rước cháu?
- Không. Chị đợi xe xí nghiệp đón đi làm.
- Anh Sáu dạo này thế nào?
- Chị không biết, chị ly hôn rồi, bộ chú không biết sao? Ly hôn xong chị ra đây ở luôn và đi làm công nhân hải sản.
Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi tôi gặp chị. Tuy không phải là họ hàng, nhưng tôi xem gia đình chị Sáu Khiêm (ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) như người nhà vì anh Sáu là anh bạn dì ruột người bạn nối khố của tôi. Tôi biết gia đình này gần 20 năm nay. Ngày ấy tôi đã từng thầm ao ước mình có được gia đình như vậy. Vợ chồng hoà thuận, con cái vui vầy, chăm ngoan hiếu học.
Anh Sáu là con út, nên khi cưới nhau anh chị và con cái sống chung với cha, mẹ, ông, bà. Anh chị hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ chu đáo, trọn vẹn cho đến khi cha mẹ về cõi vĩnh hằng. Của hồi môn cha mẹ để lại, cộng với chịu thương chịu khó làm ăn, anh chị Sáu Khiêm có hơn 30 công ruộng và hơn chục công vuông, nhà cửa khang trang. Ðây là điều kiện sống lý tưởng của vợ chồng và 3 đứa con - 2 gái, 1 trai.
Mầm rạn nứt bắt đầu từ khi anh tập tành uống rượu và mỗi lần say sinh tật chửi vợ, mắng con, kiếm chuyện với láng giềng. Chị âm thầm chịu đựng, thì anh càng lấn tới với những hành vi bạo hành. Những khuyên ngăn của họ hàng, bạn bè, khi tỉnh rượu thì anh nghe, nhưng khi say thì đâu lại vào đấy.
Sức chịu đựng có hạn, chị phản kháng lại bằng cách uống rượu say như chồng. Tiệc tùng lớn nhỏ của hàng xóm bắt đầu xuất hiện thêm 1 người phụ nữ uống rượu như uống nước. Chồng nghiện rượu, vợ cũng nghiện, uy tín giảm sút, kinh tế gia đình bắt đầu suy sụp, chuyện học hành của con cái dở dang. Ðất đai bắt đầu đội nón ra đi.
Rồi chuyện gì đến cũng đến, trước ngày tôi gặp chị đón xe đi làm 6 tháng, 2 người dắt nhau ra toà, người này đổ lỗi cho người kia. Ly hôn, chị cùng cô con gái lớn bỏ đi Cà Mau làm công nhân hải sản, anh ở lại căn nhà với 5 công đất còn lại, lo nuôi 2 đứa nhỏ.
Chuyện thứ hai: Đời lăn theo trái bóng tròn
Chứng kiến tình cảnh gia đình nhỏ ngày nào êm ấm, hạnh phúc, giờ tan vỡ, trong ký ức tôi những chuyện chia ly lại lần lượt hiện về. Ðó là chuyện cô bạn học cùng lớp, Mai Anh hiện đang là công chức. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Ðại học Luật tại Cần Thơ, Mai Anh có việc làm ngay. Rồi cô lập gia đình với chàng trai cũng tốt nghiệp đại học, đang làm việc trong ngành rất “hot” lúc bấy giờ và là “cậu ấm”.
Những ngày đầu mới cưới, Mai Anh như sống trong mơ vì hạnh phúc. Nhưng khi cô mang thai, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Chồng cô bắt đầu lao vào cá độ bóng đá. Anh ta lên mạng internet mở tài khoản riêng và chơi trực tiếp với các nhà cá cược nước ngoài. Tiền bạc vợ chồng làm ra, của hồi môn cha mẹ cho, tất cả đều nướng vào trái bóng lăn. Ðau đớn nhất là ngày Mai Anh sinh nở, lấy lý do đi mua đồ cho vợ, chàng lấy chiếc xe của vợ cầm và biến mất dạng.
Vượt cạn trong hụt hẫng, nhưng sau khi sinh nở, Mai Anh vẫn động viên chồng bỏ tất cả chuyện cũ làm lại từ đầu. Trước gia đình nội, ngoại và vợ, anh ta đề xuất đi ôn thi cao học tận Hà Nội và giã từ cá độ bóng đá. Cả nhà đồng ý “lo lộ phí đường xa” nhưng người ra đi không đến Hà Nội mà lên TP Hồ Chí Minh tiếp tục lăn đời mình theo trái bóng trên internet. Trắng tay, hết đường quay về, chàng bấu víu vào người yêu cũ đã một lần dang dở. Thế là Mai Anh trở thành người mẹ đơn thân.
Chuyện thứ ba: Những đoá hoa mong manh
Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, không thể không nói đến nguyên nhân chính đến ly hôn xuất phát từ sự phản bội của người đàn ông. Nó thiên hình vạn trạng và biến tướng của nó là ghen ngược, suy bụng ta ra bụng người.
Một người bạn là luật sư kể cho tôi nghe câu chuyện khó tưởng tượng ra được. Cách đây 3 tháng, anh tiếp 1 thân chủ yêu cầu tư vấn, trước mặt anh là 1 thiếu phụ khá xinh xắn, ra vẻ có học thức và có địa vị nhất định trong xã hội. Khi thân chủ cởi áo khoác, mặc áo sơ-mi cụt tay, anh bị sốc vì tay chị bị cắn, bị nhéo đầy sẹo. Chị giới thiệu là giáo viên tiểu học, chị bảo không chỉ có vết thương trên tay mà khắp người đều bị như vậy. Người gây ra không ai khác là chồng chị, anh ta cũng là người có học thức. Ðến lúc này thì vị luật sư chỉ biết im lặng ngồi nghe.
Người thiếu phụ cho biết, chồng chị đang đi học xa, lâu lâu mới về. Ở nơi học, anh ta có nhân tình. Chị biết nhưng im lặng vì cho rằng, học xong họ chấm dứt. Thấy chị không ghen, anh chồng ghen ngược và cho rằng vợ ngoại tình khi mình đi học. Thế là, khi anh về hễ trong điện thoại của chị có số lạ là anh bấm điện cho người ta, nếu bên kia có giọng đàn ông là anh hành hạ vợ. Cứ như thế nếu số lần đi học về của anh càng dày thì thương tích người thiếu phụ nhiều thêm. Câu chuyện kết thúc khi người thiếu phụ quyết định sống đơn thân, nuôi 2 đứa con đang tuổi cắp sách đến trường.
Chuyện thứ tư: Biết vâng lời chưa hẳn đã tốt
Ðồng nghiệp của tôi, Ánh Hồng, sau khi vào cơ quan làm việc được 2 năm, cô yêu và kết hôn với 1 chàng trai cùng quê. Anh ta là kỹ sư, mồ côi cha, chỉ còn lại mẹ và là con trai duy nhất. Trong mắt mọi người, chàng trai hoàn mỹ và là ước mơ của bao cô gái.
Về nhà chồng, tháng đầu tiên, cả nhà cơm lành canh ngọt. Nhưng đến tháng thứ 2, mọi chuyện bắt đầu thay đổi, khi người mẹ chồng quản lý mọi chi tiêu trong gia đình và buộc con trai phải giao toàn bộ thu nhập hằng tháng cho bà. Anh con trai gật đầu cái rụp. Thế là tiền tiêu vặt, tiền hiếu hỷ, mọi thứ chàng trai cũng phải xin mẹ hoặc vợ. Ánh Hồng bắt đầu chán nản, nhất là lúc đứa con sinh ra đời, thứ gì bà nội cũng dành mua, dành chăm sóc cháu, với sự đồng thuận tuyệt đối của chồng mình.
Mẹ chồng, nàng dâu bắt đầu mâu thuẫn, thay vì làm trung gian hoá giải mâu thuẫn, chàng trai về phía mẹ, trách vợ không hiếu thuận và chỉ biết có đứa con mà không nghĩ đến mẹ mình. Bức bối, Ánh Hồng rời nhà chồng ra ngoài thuê phòng trọ riêng, những mong chồng mình vì vợ, vì con thay đổi tính tình. Cô bắt đầu nhen nhóm hy vọng, khi những ngày cuối tuần anh quấn quýt bên vợ.
Rồi tất cả chấm hết, khi bà nội tìm đến phòng trọ đòi bế cháu về, kêu con trai ly hôn vợ. Giọt nước tràn ly, chàng trai nghe lời mẹ làm như cái máy. Thế là cuộc hôn nhân kết thúc với bao đau đớn, dằn xé của Ánh Hồng khi dành quyền nuôi con. Cuối cùng cô cũng bồi đắp phần nào khi được toà án cho cô được quyền trực tiếp nuôi nấng đứa con trai yêu dấu của mình.
Tôi chứng kiến và nghe những câu chuyện chia ly từ nhiều người phụ nữ đơn thân. Có người bức bối nói với tôi rằng: “Không kể bất kỳ lý do gì, khi chúng tôi sinh con cho mấy ông, thiên chức này mấy ông không làm được, nhưng mấy ông lại không trân trọng, còn buộc phải thế này thế nọ, không hề biết sẻ chia. Chúng tôi, những người phụ nữ, chịu bao nhiêu thiệt thòi với bao đau đớn để giữ thiên chức làm mẹ, vậy mà nhiều ông khoán trắng cho chúng tôi chuyện cơm nước, con cái, hết giờ là tụ tập nâng ly”.
Nghe như vậy, tôi bỗng giật mình vì hình như có mình trong đó. Ðã đến lúc cần phải xem lại quan niệm phụ nữ là người giữ bếp lửa gia đình. Ngọn lửa hạnh phúc rất mong manh, án hôn nhân gia đình hiện đang chiếm tuyệt đại đa số tại toà án. Chính vì vậy cần lắm sự rộng lượng, bản lĩnh, thông hiểu, sẻ chia của người đàn ông để giữ hạnh phúc gia đình./.
Trần Lê