Ngoài trùng khơi biển Ðông Việt Nam có một nghề đặc biệt: nghề gác hải đăng. Một cái nghề chỉ vì người, không vì ta, vào rồi không ra được, có một không hai…
Hết ca trực đúng dịp Tết, anh Võ Sỹ Lưu vui lắm. Phải nói là hí ha hí hửng. Ðặc biệt là anh đã ươm được 3 cây bàng vuông của Trường Sa cao lớn đến ngực. Anh mang nó về Hải Phòng quê anh để trồng. Xem như năm nay anh được “song hỷ”, vừa được ăn Tết đất liền, vừa mang được một chút Trường Sa về trồng ở nhà mình. Chỉ kém anh Tân một tí, vì Tân năm nay được ăn Tết đất liền cùng vợ sắp cưới.
Công nhân đặc biệt
Tàu Hải Ðăng 05 cập đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam, vào một chiều giữa tháng 10/2016. Cũng như bao chuyến cập đảo khác, tàu phải nằm một đêm chờ nước, sáng sớm anh em bắt đầu tập kết nhu yếu phẩm, đổi người canh đèn.
![]() |
Thuyền con tập kết nhu yếu phẩm mang vào cho các công nhân giữ hải đăng ở Trường Sa. |
Sáng sớm, một con thuyền nhỏ từ đảo Sinh Tồn xuất hiện, trong tiếng sóng biển Ðông rì rào vỗ mãi không thôi. Trên nó là 5 anh em giữ hải đăng Sinh Tồn, mặt tươi cười rạng rỡ.
Kỳ lạ, chúng tôi đã cùng với con tàu Hải Ðăng 05 này đi qua 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, để cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đều phát hiện những công nhân giữ đèn ai cũng lạc quan lạ thường. Nó khác với những gì tôi hình dung về một cuộc sống buồn bã, tẻ nhạt giữa trùng khơi chỉ có mây trời và sóng biển. Cứ nghĩ họ là những người trầm lặng, thích chốn yên bình, ghét chỗ nhộn nhịp xa hoa, nên mới sống và làm việc bền bỉ ở cái nơi mà quanh năm không được xài tiền, không thấy một bóng hồng nào lai vãng.
Cũng như nhiều anh em khác được đổi về đất liền 3 tháng, anh Lưu vui hí hửng. Khi việc tập kết hàng và người đã xong, anh không vẫy tay chào tạm biệt như nhiều người vẫn làm. Anh hét to theo con thuyền nhỏ, đang vượt sóng vào đèn: “Thằng Sơn chút họp, cái gì đáng nói thì nói, không thì thôi nhé Sơn ơi. Không phát biểu linh tinh nhé. Tao về rồi không ai kèm mầy đâu!”.
Anh Khôi, công nhân đèn vừa xuống tàu từ đảo Trường Sa Lớn đứng gần nghe rõ, cười khoái chí, thụi vai anh Lưu mà bảo: “Bác Lưu này cả năm gặp lại vẫn không chút đổi thay. Nói hùng hồn mà chả có nội dung gì. Thì cái nào đáng mới nói, không đáng ai nói. Nhắc thừa!”. Anh Lưu quay qua trợn mắt: “Thì anh vẫn nói chuẩn nào giờ, đố chú mầy bảo là anh nói sai đó”. Với cái chất giọng Hải Phòng giòn tan của anh, mọi người cười ầm lên. Con tàu bập bềnh theo sóng, chồm đầu lên như muốn hưởng ứng phong trào.
Chiều, con tàu Hải Ðăng 05 chúng tôi nhổ neo, tiếp tục cuộc hành trình, về Nam Yết. Tối đó, khi ngồi bên nhau uống trà trò chuyện, với sự góp phần của anh Lưu, chúng tôi hiểu rõ hơn công việc đặc biệt của các anh.
Hoá ra, ở Trường Sa này có cái nghề đặc biệt. Từ hơn 20 năm trước, Nhà nước, sau này Công ty Bảo đảm an toàn biển Ðông và Hải đảo đã thuê những công nhân ra đây để canh các ngọn hải đăng, đảm bảo an toàn hàng hải trong nước và quốc tế. Về mặt hành chính, họ là những công nhân được thuê, trả lương, tức làm công hưởng lương.
Với đặc điểm mỗi ca trực từ 8 đến 10 tháng, thông thường là 9 tháng, những công nhân hải đăng phải sống ở trùng khơi mênh mông mây nước những một phần hai cuộc đời. Như anh Lưu vậy, nay vừa qua 50 tuổi, vào nghề 24 năm thì đã có gần 20 năm sống giữa trùng khơi.
Anh khái quát cái nghề của mình: “Cứ 1 năm thì có 9 tháng ở ngoài nầy, trên cái hải đăng cùng với 4 anh em khác. Suốt thời gian này không được xài tiền. Bởi có ai bán gì đâu mà xài. Không gần vợ con, không thấy một bóng hồng nào… Và ai cũng vậy, chấp nhận cảnh để vợ con sinh đẻ một mình, tứ thân phụ mẫu mất cũng ít ai được may mắn có mặt đội tang”.
Thế nhưng, những người bỏ nghề này rất ít. Gần 80 công nhân giữ hải đăng các đảo ở quần đảo Trường Sa hiện phần lớn có thâm niên từ 15 năm trở lên, tức họ rất gắn bó với nghề. Sự gắn bó không vì tiền lương, mà vì một lẽ khác...
Chuyện về những con tàu ma
Cách đây mấy hôm, khi con tàu 05 cập đảo đầu tiên, đảo Ðá Lát, các phóng viên cứ ồ lên trước cảnh tượng khá rùng rợn bởi những xác tàu hoang phế. Thuyền trưởng Trần Văn Nga lý giải rằng, đó là những xác tàu buôn nước ngoài gặp nạn, do năm xưa không có các ngọn hải đăng.
Anh Lưu kể: "Từ 24 năm trước, khi tôi lần đầu tiên đến đảo Ðá Lát, trông cảnh tượng mà muốn quay ngay về đất liền. Khi đó, còn cả chục xác tàu, ai cũng gọi là những con tàu ma. Có cả một xác người chết khô, ngồi trên ghế thuyền trưởng, ngửa mặt nhìn trời. Mọi người gọi là anh Hai".
Ngọn hải đăng ở đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: VI HOÀ |
Vậy nó có liên quan gì công việc "phu" đèn của các anh? Anh Vũ Duy Tiến, một công nhân đèn 25 năm gắn bó nghề, lý giải: "Hãy tưởng tượng họ đã gặp nạn và chết như thế nào. Với anh em chúng tôi, đó là những cái chết đau đớn, cô đơn nhất hành tinh. Khi họ vướng vào bãi ngầm san hô, họ không rút ra được. Và cơn đói, cơn khát hành hạ họ cho đến chết. Anh Hai là một minh chứng. Xác anh không thối rữa, chứng tỏ anh đã teo tóp dần, không còn mỡ trong người trước khi chết. Cùng với khí hậu vùng này, xác anh như được ướp, không phân huỷ. Và cái sự hình dung đó, khiến mọi người hiểu rõ về ý nghĩa công việc của mình. Ðó là một công việc gián tiếp cứu người khỏi những thảm hoạ khủng khiếp".
Anh Tiến kể, có lần, vào năm 2007, một tàu cá gặp nạn, vướng đảo ngầm Ðá Lát. Khi đó, anh Tiến là Ðèn trưởng nơi đây tất tả cùng anh em đi cứu nạn. Ðiều mà cả 5 anh em khi đó rất lo lắng là tại sao tàu gặp nạn, lẽ nào các anh đã để cho hải đăng không phát sáng trong một lúc nào đó chăng? Cuối cùng, thuyền trưởng tàu cá mới thành thật bảo là vẫn thấy ngọn hải đăng của các anh, nhưng không ngờ đảo ngầm lớn quá vậy. Khi biết rõ vậy, mọi người mới an tâm về nhiệm vụ của mình không có sơ suất.
Có thể nói lòng tự hào làm công việc cứu người chính là thứ thôi thúc các anh gắn bó với nghề, dù đôi khi phải đánh đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống riêng tư. Anh Nguyễn Văn A, công nhân đèn vừa lên tàu từ đảo Sinh Tồn, tâm sự : "Những người có thâm niên nghề này, ai cũng vài lần rơi lệ vì nhớ quê, nhớ nhà, vì gia đình hữu sự mà ta thì biệt tăm. Cứ thỉnh thoảng thấy một bác ra ghềnh đá, hay lan can đèn ngồi bất động ngó về đất liền, y như rằng bác ấy đang khóc. Tôi cũng đã bị như vậy mấy lần khi biết vợ đang oằn mình trong cơn đau bụng đẻ. Nhưng anh em chúng tôi đủ sức mạnh vượt qua tất cả. Bởi vì chúng tôi đang làm công việc cứu người".
Anh Nguyễn Ðức Huy, Phó Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải biển Ðông và Hải đảo, tâm sự: "Anh em công nhân giữ đèn là linh hồn của công ty chúng tôi. Những con người rất tuyệt vời, không dễ dàng kiếm được"./.
Bài và ảnh: Trần Vũ