(CMO) Con đường đi đến thành công của các sĩ tử luôn có sự động viên, sát cánh của bậc làm cha mẹ, không quản gian nan nuôi con ăn học. Kỳ thi tới, không khó để bắt gặp hình ảnh cha mẹ đứng ngồi trước cổng trường hoặc xung quanh các điểm thi, để tiếp thêm tinh thần cho con, từ đó viết nên nhiều câu chuyện cảm động trong mùa thi cử.
Lặn lội từ xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển để đưa con đến với kỳ thi quan trọng, bà Nguyễn Thanh Hồng vẫn mặc nguyên áo mưa, đội nón bảo hiểm trên đầu, mắt hướng về phòng thi nơi có con mình trong đó.
Bà Hồng cho biết: “Cha nó mất hơn 10 năm rồi, nhà khó khăn mà con chịu ăn học đến đây coi như tôi mãn nguyện lắm, vái cho kỳ thi này con đỗ đạt đúng nguyện vọng thì không còn gì vui hơn. Con tôi học trên này (Trường THPT Cà Mau) nên hôm qua tôi bắt xe lên ở với con, không biết nó lo hay sao mà mấy đêm liền khó ngủ. Như đêm hôm, con thức ôn bài, tôi cũng thức theo chứ ngủ đâu được. 5 giờ sáng là 2 mẹ con lục đục soạn đồ qua điểm thi, 6 giờ là đến nơi”.
Mỗi người một vẻ trong khi chờ con làm bài thi. |
Cũng trong dòng người tựa cổng trường đợi con, nhưng sợ tập trung đông người nên bà Nguyễn Kim Kiều ở xã Định Bình, TP Cà Mau, chọn một chỗ gần đó để chờ con. Lúc nào bà cũng nhấp nha nhấp nhỏm nhìn đồng hồ đếm thời gian.
Bà Kiều nói vui: “Không mê tín, nhưng mấy ngày gần thi, bữa cơm tôi mua đậu các thứ về nấu cho con ăn, cũng như lấy may mắn, con cũng có tinh thần hơn. Học hành 12 năm vất vả kết quả là đây, nên tôi lo lắng hết sức, lúc nào cũng động viên con cố gắng ôn tập. Cha mẹ vất vả nuôi tới năm 12, chỉ mong con đỗ đạt rồi học lên với người ta. Ngồi vòng vòng đây cũng phụ huynh đưa con đi thi, ai cũng như mình nên coi như cũng có bạn. Đợi 1, 2 tiếng đồng hồ sao thấy lâu quá, chưa bao giờ thấy thời gian dài như hôm nay”.
“Mưa chứ bão mẹ cũng đưa con đi thi”, đó là lời động viên của bà Nguyễn Thị Nhạn, 53 tuổi (ngụ ấp Tân Biên, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) dành cho đứa con gái, trong hành trình đưa con từ nhà đến điểm thi - Trường THCS Võ Thị Sáu (Phường 6, TP Cà Mau).
Hoàn cảnh hết sức khó khăn, chồng bị khiếm khuyết bẩm sinh, không nghe, không nói được. Mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do bà quán xuyến, vun đắp. Cũng như hôm nay, đồng hành cùng con trên chiếc xe máy cũ, vượt chặng đường xa trong trời mưa gió, bà không ngại, chỉ cầu mong cho con thi tốt.
Nhà xa, để tiết kiệm chi tiêu nên những ngày thi diễn ra, bà Nhạn không thuê nhà nghỉ ở lại cho tiện mà bàn với con sáng thi chiều về, lấy tiền đó đổ xăng, lo ăn uống.
Bà Nhạn chia sẻ: “Từ nhà tôi muốn ra tới lộ dal là phải đi khoảng 1 km lộ đất, xe máy gửi bên ngoài. Sáng 5 giờ là mẹ con xắn quần đi ra, gặp ngay mưa vất vả, đến trường con chưa kịp ăn gì đã chạy vội vào phòng thi. Hồi sáng con có nói để nó tự đi, nhưng tôi thà đội mưa đưa đi chứ để con tự đi, ở nhà lo còn hơn. Con ở phòng thi lo một chứ tôi ngoài này lo 10. Thương con thi vất vả mà gặp thời tiết xấu, mưa dầm dề. Mình không sợ mưa, chỉ sợ con lạnh làm bài không tốt”.
Tấm lòng cha mẹ yêu thương con vô bờ bến nhưng thường ít khi biểu lộ ra bên ngoài, nhất là khi con đã đến tuổi trưởng thành.
Không chỉ lo cho con được an toàn đến điểm thi, chuyện cha mẹ cùng con đến trường những ngày này còn gửi gắm nhiều câu chuyện tình thân, về những mong mỏi, ước mơ và hy vọng. Con gái bà Nhạn, em Nguyễn Xuân Nguyên có nguyện vọng vào ngành Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ. Đây không chỉ là ước mơ của em mà còn là niềm mong đợi của cả gia đình.
“Ông ngoại nó làm thầy giáo, đến đời tôi khó khăn quá, ăn học không đến nơi đến chốn, không nối nghiệp của cha thì nay tôi tằn tiện để lo cho con, cố gắng nuôi con ăn học để tiếp nối nghề của gia đình thời trước”, bà Nhạn cho biết thêm./.
Yến Nhi