ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 27-7-25 17:52:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Lớp học ảo” thời Covid-19

Báo Cà Mau (CMO) Ví von là “lớp học ảo” vì dù dạy theo hình thức học trực tuyến, nhưng lớp học này có thể khai thác tối đa sự tương tác của những người tham gia. Tức là người dạy nhìn thấy tất cả người học thông qua màn hình và trò chuyện, tranh luận, trao đổi đồng thời cùng nhau. Đặc biệt, giáo viên còn có thể giảng bài giống như một lớp học trực tiếp. Trường THCS-THPT Khánh An, huyện U Minh thực hiện lớp học theo hình thức này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Vui học với Zoom Meetings

Đúng hẹn, 8 giờ, thầy Huỳnh Thanh Chấn, Tổ trưởng Tổ Công nghệ - Nghệ thuật Trường THCS-THPT Khánh An “mở cửa” lớp học bằng đường dẫn gửi trên nhóm Zalo của 2 lớp 12 mà thầy phụ trách giảng dạy bộ môn Vật lý. Theo đó, khi các em học sinh nhấn vào là đã "vào lớp". Trên màn hình máy tính của thầy Chấn (có thể dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) và kết nối với màn hình lớn ti vi) cũng bắt đầu hiển thị các khung hình, tựa như những chiếc ghế ngồi học sinh trong lớp học thực. 

Thầy Huỳnh Thanh Chấn cho biết, mỗi lớp học có sức chứa tối đa 50 em (50 khung hình cùng online) và duy trì trong suốt 40 phút. Sau đó, các em sẽ được “giải lao” 5 phút để thoát tài khoản, thầy mở lại đường dẫn mới và tiếp tục học thêm 40 phút nữa là kết thúc. Ưu điểm của "lớp học ảo" này là học sinh hoàn toàn chủ động thời gian học theo “thời khoá biểu” cố định mỗi ngày từ 8-9 giờ 30, 15-16 giờ 30 và 20-21 giờ 30. Theo đó, mỗi học sinh có thể tham gia khung giờ phù hợp, vì mỗi ngày thầy chỉ giảng dạy và ôn tập một nội dung duy nhất. Tất nhiên, các em vẫn có thể tham gia 2 hoặc cả 3 khung giờ để nắm chắc kiến thức.  

Thầy Chấn bắt đầu tương tác bằng việc mời tất cả các học sinh mở camera (có thể là trên ĐTDĐ hoặc máy vi tính để bàn) và thử micro để đảm bảo tương tác tốt trong quá trình học. Thầy chia sẻ, nhiều em ngại mở camera vì đang ở nhà riêng nên các em chỉ mở kiểm tra rồi tắt. Nhưng khi có tranh luận hay ý kiến sẽ mở lên để các bạn theo dõi nhau. Micro thì ai phát biểu sẽ mở để trao đổi kịp thời dưới sự điều hành của thầy. 

Theo thầy Chấn, phần mềm sử dụng cho lớp học có tên Zoom Cloud Meetings (gọi tắt là Zoom Meetings), đây là phần mềm họp trực tuyến ảo đơn giản hoá trên mọi thiết bị (smartphone, laptop, máy vi tính, kể cả ti vi có kết nối đường truyền), cho phép người dùng dễ dàng và nhanh chóng thiết lập, bắt đầu và quản lý tốt cuộc họp. “Cái hay của phần mềm là cho phép chuyển giao hình ảnh trên máy tính của tôi đến học sinh, các em sẽ thấy rõ các thao tác kèm theo lời giảng. Tất cả học sinh đều nhìn thấy nhau như ở lớp học đời thực. Do đó, hiệu ứng rất tốt vì các em thích thú và tham gia tích cực. Tôi cũng theo dõi được các em học nghiêm túc và có sự cầu thị. Có lúc màn hình xuất hiện phụ huynh cạnh bên theo dõi, tương tác”, thầy Chấn vui vẻ cho biết. 

Em Lê Hoàng Hảo, lớp 12C2, chia sẻ, em rất thích học trực tuyến như lớp học ảo này, vì có sự tương tác, mọi thắc mắc đều có thể giải đáp ngay từ phía các bạn và thầy. Kỳ nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 kéo dài, các em rất dễ quên kiến thức, nhất là sắp thi THPT quốc gia. So với cách tự học thông qua tài liệu, tự nghiên cứu có thể khiến em lười biếng, nhưng cách gặp nhau thế này thật sự vui và học cũng vui hơn. Theo Hảo, trước nay phụ huynh thường lo ngại học sinh sử dụng điện thoại chỉ là chat, chơi game… Có khi học sinh thực sự học, phụ huynh không kiểm soát được. Nhưng khi thấy lớp học “mở cửa” đúng giờ, nhìn thấy hình ảnh của thầy và các bạn khác trên màn hình, cha mẹ Hảo rất hài lòng. 

Thầy Trần Thành Hiếu giới thiệu cách học online bằng mạng xã hội Facebook và YouTube.

Ý tưởng ban đầu chỉ dùng Zoom Meetings cho cuộc họp tổ chuyên môn để tiết kiệm thời gian và phát huy hiệu quả của tổ. Cho đến khi có kỳ nghỉ dài này, thầy mới thử nghiệm tổ chức buổi gặp gỡ trên Zoom Meetings, và nhận thấy các bạn hứng thú vì có thể gặp nhau cùng lúc trên màn hình điện thoại, hoặc máy tính (khác với gọi video call trên Zalo và Facebook). Vậy là ứng dụng tới nay. Sau 2 tuần học “lớp học ảo”, 2 lớp 12 có 65 em, đã có 2/3 số đó tham gia tốt, các bài tập đưa ra đều có phản hồi. Học sinh còn chủ động xin tài liệu để ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. 

Ưu điểm của phần mềm là sử dụng miễn phí (phải mua bản quyền nếu muốn khai thác tối đa tính năng), nhưng chỉ tối đa 50 em và trong 40 phút. Và lo lắng của thầy là việc dạy trực tuyến đòi hỏi ý thức tự học của học sinh. Vì số 1/3 học sinh chưa tích cực tham gia lớp học sẽ không chủ động ôn luyện và dễ hỏng kiến thức nếu thời gian nghỉ có thể kéo dài hơn dự kiến. Do đó, thầy luôn sáng tạo cách giảng dạy, khuyến khích các em cài được phần mềm sẽ được điểm thưởng để thu hút thêm học viên. Thầy cũng sẽ tiến hành lấy phiếu thăm dò ý kiến của học sinh và phụ huynh vào cuối tháng 2 này.

Hiện tại, phần mềm Zoom Meetings được thầy Chấn chia sẻ và đã ứng dụng hiệu quả ở 2 lớp 10 do vợ thầy (giáo viên cùng trường) tổ chức, hiệu ứng tốt. Thời gian tới, thầy Chấn có ý tưởng sẽ dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém và mở lớp bồi dưỡng cho học sinh giỏi. Hoặc có thể ôn luyện, nâng cao kiến thức cho học sinh trong dịp hè. Đây là kênh dạy học tiết kiệm thời gian và tính khả dụng cao. 

Học trên mạng xã hội

Facebook, Zalo, YouTube… là những trang mạng xã hội (MXH) được học sinh yêu thích và hầu hết học sinh đều có tài khoản. Việc kiểm soát, khuyên răn, thậm chí cấm học sinh lạm dụng MXH hoặc sử dụng sai mục đích là rất khó. Do đó, thầy Trần Thành Hiếu, Tổ trưởng Tổ Ứng dụng công nghệ thông tin - Quản lý chất lượng dạy học, giáo viên môn Hoá học của trường, đã có sáng kiến dạy học online bằng MXH thông qua nhiều cách: Quay video đăng lên YouTube, tổ chức buổi xem chung cho nhóm lớp (nhóm kín) trên Facebook, livestream Facebook, gửi các bài giảng trên nhóm Zalo, hay tổ chức kiểm tra kiến thức trắc nghiệm bằng google biểu mẫu… 

“Lớp học ảo” của thầy Huỳnh Thanh Chấn vào khung giờ từ 8-9 giờ 30.

Thầy Hiếu cho biết, MXH là nơi tiếp cận học sinh dễ dàng, thu hút sự hứng thú và tạo sự tương tác rất tốt. Do đó, thầy mở các lớp học bằng hình thức trực tuyến trên các nhóm riêng để bổ túc kiến thức cho các em, đôi khi còn là những trò chơi, hoặc là nhiệm vụ, thử thách đòi hỏi phải vận dụng cả lý thuyết và thực hành để nhận thưởng… Thầy Hiếu cho rằng, hiệu quả và có thể ứng dụng tốt chính là quay video bài giảng có tích hợp giọng nói để giảng dạy trên lớp, cũng như online. Các em có thể xem đi xem lại, phần chưa hiểu có thể để lại bình luận bên dưới và thầy sẽ giải đáp ngay. Đối với các bài giảng livestream Facebook, thầy còn sử dụng phần mềm ghi màn hình và lưu lại để các em xem khi cần thiết. Hầu hết học sinh đều rất thích thú và tương tác cao. Thời gian tạm nghỉ học này, thầy duy trì thường xuyên các lớp học online như thế để ôn kiến thức căn bản cho học sinh. 

Hiệu quả rõ nét được thầy Hiếu đưa ra sau 3 năm học ứng dụng là năm học 2016-2017, tỷ lệ môn Hoá học trên trung bình chỉ đạt 40%, năm học 2017-2018 đạt hơn 55% và năm 2018-2019 trên 70%. Đặc biệt, năm học qua, trường có 1 học sinh đoạt giải Ba học sinh giỏi môn Hoá học vòng tỉnh, giải Nhất môn giải toán trên máy tính cầm tay cũng bằng cách ôn luyện và học các cách học online này. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 tại ngôi trường này là 100%. 

Nhận thấy cả 2 cách học đều hay, đều có điểm mạnh khác nhau, hơn tuần nay, thầy Trần Quốc Khái, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, giáo viên Tiếng Anh, thử nghiệm kết hợp cả 2 cách. Bởi thầy Khái cho rằng, đối với môn Tiếng Anh lớp 12, học sinh cần nắm chắc cấu trúc ngữ pháp và từ vựng, do đó các em cần lưu lại những bài giảng và khi có vấn đề có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên trên Zoom Meetings. Tiếng Anh giao tiếp trên Zoom Meetings thực sự hiệu quả khi người học và giáo viên có thể nhìn thấy nhau, tương tác trực tiếp. Vậy nên, 119 học sinh của 4 lớp 12 thầy Khái đang giảng dạy sau 1 tuần áp dụng đã thu hút hơn 70 em tham gia theo khung giờ cố định là 21-22 giờ.  

Hiệu trưởng nhà trường Lê Thanh Giang cho biết, thời gian qua, chính sự năng động của giáo viên trong cách giảng dạy đã thu hút sự hứng thú của học sinh và tạo nên những tiết học vui tươi, thoải mái. Đặc biệt, trong thời điểm tạm nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, các thầy cô đã có sáng kiến các lớp học trực tuyến để giúp học sinh bổ trợ kiến thức là rất cần thiết. Do đó, ngày 18/2 vừa qua, trường đã tổ chức tập huấn cho toàn thể giáo viên các cách dạy học trực tuyến, tuỳ tình hình phù hợp, các thầy cô có thể lựa chọn và ứng dụng cho bộ môn của mình. 

“Trường cũng sẽ khai thác tối đa hiệu quả các cách học trực tuyến nhằm bổ túc kiến thức cho học sinh yếu kém, ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi, hoặc mở các lớp học thuật… Các tổ chuyên môn của giáo viên cũng đã áp dụng tốt cách làm này để thảo luận và trao đổi chuyên môn, hiệu ứng rất tốt”, thầy Giang phấn khởi./.

Băng Thanh

Liên kết hữu ích

Cà Mau có 2 đội vào Chung kết Hội thi Tin học trẻ toàn quốc

Cà Mau xuất sắc giành 2 giải Nhất vòng khu vực miền Nam, có 2 đại diện tham dự Vòng chung kết Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXXI, năm 2025.

Học mà chơi - chơi mà học

Dịp hè, các lớp dạy năng khiếu diễn ra sôi động tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau, được nhiều phụ huynh lựa chọn đăng ký cho con em theo học, qua đó giúp con vừa giải trí, vừa phát triển năng khiếu và hạn chế tiếp xúc các thiết bị điện tử.

"Trái ngọt" gọi tên vùng đất khó

Không nằm ở trung tâm, không sở hữu nhiều điều kiện học tập lý tưởng, nhưng Trường THPT Võ Văn Kiệt (xã Phước Long) và Trường THPT Ninh Quới (xã Ninh Quới) vẫn giữ vững thành tích 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT năm 2025. Giữa vùng khó đầy thử thách, 2 ngôi trường như mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng khát vọng, vun bồi cây tri thức kết thành trái ngọt. Đó là tâm huyết, hành trình vượt khó, không ngơi nghỉ của cả thầy và trò. 

Hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức của hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển

Những ngày qua, hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển: Nguyễn Ngọc Gia Bảo (lớp 12 chuyên Hóa) và Lê Trọng Nguyễn (lớp 12C3) đã mang về niềm tự hào cho gia đình, nhà trường và ngành giáo dục Cà Mau khi cùng đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Những người bền bỉ "gieo chữ"

Không chỉ vững chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cô Lê Thị Anh Thư và cô Lã Thị Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (phường An Xuyên) còn là những tấm gương điển hình về lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò. Mới đây, cả hai vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2025.

Thủ khoa Đất Mũi và hành trình mang ước mơ gửi vào màu áo lính

Võ Trương Gia Huấn, nam sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu (phường Bạc Liêu) không chỉ là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của tỉnh Cà Mau với tổng điểm 37,5 mà còn đồng thời là thủ khoa khối A00 của tỉnh (Toán 10, Lý 10, Hóa 9,75). Phía sau thành tích đáng nể ấy là câu chuyện đẹp của một chàng trai tự học bền bỉ, sống chân thành, và có ước mơ giản dị: “Phục vụ đất nước trong màu áo Quân nhân”.

Thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00, quê Cà Mau

Em là Trần Đức Tài, nam sinh quê hương Sông Đốc, tỉnh Cà Mau, xuất sắc trở thành thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00 (Toán – Hóa – Sinh) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Là học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Hồ Chí Minh, Đức Tài đạt điểm 10/10 ở cả ba môn, với tổng điểm 30 tuyệt đối.

Cà Mau: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2025 trên 99%

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được công bố vào lúc 8 giờ sáng nay. Năm nay, tỉnh Cà Mau (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,26%, tỉnh Bạc Liêu (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,56%. Tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Cà Mau (mới) đạt 99,37%.

Tỉnh Cà Mau có Tạp chí Khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm

Chiều 15/7, Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Bạc Liêu (tạp chí in và tạp chí điện tử) và bổ nhiệm Tổng Biên tập.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.